Đông Nam Bộ chưa đạt kỳ vọng là vùng kinh tế động lực, dẫn dắt cả nước
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, 7 tháng đầu năm nay, vùng Đông Nam bộ (ĐNB) dù có mức tăng trưởng khá nhưng chưa đạt như kỳ vọng với vai trò là vùng kinh tế động lực, dẫn dắt của cả nước.
- 10-08-2024Năm 2025 sẽ có thêm 1.200 km đường cao tốc
- 10-08-2024Tránh tạo “cú sốc” đối với đồ uống có cồn khi tăng thuế, Việt Nam có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm thế giới?
- 10-08-2024Khó khăn nhất của Bình Định là chưa tìm được doanh nghiệp 'đầu đàn'
Sáng 10/8, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ - chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng lần thứ 4. Cùng dự có các thành viên Hội đồng điều phối là lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam bộ.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cho biết, vùng Đông Nam bộ (ĐNB) trong 7 tháng đầu năm dù có mức tăng trưởng khá nhưng chưa đạt như kỳ vọng với vai trò là vùng kinh tế động lực, dẫn dắt của cả nước.
Tăng trưởng kinh tế vùng ĐNB đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%); tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt gần 400.000 tỷ đồng, chiếm 38,1% tổng thu NSNN, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng Sông Hồng (chiếm gần 43%); giá trị xuất khẩu đạt 59,2 tỷ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 35%).
Dù vậy, trong 7 tháng, vùng ĐNB có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với hơn 58.200 doanh nghiệp, tăng 9,8%.
Về các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐNB thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đến nay Hội đồng đã hoàn thành 3 nhiệm vụ, gồm: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 138 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã bổ sung quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Thủ tướng cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (giai đoạn 1).
Cùng với đó, các thành viên Hội đồng đã hoàn thành 28/41 nhiệm vụ được giao tại quyết định ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ điều phối vùng năm 2023, hoàn thành 5/30 nhiệm vụ được giao hoàn thành trong năm 2023 tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24. Các nhiệm vụ còn lại, các bộ, địa phương đang khẩn trương triển khai.
Đối với kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng ĐNB, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 370 ngày 4/5/2024, thể hiện sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại nghị quyết của Bộ Chính trị.
Hiện nay, Bộ KH&ĐT đã xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương trong vùng. Sau khi có đủ ý kiến của các thành viên, Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp, rà soát, chỉnh sửa, cập nhật và hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về rà soát cơ chế, chính sách đặc thù của vùng, ngoài các nhóm chính sách, cơ chế đề xuất áp dụng chung cho các vùng trong cả nước, riêng vùng ĐNB đề xuất một số nhóm chính sách, cơ chế đặc thù riêng biệt như: Chính sách về nâng mức dư nợ vay ngân sách địa phương của các địa phương trong vùng ĐNB; chính sách về phát triển khu công nghiệp; chính sách về tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp; chính sách về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Tiền Phong