Đồng bằng sông Cửu Long hấp dẫn nhà đầu tư
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã đến khảo sát vị trí xây dựng cảng nước sâu Trần Đề vào đầu năm 2022. Ảnh TQ
Với địa hình bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, nước ngọt quanh năm, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là vùng đất trù phú nhất trong khu vực ASEAN. Nơi đây đã hội tụ đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" ngày càng trở nên điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư.
- 27-02-2023Dệt may quay lại 'sân nhà'
- 27-02-2023Thủ tướng lưu ý một số vấn đề trong triển khai đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La
- 27-02-2023Doanh nghiệp xăng dầu chất vấn cơ quan quản lý loạt vấn đề
Điểm nghẽn lớn nhất đang được tháo gỡ
Nhằm tháo gỡ nút thắt hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL, nhiều dự án giao thông quy mô lớn đã và đang được khởi động tại khu vực này.
Ngay từ đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong đó có đoạn cao tốc Cần Thơ-Cà Mau dài 109km.
Theo như dự kiến, tháng 6 năm nay, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (nối đến cảng Trần Đề) thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, dài trên 188km, đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố, gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng cũng sẽ được khởi công xây dựng. Cùng với đó là tuyến cao tốc Hà Tiên-Rạch Giá, dài gần 100km cũng đã được tỉnh Kiên Giang đề xuất Chính phủ cho đầu tư sớm hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, theo kế hoạch trong năm nay tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ được đưa vào sử dụng. Dự án cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi cũng sẽ được nâng cấp trước năm 2024. Như vậy, nếu các tuyến cao tốc đã đang và sẽ đầu tư được đưa vào sử dụng thì khu vực ĐBSCL sẽ có gần 600km đường bộ cao tốc.
Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, do khó khăn về hạ tầng giao thông kết nối đi lại khó khăn nên trong nhiều năm qua các địa phương từ Sóc Trăng đến Cà Mau chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
"Với việc Chính phủ tập trung nhiều nguồn lực trong nhiệm kỳ này để đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng chính là cú hích, cơ hội để vùng ĐBSCL bức phá, vươn lên. Đối với Sóc Trăng, chúng tôi cũng đã xúc tiến mời gọi đầu tư khu logistics 4.000ha và cảng nước sâu Trần Đề có thể tiếp nhập tàu trọng tải 160.000 DWT. Khu cảng Trần Đề không chỉ phục vụ cho vùng ĐBSCL mà còn phục vụ xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp Campuchia thông qua tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng", ông Lâu cho biết.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Sóc Trăng, hiện nay địa phương đang tập trung giải phóng mặt bằng dự án xây dựng cầu Đại Ngãi-cây cầu cuối cùng trên tuyến Quốc lộ 60.
Khi cầu Đại Ngãi được đưa vào sử dụng thì việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đi TP. Hồ Chí Minh sẽ rút ngắn hơn được 60km và tránh được ùn tắc giao thông so với phải đi đường "độc đạo" Quốc lộ 1A như hiện nay.
Chia sẻ tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết xác định kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế- xã hội và thúc đẩy liên kết vùng, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn vùng ĐBSCL dự kiến đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, còn khoảng 140.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư thông qua một số Bộ như Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng. Như vậy, tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 cho vùng ĐBSCL lên đến khoảng 460.000 tỷ đồng.
Về dự án đầu tư cụ thể được Bộ trưởng Dũng cho biết, nguồn vốn sẽ được tập trung bố trí cho dự án phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ thông qua 2 trục đường bộ cao tốc, tuyến đường thuỷ nội địa và tuyến đường sắt; Phát triển tuyến đường bộ ven biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang, gắn với kiểm soát xâm nhập mặn, sắp xếp lại dân cư, bảo đảm quốc phòng an ninh, hình thành hành lang kinh tế mở, hướng ra biển.
Mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường Quốc lộ; nâng cấp 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa tại vùng ĐBSCL.
Nhiều dự án đầu tư hạ tầng thông quy mô lớn đã, đang, sẽ được đầu tư nhằm tháo điểm nghẽn về giao thông cho vùng. Ảnh phối cảnh cầu Đại Ngãi
Thời điểm thích hợp để "rót vốn" đầu tư
Nhận định về tiềm năng cơ hội đầu tư tại vùng ĐBSCL trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Với tầm nhìn, định hướng phát triển vùng được xác định rõ ràng, nhất quán, các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đang được tập trung đầu tư lớn và đồng bộ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có rất nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, gia tăng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế tại vùng ĐBSCL.
Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: đầu tư PPP phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp kết hợp du lịch, nông nghiệp giá trị cao; công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, các ngành hỗ trợ cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; công nghiệp năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi số; dịch vụ vận tải logistics; dịch vụ y tế, giáo dục; du lịch và bất động sản.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (chi nhánh Cần Thơ), ĐBSCL có lợi thế thu hút đầu tư vào 5 cụm ngành, đó là cụm ngành lúa gạo, thủy sản, rau quả, du lịch và năng lượng. Trong đó đặc biệt là năng lượng tái tạo có thể tạo bước đột phá trong thu hút vốn FDI cho khu vực.
Với những cam kết về tăng mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL của Chính phủ đã cơ bản giải tỏa được tâm lý e ngại của nhà đầu tư về nút thắt hạ tầng. Tuy nhiên, tháo nút thắt trong thu hút FDI vào vùng này thì các địa phương cũng cần vượt qua 5 thách thức, đó là: tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác thiếu bền vững, biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng logistics chậm được cải thiện, phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế và thiếu lao động có tay nghề.
Đồng quan điểm đó, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho rằng, ĐBSCL đang đứng trước cơ hội đón làn sóng đầu tư mới khi nơi đây đã hội tụ đủ cả ba yếu tố: "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".
"Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, nằm trên tuyến hàng hải của trung tâm khu vực ASEAN, con người hiền hòa, mến khách, ĐBSCL có sẵn lợi thế về địa lợi, nhân hòa. Vùng này đang có nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư dịch chuyển từ các vùng miền khác và kể cả làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các quốc gia lân cận, ĐBSCL đã có thêm yếu tố "thiên thời", đây là những điều kiện cần và đủ để vùng này trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong thời gian tới", ông Thành nhận định.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài tính đến 20/1, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt gần 441,31 tỷ USD với 36.458 dự án còn hiệu lực. Vốn thực hiện ước đạt gần 275,35 tỷ USD, bằng gần 62,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Riêng khu vực ĐBSCL có 1.884 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 35 tỷ USD.
Nhà đầu tư