MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Động lực từ xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ bứt phá lợi nhuận trong năm 2022?

Động lực từ xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ bứt phá lợi nhuận trong năm 2022?

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và Sản phẩm gỗ (G&SPG) sang Mỹ tăng gấp 2,5 lần so với năm 2018, mức tăng trưởng kép chạm ngưỡng 25,04%/năm.

Kể từ năm 2018, sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá (183,36%) và thuế chống trợ cấp (từ 22% đến 194,9%) đối với các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc. Điều này đã thúc đẩy thị trường Mỹ tích cực nhập khẩu các mặt hàng Gỗ và Sản phẩm gỗ (G&SPG) từ thị trường Việt Nam để thay thế cho nguồn cung Trung Quốc. Sau 4 năm kể từ sự kiện trên diễn ra, kinh ngạch xuất G&SPG của Việt Nam sang Mỹ tăng gần gấp 2,5 lần từ 3,6 tỷ USD lên tới 8,8 tỷ USD và với mức tăng trưởng kép chạm ngưỡng 25,04%.

Động lực từ xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ bứt phá lợi nhuận trong năm 2022? - Ảnh 1.

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam vẫn đạt 14,12 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm trước đó. Mỹ giữ vững ngôi vị thị trường xuất khẩu số một của ngành gỗ Việt Nam năm 2021, với kim ngạch từ thị trường này đạt 8,8 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ. Trong năm 2022, mặc dù lạm phát ở Mỹ kìm hãm đà tăng trưởng, giá trị xuất G&SPG trong 8 tháng đầu năm 2022 vẫn đạt 6,2 tỷ USD giảm 2% so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, trị giá xuất khẩu G&SPG trong tháng 8/2022 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 65% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu G&SPG ước tính đạt 11,07 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tính riêng thị trường Mỹ, tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG trong 8 tháng đạt hơn 6,2 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành gỗ.

Động lực từ xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ bứt phá lợi nhuận trong năm 2022? - Ảnh 2.

Ảnh hưởng từ sụt giảm doanh thu mua nhà tại Mỹ

Nhìn chung, suốt từ đầu năm đến nay, doanh số bán nhà tại Mỹ đã có 7 tháng giảm liên tiếp trên thị trường, từ vùng cao 6,5 triệu USD hồi tháng 1 về đến vùng thấp 4,81 triệu USD tại tháng 7. Sự suy giảm doanh số bán nhà này bắt nguồn từ việc Fed tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tại thị trường Mỹ từ đầu năm (0,25% tới 2,50% vào hồi tháng 7). Việc tăng lãi suất này gián tiếp kéo theo lãi suất tín chấp mua nhà mua nhà tại Mỹ (tạo đỉnh 5,8% với mức vay mua nhà 30 năm – theo Freddie Mac).

Với một mức lãi suất cao hơn ở thời điểm hiện tại, thị trường Mỹ đã sụt giảm doanh thu mua nhà kéo theo nhu cầu về các sản phẩm gỗ nội thất trong năm 2022. Thời gian tới, Fed tiếp tục giữ quan điểm nâng lãi suất và giữ ở mức cao để kiềm chế lạm phát thì nhu cầu sử dụng sản phẩm gỗ tại đây có thể tiếp tục giảm, ảnh hưởng tiêu cực các đến các công ty xuất khẩu từ Việt Nam.

Động lực từ xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ bứt phá lợi nhuận trong năm 2022? - Ảnh 3.

Tăng trưởng lợi nhuận cao

Hiện CTCP Phú Tài (PTB) và CTCP Gỗ An Cường (ACG) là hai doanh nghiệp ngành gỗ có quy mô lớn nhất trên sàn. Hai doanh nghiệp trên hiện đang lấy thị trường Mỹ làm trọng tâm trong chiến lược xuất khẩu, đều ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2022.

Động lực từ xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ bứt phá lợi nhuận trong năm 2022? - Ảnh 4.

