Động lực nào giúp thị trường bất động sản bật tăng trở lại, bất chấp Covid-19?
Kịch bản của thị trường bất động sản được nhận định sẽ gắn liền với kịch bản của việc kiểm soát vaccine. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, dù còn nhiều thách thức từ lần bùng phát thứ 4 Covid-19, thị trường bất động sản đang hội tụ nhiều xung lực tốt.
Những cơn sốt đất địa phương là một trong diễn biến chính khi nhắc đến bức tranh của thị trường bất động sản vào thời điểm đầu năm 2021. Bước sang quý II, cơn sốt đất có dấu hiệu hạ nhiệt bởi sự bùng phát của dịch bệnh lần thứ 4. Nhưng sự hạ nhiệt này vẫn không kéo theo giá bất động sản, điển hình là căn hộ đi xuống thấp mà có xu hướng đi ngang, hoặc tăng nhẹ.
Đến thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên một số tỉnh thành thắt chặt biện pháp an ninh. Lượng giao dịch bất động sản đã bắt đầu giảm mạnh.
Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản còn rất nhiều xung lực mới cho đà tăng trưởng vào giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Tại một diễn đàn bất động sản mới đây, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhấn mạnh rằng, thị trường bất động sản năm 2021 đang và sẽ tiếp tục nhận được nhiều xung lực phát triển mới từ một loạt nhân tố. Những xung lực mới đã, đang và sẽ có sức chi phối, định vị dòng vốn chảy vào các phân khúc thị trường nêu trên và kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung, "thổi làn gió mới" vào thị trường bất động sản.
(Ảnh minh hoạ)
Theo ông Lộc, những nhân tố đó bao gồm, sự điều chỉnh nhiều thể chế về xây dựng và kinh doanh bất động sản, về cơ cấu cung - cầu và tăng cường áp dụng công nghệ tiếp thị, chính sách khuyến mại trong phân phối và khai thác sản phẩm bất động sản.
Ông Lộc chỉ ra một xung lực mới, đó là việc kéo dài thời gian nộp thuế và giảm bớt gánh nặng các nghĩa vụ tài chính gắn với dịch Covid-19 đang được thực hiện cho cả năm 2020 - 2021 cũng giúp ngân hàng và doanh nghiệp có thêm nguồn lực giá rẻ cho hỗ trợ tài chính trong kinh doanh bất động sản.
Cũng theo ông Lộc, 2021 là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua. Lãnh đạo VCCI khẳng định, lãi suất hạ luôn là xung lực tốt cho thị trường bất động sản do giúp giảm được chi phí vốn và điều kiện trả nợ, do đó các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà, hay đầu tư.
Hơn nữa, trên phạm vi quốc gia và địa phương đều đang chứng kiến nhiều động lực và quyết tâm triển khai các dạng đề án, dự án xây dựng hạ tầng cơ bản và phát triển bất động sản đa dạng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng và mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Chính phủ cũng khuyến khích nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và việc có thể thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương… càng tạo xung lực tích cực cho thị trường.
Với khả năng kiểm soát dịch Covid-19, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam và khả năng phục hồi kinh tế sẽ là những xung lực mạnh cho thị trường bất động sản phục hồi. Cùng với xuất khẩu tăng do hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đã ký kết, hoạt động du lịch sẽ ấm dần và nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng dần được phép vào Việt Nam, bên cạnh đó là các chính sách kinh tế vĩ mô, vi mô, chính sách tài chính được điều chỉnh linh hoạt… cũng sẽ góp phần thúc đẩy và tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản.
Trong khi đó, ông Đỗ Viết Chiến – Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã thẳng thắn nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua 6 tháng 2021 nhưng đã có quãng thời gian là nửa năm 2019 và cả năm 2020 khó khăn.Ông Chiến cho rằng, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 được đánh giá là mạnh nhất tác động tới thị trường và dự báo sẽ có nhiều khó khăn.
Thế nên, khi dự báo 6 tháng cuối năm, ông Đỗ Viết Chiến luôn đặt ra kịch bản gắn liền với tình hình kiểm soát dịch bệnh. Thoe ông, "Nếu dịch bệnh được kiểm soát, một số phân khúc bất động sản sẽ duy trì phát triển nhanh, điển hình đó là nhà ở".
Trên góc độ đơn vị nghiên cứu thị trường, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam lạc quan đưa ra con số tích cực cho kịch bản bất động sản. Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm 2021, lực cầu thị trường trở lại ở mức thấp trong quý III và tăng mạnh trở lại ở quý IV. Tổng giao dịch có thể đạt tương đương 70 - 80% so với năm 2020.
Nhận định về từng phân khúc, ông Đính nói, dòng căn hộ trung cấp tại Hà Nội và TP.HCM nếu có hàng ra thị trường sẽ hấp thụ mạnh, đạt tỷ lệ trên 75%. Phân khúc cao cấp sẽ vẫn hấp thụ ở mức thấp. Phân khúc đất nền sẽ vẫn là sản phẩm được săn tìm của các nhà đầu tư. Những dự án có pháp lý tốt, chất lượng tốt, giá phù hợp sẽ được hấp thụ tốt.