MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đông Nam Bộ tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

26-12-2023 - 10:10 AM | Bất động sản

Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đang đua nước rút để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, cho biết năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh là hơn 21.800 tỉ đồng, tính đến ngày 30 - 11, giải ngân hơn 14.000 tỉ đồng, đạt gần 65% kế hoạch tỉnh giao, ước tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả năm đạt 95,2% kế hoạch.

Tỉ lệ giải ngân cao

Theo ông Nhân, trong số hơn 21.800 tỉ đồng vốn đầu tư công, có hơn 14.500 tỉ đồng được ưu tiên cho các công trình trọng điểm như: Dự án đường Vành đai 3 TP HCM đoạn qua Bình Dương; dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13... Đến nay, giá trị giải ngân gần 9.900 tỉ đồng, đạt 68% kế hoạch, ước giá trị giải ngân cả năm là 94%.

"So với cùng kỳ năm 2022, ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cao hơn cả về số tuyệt đối (gấp 2,7 lần) và số tương đối (cùng kỳ đạt 85,4%). Đây cũng là giá trị vốn giải ngân đầu tư công cao nhất từ trước đến nay" - ông Nhân khẳng định.

Đông Nam Bộ tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công- Ảnh 1.

Công nhân thi công gói thầu ở nút giao Bình Chuẩn, thuộc dự án đường Vành đai 3 TP HCM đoạn qua Bình Dương. Ảnh: NGUYÊN THẢO

Để có được kết quả này, ngoài việc lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn quan tâm đôn đốc, đẩy mạnh thực hiện, thì một số vướng mắc chính ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công kéo dài nhiều năm qua đến nay cơ bản đã được tháo gỡ. 

UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành, sửa đổi những quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn tỉnh, đưa ra chủ trương thống nhất nguồn vốn thực hiện di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng thi công cho các dự án.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công tác giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng của tỉnh trong năm 2023. Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2023, giải ngân được hơn 16.018 tỉ đồng, đạt 95,8% kế hoạch vốn.

Sở dĩ tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt cao là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh với việc ban hành một số chỉ thị, công văn liên quan đến công tác này. Tỉnh xác định giải phóng mặt bằng là khâu then chốt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nên các sở, ngành, địa phương, đơn vị đã phối hợp triển khai những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác này.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 11-2023, toàn tỉnh mới giải ngân được hơn 5.400 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt khoảng 37,5% kế hoạch vốn, thấp hơn bình quân cả nước. Đồng Nai hiện đứng thứ 54/63 tỉnh, thành phố về tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên cho biết những nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, thiếu các khu tái định cư để bố trí tái định cư cho người dân khi triển khai các dự án, tiến độ phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Để hoàn thành mục tiêu giải ngân từ 80% - 95% nguồn vốn đầu tư công năm 2023, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết UBND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư vào cuộc quyết liệt và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân vốn đầu tư công không đạt mục tiêu đề ra. 

Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ, xử lý theo quy định.

"UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ theo dõi chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công để đánh giá công tác thi đua - khen thưởng năm 2023" - ông Võ Tấn Đức nhấn mạnh.

Với việc thực hiện cam kết giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đề nghị đối với nhóm gồm 5 đơn vị cam kết giải ngân từ 80% đến dưới 90% kế hoạch và 24 đơn vị cam kết giải ngân từ 90% kế hoạch trở lên thực hiện bảo đảm đạt tỉ lệ cam kết và phấn đấu đạt tỉ lệ cao hơn.

Đối với nhóm 3 đơn vị cam kết giải ngân dưới 80% kế hoạch, UBND tỉnh đề nghị 2 đơn vị phấn đấu giải ngân đạt từ 80% kế hoạch trở lên. Riêng Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cam kết giải ngân 34% kế hoạch là do cắt giảm khối lượng so với dự toán được duyệt và khối lượng để thi công hoàn thành chỉ đạt 34% kế hoạch nên không còn nhu cầu sử dụng vốn.

UBND tỉnh Bình Dương cho hay từ nay đến cuối năm, tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công, rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt; tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, UBND cấp huyện để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ các dự án...

Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên để có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém. Công khai kết quả giải ngân của các chủ đầu tư, thực hiện công tác thi đua khen thưởng trong đầu tư công, gắn với thanh tra trách nhiệm của các đơn vị. 

Tỉ lệ giải ngân của Tây Ninh xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ giao cho Tây Ninh khoảng 4.061 tỉ đồng vốn đầu tư công. Trong khi đó, kế hoạch của HĐND tỉnh giao là 4.622 tỉ đồng, tăng gần 561 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương so với kế hoạch do Thủ tướng giao.

Trong năm 2023, UBND tỉnh Tây Ninh đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư công khoảng 4.518 tỉ đồng/4.622 tỉ đồng, tương đương 98% kế hoạch. Đến nay, tỉnh đã giải ngân trên 3.177 tỉ đồng, đạt 78% kế hoạch Thủ tướng giao, đạt 69% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Ước giải ngân đến ngày 31-12-2023 khoảng 3.744 tỉ đồng, đạt 93% kế hoạch Thủ tướng giao và đạt 82% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Tỉ lệ giải ngân của Tây Ninh xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố.

N.Thảo


Theo NGUYÊN THẢO - NGỌC GIANG - NGUYỄN TUẤN

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên