MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Động lực phát triển Quảng Ninh - Bài 3: Sáng tạo trong huy động nguồn lực xã hội

Quảng Ninh thực hiện phương châm Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh hoặc ứng vốn cho Trung ương để giải phóng mặt bằng các dự án, công trình động lực nhằm tạo tiền đề thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh

Từ một tỉnh miền núi ven biển nhiều khó khăn với cơ sở hạ tầng gần như không có gì, đến nay Quảng Ninh vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh của cả nước, trở thành địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam. Để có bước tiến vượt bậc này, Quảng Ninh đã thực hiện phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh hoặc ứng vốn cho Trung ương để giải phóng mặt bằng các dự án, công trình động lực nhằm tạo tiền đề thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

"Làn gió mới" PPP

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước sở hữu sân bay tư nhân, cảng tàu khách chuyên biệt và tự làm đường cao tốc. Đây chính là thành quả của cách làm sáng tạo và vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) mà Quảng Ninh đã tiên phong thực hiện nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực để phát triển trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.

Động lực phát triển Quảng Ninh - Bài 3: Sáng tạo trong huy động nguồn lực xã hội - Ảnh 1.

Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng là dự án giao thông đầu tiên cả nước được Chính phủ cho phép địa phương thực hiện huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện

Từ năm 2013, trong điều kiện khung pháp lý về đầu tư công - tư chưa đầy đủ, Quảng Ninh đã mạnh dạn nghiên cứu một số mô hình đầu tư mới, nhằm kết hợp và huy động nguồn lực từ khối tư nhân. Trong đó phải kể đến là thí điểm đầu tư theo các hình thức: “Đầu tư công - quản lý tư” (Nhà nước bỏ vốn đầu tư, giao cho đơn vị có đủ năng lực để quản lý, khai thác); “Đầu tư tư - sử dụng công” (nhà đầu tư bỏ vốn, Nhà nước thuê lại).

Với cách làm bài bản, giải pháp căn cơ, cụ thể tại từng dự án, chỉ sau thời gian ngắn, đầu tư theo hình thức PPP đã như một luồng gió mới nhanh chóng lan rộng ra toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Hàng loạt các dự án trọng điểm, lần đầu có trên địa bàn, như sân bay, đường cao tốc…được các nhà đầu tư đăng ký và triển khai thực hiện. Điển hình là các tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, là các dự án hạ tầng giao thông đường không, đường thủy tầm cỡ quốc tế do tư nhân đầu tư.

Trong đó điểm nhấn mang đậm dấu ấn đầu tư của tư nhân phải kể đến là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Công trình này có tổng vốn đầu tư 7.463 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Ninh là 734 tỷ đồng, còn lại 6.729 tỷ đồng là vốn của nhà đầu tư. Đây là sân bay quốc tế đầu tiên trong cả nước do tư nhân đầu tư, hoàn thành sau hơn hai năm thi công, xây dựng và được đầu tư theo hình thức BOT với thiết kế đồng bộ, hiện đại.

Một công trình trọng điểm khác là Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu khách chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam có thể tiếp nhận đồng thời 2 tàu khách cỡ lớn có trọng tải đến 225.000GT, sức chở lên đến 8.400 khách và thủy thủ đoàn. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu khách quốc tế đến với Hạ Long mà không phải qua chuyển tải, đảm bảo sự an toàn cho du khách.

Với 1 đồng ngân sách bỏ ra làm "vốn mồi", Quảng Ninh đã huy động được 8-9 đồng từ khối tư nhân đầu tư vào tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư PPP tại Quảng Ninh đạt 47.000 tỷ đồng với 44 dự án ở các lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật, dân dụng, văn hóa... Trong đó, vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP khoảng trên 4.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho công tác GPMB. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 345.000 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015.

Đầu tư hạ tầng mới bằng PPP, Quảng Ninh không chỉ gia tăng cơ hội thu hút thêm các nhà đầu tư, mà còn để ra một khoản không nhỏ dành đầu tư cho các hạ tầng khác để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý, hiện đại có hiệu quả và gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh". PPP ở Quảng Ninh đã giải quyết được vấn đề vốn, quản lý công trình sau đầu tư, nâng cao hiệu quả vốn ngân sách, tránh được những khoản nợ công, giải tỏa được "cơn khát" về hạ tầng, giải tỏa những e ngại của nhà đầu tư khi đến với địa bàn có nhiều tiềm năng để khai thác trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ, kinh tế cảng biển, biên mậu…

Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư

Nhằm xây dựng niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Quảng Ninh đã phát thông điệp: "Nhà nước sẽ không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn".

Ông Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Tỉnh luôn nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; bám sát các định hướng của Trung ương để mạnh dạn đề xuất, xây dựng và triển khai các mô hình mới, cách làm mới; phát huy và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển KT-XH. Trong thực hiện các mô hình mới, tỉnh nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở lựa chọn thí điểm, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm và giải quyết dần những khó khăn, mâu thuẫn trong quá trình triển khai, từ đó mới triển khai trên diện rộng. Về đầu tư, tỉnh đẩy mạnh phân cấp đầu tư xây dựng cơ bản cho các địa phương; nâng cao hiệu quả đầu tư công với phương châm "Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn...

Động lực phát triển Quảng Ninh - Bài 3: Sáng tạo trong huy động nguồn lực xã hội - Ảnh 2.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng

Bài học kinh nghiệm mà Quảng Ninh có được trong lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư cũng như nhiều thành công khác, chính là được bắt nguồn từ tư duy đổi mới, kiến tạo và hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nguồn lực được Quảng Ninh tập trung khơi thông đó không phải là tiền, là ngân sách trung ương đầu tư, hỗ trợ, mà đó là đổi mới từ khâu ban hành nghị quyết, hướng dẫn, kế hoạch cụ thể, gắn với kiểm tra, giám sát, định kỳ đánh giá hiệu quả, nguyên nhân hạn chế, hướng giải quyết, phát huy mô hình sản xuất hiệu quả. Chủ động đề xuất chính sách cơ chế tính đặc thù, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiều giải pháp tăng thu ngân sách, đẩy mạnh xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh gọn…

Tiếp tục thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”, trong giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước như "vốn mồi" để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư. Tỉnh dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư công vốn ngân sách tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 gần 58.700 tỷ đồng.

Đặc biệt, ngày 10/2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 80/QĐ- TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó khẳng định: Phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có, khác biệt, nguồn lực của tỉnh; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu, lấy "đầu tư công làm vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt đầu tư ngoài xã hội"; khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại.

Theo Đặng Nhung

Nhà đầu tư

Trở lên trên