MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Động lực nào cho ngành bảo hiểm?

Động lực nào cho ngành bảo hiểm?

Tuy không phải nhóm ngành nổi bật trên thị trường, song cổ phiếu bảo hiểm có được sức hấp dẫn khi các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm đến những nhóm ngành có sức chống chịu cao trong môi trường lạm phát và lãi suất tăng.

Bất chấp những nhịp rung lắc của thị trường, cổ phiếu bảo hiểm vẫn duy trì đà tích cực, có mã lập đỉnh mới. MIG là cái tên "tỏa sáng" nhất trong nhóm bảo hiểm khi tăng 2,7% lên mốc 32. đồng/cp. Phiên tăng hôm nay cũng kéo mã này lên mức đỉnh cao nhất trong lịch sử. Những mã khác trong nhóm bảo hiểm  như AIC,ABI, BVH,...vẫn duy trì sắc xanh. 

Tuy không phải nhóm ngành nổi bật trên thị trường, song cổ phiếu bảo hiểm có được sức hấp dẫn khi các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm đến những nhóm ngành có sức chống chịu cao trong môi trường lạm phát và lãi suất tăng.

Lãi suất gia tăng

Những tín hiệu mới đây cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhấn mạnh nhu cầu tăng nhanh lãi suất và có thể lên cao hơn ngưỡng mà thị trường dự báo nhằm "dập tắt" lạm phát. Trước đó, hồi tháng 3, cơ quan này đã quyết định chính thức thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại khi nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm - lần đầu tiên kể từ cuối năm 2018.

Giữa tháng 6 tới, có thể chứng kiến thêm một lần tăng lãi suất của Fed với mức tăng 0,5 điểm phần trăm nữa. Hồi đầu tháng này (ngày 4/5), Fed đã đánh dấu lần tăng lãi suất mạnh nhất trong 22 năm qua với mức tăng 0,5 điểm phần trăm. Thị trường dự báo Fed sẽ tăng lãi suất lên ngưỡng 2,5-2,75% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, mức lãi suất thực tế có thể cao hơn.

Ở trong nước, lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã tăng trong nửa cuối tháng 5, đơn cử như SCB, SHB, Techcombank,... Xét về mức lãi suất huy động cao nhất, không ít ngân hàng đã vượt 7%/năm, thậm chí là gần 8%/năm.

Việc lãi suất rục rịch tăng cũng là một tín hiệu tích cực cho cổ phiếu các doanh nghiệp bảo hiểm. Bởi nguồn thu nhập của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu đến từ việc đầu tư trái phiếu và lãi suất gửi ngân hàng. Vì vậy, khi lãi suất tăng, các công ty trong ngành sẽ có cơ hội hưởng lợi đáng kể.

Câu chuyện thoái vốn

Bên cạnh đó, thị trường cũng kỳ vọng vào hiệu ứng tích cực từ động thái thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại một số doanh nghiệp bảo hiểm như BVH, BMI.

"Quá trình thoái vốn tại các doanh nghiệp này có thể tạo động lực tăng giá ngắn hạn do giá cổ phiếu thường được trả theo mức giá trên giá trị sổ sách (PB) cao hơn so với mức giá giao dịch trên thị trường", Chứng khoán BVSC nhận định.

Điển hình như thương vụ Vietnam Post thoái vốn thành công PTI thu về 1.400 tỷ đồng vào cuối năm ngoái. Tại phiên đấu giá ngày 17/12, 100% lượng cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước đã được bán ra với giá đấu thành công bình quân 77.341 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều so với mức thị giá cổ phiếu PTI trên sàn thời điểm đó (51.500 đồng/cổ phiếu). Cổ phiếu PTI cũng có nhịp tăng bền bỉ trong thời gian dài trước khi bứt tốc mạnh mẽ từ khoảng gần 1 tháng trước phiên đấu giá.

Việc xác nhận tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) của các công ty bảo hiểm cũng sẽ tạo tâm lý tích cực khi mở ra cơ hội cho khối ngoại tiếp cận các đợt thoái vốn Nhà nước. Từ tháng 8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cập nhật Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nêu rõ tỷ lệ FOL đối với ngành Bảo hiểm là 100%.

Hưởng lợi từ sự hồi phục của kinh tế

Trong năm 2022, ngành bảo hiểm sẽ hưởng lợi từ hồi phục kinh tế giúp cải thiện lợi nhuận tài chính. Đánh giá cao triển vọng tăng trưởng khi đại dịch Covid-19 đi qua, BVSC cho rằng ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ nhanh chóng quay trở lại mức tăng trưởng trung bình 15% trong giai đoạn trước, trong khi bảo hiểm nhân thọ vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 25 -30%/năm.

Dựa trên quan điểm của SSI Research, các hoạt động bán hàng cũng sẽ hồi phục tốt trong năm với kịch bản cơ sở là việc mở cửa nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối 2022. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước tính tăng 22-24% so với cùng kỳ năm trước, trong khi mảng phi nhân thọ đạt 8%-10% so với cùng kỳ (vẫn thấp hơn mức trước Covid). Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự báo đạt 256.000 tỷ đồng, tăng 18-20% so với năm trước.

Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên những cổ phiếu có nền tảng cơ bản và tài sản tốt, lợi thế cạnh tranh bền vững, có sự thay đổi tích cực về hoạt động kinh doanh, đồng thời có mức định giá phù hợp. 

Luật bảo hiểm mới 2023 có hiệu lực

Các thay đổi về chính sách trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi cũng đang mở ra nhiều tín hiệu tích cực cho ngành bảo hiểm. Cụ thể, tiếp tục kỳ họp thứ ba chiều 27/5 vừa qua, Quốc hội thảo luận dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Cụ thể, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này được đánh giá là sẽ tạo ra những thay đổi mang tính căn bản và toàn diện cho phát triển thị trường bảo hiểm.

Những quy định mới trong dự thảo luật khi được ban hành sẽ cho phép các doanh nghiệp (DN) tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới mô hình tăng trưởng do chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh, tiết giảm chi phí do đơn giản hóa thủ tục hành chính và chủ động trong hoạt động kinh doanh; từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Các quy định mới trong dự thảo luật cũng sẽ tạo điều kiện cho các DN có tình hình tài chính vững, quản trị lành mạnh phát triển và kịp thời chấn chỉnh các DN có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro.

https://cafef.vn/dong-luc-nao-cho-nganh-bao-hiem-20220603092640493.chn

Thanh Thanh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên