Đồng hành, linh hoạt để tiếp nối những thành công
Theo các chuyên gia, chính sách tiền tệ đã được điều hành chủ động, linh hoạt và mang lại nhiều kết quả tích cực trong năm 2024. Bước sang năm 2025, sự chủ động và linh hoạt này cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, nhất là để đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đạt được tăng trưởng kinh tế cao hơn, trong khi vẫn cần duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và đảm bảo an toàn hệ thống.
Tập trung hỗ trợ tăng trưởng
Các chuyên gia đều ghi nhận sự điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2024, giúp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh quốc tế đầy biến động. Điều này được thể hiện ở sự ổn định tương đối về tỷ giá, lãi suất, nhu cầu tín dụng được đáp ứng… Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, chính sách tiền tệ năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt trong việc kiểm soát tỷ giá, ổn định lãi suất và đáp ứng nhu cầu tín dụng. Trên “mặt trận” lãi suất, dù không phải là năm giảm sâu, lãi suất cho vay vẫn được duy trì ổn định và giảm nhẹ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, tỷ giá được giữ ở mức ổn định, bất chấp áp lực từ thị trường tài chính toàn cầu. Nhờ vậy, các hoạt động xuất nhập khẩu không gặp trở ngại lớn, niềm tin của nhà đầu tư quốc tế tiếp tục được củng cố.
“Năm nay, tác động của yếu tố tỷ giá không phải là nhỏ, nhưng hầu như không có thời điểm nào chúng ta rơi vào tình trạng tỷ giá biến động quá lớn, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và đến các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các chính sách về tín dụng thì năm 2024 không có tình trạng cạn “room” cho vay. Các ngành nghề, lĩnh vực cần vốn tín dụng đều được đáp ứng”, ông Hoàng Văn Cường nói và bổ sung thêm, các biện pháp giãn, hoãn các khoản nợ tiếp tục được triển khai trong năm 2024 giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong khi vẫn đảm bảo an toàn hệ thống.
Cùng quan điểm này, ông Vũ Bình Minh, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và sản phẩm lãi suất, Khối Thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam nhận định, trong khi các rủi ro và thách thức vẫn hiện hữu, nhưng lạm phát thấp hơn nhiều so với mức trần mục tiêu đặt ra, cho phép NHNN duy trì lập trường điều hành theo hướng tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát. Về tỷ giá, mặc dù thị trường tiếp tục chứng kiến một năm với rất nhiều biến động khó lường nhưng NHNN đã áp dụng chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt qua việc công bố tỷ giá niêm yết, can thiệp bán ngoại tệ khi cần thiết, đồng thời tiếp tục sử dụng công cụ như phát hành tín phiếu nhằm điều tiết nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng, qua đó gián tiếp góp phần củng cố niềm tin thị trường và giảm áp lực lên tỷ giá.
Bước sang năm 2025, chính sách tiền tệ nhiều khả năng vẫn phải đối mặt với khó khăn, thách thức mới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định. TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, chính sách thương mại của Mỹ, bao gồm việc áp dụng các biện pháp thuế quan mới, có thể gây tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam; Đồng thời, đồng USD có khả năng mạnh lên, gây áp lực lớn đến tỷ giá và khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính toàn cầu năm 2025 dự báo sẽ tiếp tục biến động. Các động thái điều hành chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đặc biệt trong việc giảm lãi suất, có thể diễn ra chậm hơn dự đoán. Điều này sẽ làm tăng áp lực, giảm dư địa điều hành chính sách tiền tệ… Theo các chuyên gia, những yếu tố như vậy là thách thức cần phải nắm bắt để ứng phó kịp thời.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, toàn ngành Ngân hàng sẽ tập trung vào nhiều nhiệm vụ trọng tâm lớn. Trong đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. |
Năm 2025 - sẵn sàng bứt phá
Năm 2025 dự báo nhu cầu vốn tăng mạnh do nhiều dự án đầu tư lớn được khởi động, đặc biệt sau khi nhiều khuôn khổ pháp lý mới đã được thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn trước đó, nhưng điều này có thể kéo theo nhu cầu vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng tăng cao giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, việc thắt chặt các quy định, như quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ (theo Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2025), cũng có thể đẩy nhu cầu vốn tín dụng của doanh nghiệp lên cao hơn, kéo theo thách thức trong việc cân đối nguồn vốn và kiểm soát rủi ro tín dụng.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ năm 2025 cần tiếp tục phát huy những thành công của năm 2024, đồng thời thực hiện các bước thích ứng nhằm đáp ứng yêu cầu mới, như nhu cầu tín dụng có khả năng sẽ tăng cao hơn. GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, năm tới điều hành chính sách tiền tệ và ngành Ngân hàng vừa phải duy trì vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế ở mức cao hơn, đồng thời vẫn phải đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và tỷ giá. Sự chủ động và linh hoạt cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt trong việc điều hành lãi suất và tỷ giá. Sự thuận lợi từ xu hướng giảm lãi suất trên thế giới, cùng với sự phục hồi kinh tế toàn cầu và tăng trưởng xuất khẩu, sẽ giúp giảm áp lực lên tỷ giá và tạo điều kiện để Việt Nam ổn định đồng tiền nội tệ. Tuy nhiên, những biến động khó lường từ thị trường tài chính quốc tế, đặc biệt là các chính sách điều hành của Fed, vẫn có thể đặt ra thách thức lớn, đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ, điều hành chủ động và linh hoạt. Trong bối cảnh đó, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng các ngân hàng cần có sự linh hoạt hơn trong việc xem xét khả năng tài chính của doanh nghiệp, tập trung vào tính khả thi của dự án thay vì quá chú trọng vào lịch sử tín dụng hay tài sản bảo đảm. Việc song hành với các nhà đầu tư, giám sát dòng tiền chặt chẽ và giải ngân theo từng giai đoạn của dự án sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, đồng thời đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả.
Chính sách tiền tệ năm 2025 không chỉ là sự tiếp nối mà còn là một bước tiến lớn, đồng hành cùng các mục tiêu kinh tế vĩ mô đặt ra rất cao trong năm 2025 cũng như nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Sự linh hoạt, chủ động trong điều hành sẽ tiếp tục là chìa khóa giúp vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để đạt được các mục tiêu đặt ra.
Thời báo ngân hàng