Kết quả kinh doanh 2021 của Phú Tài tích cực là nhờ kinh doanh gỗ tăng trưởng mạnh, doanh thu từ mảng gỗ chiếm 53% tổng doanh thu của công ty. Năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 7.250 tỷ đồng và 790 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 21%. Doanh thu từ mảng gỗ của Phú Tài tiếp tục tăng trưởng nhờ các hiệp định thương mại và nhu cầu nội thất cao tại Mỹ.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Phú Tài đạt mức doanh thu 3.617 tỷ, tăng 20% so với cùng kỳ trong đó có 1.948 tỷ đồng được đóng góp từ mảng kinh doanh gỗ, tăng trưởng 7%. Đặc biệt, doanh thu xuất khẩu gỗ của Phú Tài chiếm 47,87% tổng doanh thu tương đương với 1.710 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 296 tỷ đồng, tăng 33,3% so với cùng kỳ.

Khác với PTB, Gỗ An Cường hiện đang tập trung nhiều hơn thị trường nội địa khi doanh thu xuất khẩu chỉ đạt mức 306 tỷ đồng, tương đương 16,3% tổng doanh thu. Mỹ và Canada là hai thị trường xuất khẩu chính của ACG. Trong đó thị trường Mỹ chiếm 51% doanh thu xuất khẩu của ACG.

Đầu tháng 7, Gỗ An Cường đã ký kết thành công hợp đồng hợp tác chiến lược với Sumitomo Forestry America - tập đoàn Bất Động Sản với mức vốn hóa hơn 3 tỷ USD tại thị trường Mỹ. Theo đó, Gỗ An Cường sẽ trở thành nguồn cung chiến lược duy nhất của tập đoàn này tại trên thị trường Mỹ từ năm 2022.Việc này có thể giúp mở rộng cơ hội đẩy mạnh tên tuổi công ty trên các thị trường nước ngoài và tăng trưởng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu của công ty. Hợp đồng hợp tác được kì vọng đóng góp thêm 20 tới 30 triệu USD cho doanh thu ACG mỗi năm.

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022, CTCP Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu 1.914 tỷ đồng, tăng 12% so với nửa đầu năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 279 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 17%. Biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm nay của ACG đạt 29,2%. Biên lợi nhuận gộp xuất khẩu đang dần được cải thiện với mức tăng 3,6 điểm % lên 9%. Xuất khẩu còn là một mảng kinh doanh mới của ACG và đang ở trong giai đoạn tăng trưởng nhanh.

Tăng trưởng doanh thu của ACG được kỳ vọng sẽ tăng nhanh trong nửa cuối 2022, do nửa cuối năm thường là mùa cao điểm của ACG. Nhiều dự án của các khách hàng doanh nghiệp lâu năm như Vinhomes, Novaland, Keppel Land, Nam Long, … đang trong quá trình hoàn thiện, do đó đơn đặt hàng nội thất trong nước tăng cao.

Việc Bộ công thương Hoa Kỳ (DOC) điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại với sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việc Nam, dự báo sẽ tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu G&SPG sang Mỹ trong nửa cuối năm. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ sẽ tiếp tục dừng thanh khoản các sản phẩm gỗ lẩn tránh thuế nói riêng và giảm thanh khoản sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, DOC cũng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gỗ cơ chế tự xác nhận sản phẩm, giúp cho các doanh nghiệp lớn (như ACG, PTB, ...) đảm bảo được chất lượng sản phẩm xuất khẩu có thể duy trì được hoạt động kinh doanh.

Theo ban lãnh đạo, ACG không xuất khẩu ván ép và đóng góp giá trị của ván ép trong sản phẩm tủ của công ty là nhỏ. Do đó, doanh nghiệp không bị ảnh hưởng từ các cuộc điều tra thuế của Bộ Thương mại Mỹ trong việc yêu cầu các nhà sản xuất Việt Nam chứng minh tủ gỗ và ván ép không phải là hàng trung chuyển hoặc được làm bán thành phẩm từ Trung Quốc.

Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định tỷ lệ tăng trưởng doanh thu của ACG dự báo ở mức 15%/năm trong giai đoạn 2022-2025 với các yếu tố hỗ trợ từ thị trường nội địa như (1) tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản; (2) sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa cao và (3) xu hướng sử dụng đồ gỗ công nghiệp trong thiết kế nội thất. Thêm vào đó là việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường quen thuộc của công ty như Mỹ và Canada. Dự báo hoạt động xuất khẩu sẽ đóng góp 20% doanh thu vào năm 2025.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên