Dòng người lũ lượt rời New Zealand do suy thoái kinh tế
Số liệu thống kê của chính phủ cho thấy, số người rời New Zealand đang đạt mức kỷ lục trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng, lãi suất vẫn ở mức cao và tăng trưởng kinh tế yếu kém.
- 17-08-2024Quân Ukraine thọc sâu, Nga tuyển vội người đào hào chặn cuộc đột kích ở Kursk: Hé lộ mức lương "khủng"
- 17-08-2024Kinh tế Mỹ chưa ở ngưỡng suy thoái
- 17-08-2024Reuters: Trung Quốc ‘bật đèn xanh’ nối lại việc mua vàng sau 3 tháng tạm dừng, giá vàng dự kiến tiếp tục tăng
Theo số liệu mới nhất do cơ quan thống kê New Zealand công bố, 131.200 người đã rời quốc gia này trong năm kết thúc vào tháng 6-2024. Đây là mức cao nhất từng được ghi nhận trong giai đoạn 1 năm. Khoảng 1/3 số người rời đi lựa chọn Australia là điểm đến.
Trong khi tỷ lệ di cư ròng (mức chênh lệch giữa số người chuyển đến và số người rời đi) vẫn ở mức cao, các nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ này sẽ giảm khi số lượng công dân nước ngoài muốn chuyển đến New Zealand giảm do nền kinh tế suy yếu.
Dữ liệu cho thấy, trong số những người rời đi có 80.174 trường hợp là công dân New Zealand, gần gấp đôi số người rời đi trước đại dịch toàn cầu Covid-19. Trong thời kỳ đại dịch, người dân New Zealand sinh sống ở nước ngoài lựa chọn trở về quê hương đạt mức kỷ lục nhờ những biện pháp ứng phó dịch bệnh của chính phủ khi đó.
Hiện tại, New Zealand đang phải chứng kiến làn sóng rời đất nước. Các nhà kinh tế nhận định, người dân quốc gia này thất vọng vì chi phí sinh hoạt và lãi suất cao, trong khi cơ hội việc làm lại sụt giảm.
Theo Reuters, nền kinh tế New Zealand đang gặp khó khăn sau khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất tiền mặt lên 521 điểm cơ bản trong đợt thắt chặt mạnh mẽ nhất kể từ năm 1999. Nền kinh tế quốc gia này tăng trưởng 0,2% trong quý đầu tiên, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,7% trong quý thứ hai và lạm phát vẫn ở mức 3,3%.
Tình hình càng thêm khó khăn khi Australia đang thu hút người lao động từ New Zealand thông qua các chương trình tuyển dụng và hỗ trợ tái định ở các lĩnh vực quan trọng như điều dưỡng, an ninh và giáo dục.
Hà Nội Mới