MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng nhân dân tệ không dễ soán ngôi USD

17-09-2016 - 12:08 PM | Tài chính quốc tế

Con đường trở thành đồng tiền toàn cầu thực thụ của đồng nhân dân tệ vẫn còn lắm chông gai.

Những cường quốc lớn đều sở hữu những đồng tiền lớn. Từ đế chế La Mã cổ đại cho đến nước Mỹ hiện nay, các siêu cường đã đúc ra những đồng tiền thống trị thương mại toàn cầu. Giờ đây, Trung Quốc muốn đến lượt mình. Vào ngày 1/10 tới, đồng nhân dân tệ sẽ được đưa vào rổ tiền tệ dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cùng với đồng USD, euro, yên và bảng Anh.

Nhưng không dễ để Trung Quốc đạt được vị thế đồng tiền toàn cầu. Trung Quốc đã phải trải qua hàng thập kỷ bị cô lập khỏi nền kinh tế thế giới dưới thời Mao Trạch Đông. Sau đó, dù đã mở cửa nền kinh tế từ cuối thập niên 1970, nước này vẫn áp dụng các quy định kiểm soát vốn nghiêm ngặt.

Vì thế, đồng nhân tệ có một xuất phát điểm thấp khi muốn mở rộng ảnh hưởng ra thế giới. Đồng nhân dân tệ còn ít hơn cả đôla Canada trong kho dự trữ của ngân hàng trung ương các nước. Ngoài ra, chưa đầy 2% hoạt động thanh toán toàn cầu sử dụng đồng nhân dân tệ.

Mặc dù xuất phát điểm của đồng nhân dân tệ là thấp, lịch sử kinh tế hiện đại cho thấy Trung Quốc là nước có khả năng học hỏi rất nhanh. GDP của Trung Quốc đã tăng từ 150 tỷ USD vào đầu giai đoạn đổi mới cho đến khoảng 11 nghìn tỷ USD vào hiện tại, biến nước này từ một kẻ ngoài lề trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu.

Ding Shuang, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của Standard Chartered Hồng Kông, dự đoán tỷ lệ của đồng nhân dân tệ trong các kho dự trữ toàn cầu sẽ lớn bằng đồng bảng và yên trong vòng 5 năm tới. Đồng nhân dân tệ cũng sẽ gia nhập quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF với tỷ lệ lớn thứ ba.

Các bài học từ lịch sử cho thấy sẽ còn rất lâu nữa vị thế thống trị của đồng USD mới bị đe dọa. Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 1872. Song, mãi đến giữa thế kỷ 20, địa vị thống trị của đồng bạc xanh mới hoàn tất. Đồng USD đã giữ vững ngôi vương kể từ đó, mặc cho những mối đe dọa từ đồng yên và euro đến rồi đi.

Trung Quốc cũng cần phải thực hiện một loạt các cải cách kinh tế và chính trị đớn đau để đồng nhân dân tệ phát huy được tiềm năng của nó. Các thị trường tài chính nội dịa của Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện và có tính thanh khoản kém. Dòng tiền ra và vào Trung Quốc vẫn đang bị kiểm soát chặt và chưa được tự do lưu thông.

“Tầm ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc có thể đã tăng lên. Song, nếu không thực hiện các cải cách sâu rộng trên, nước này sẽ không bao giờ có được niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài”, Eswar Prasad, giáo sư đại học Cornell, Mỹ đồng thời là tác giả cuốn sách: “Sự trỗi dậy của đồng nhân dân tệ” nhận định.

Để thúc đẩy hoạt động sử dụng đồng nhân dân tệ, Trung Quốc đã thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) vào tháng 12 năm ngoái. Nhưng kể từ khi đi vào hoạt động, các dự án đầu tiên trị giá 100 tỷ USD của AIIB đều được thu xếp cho vay bằng đồng USD. Đồng nhân dân tệ vẫn chưa thể cất cánh chỉ với sự giúp sức của AIIB.

Trung Quốc không phải là nước đầu tiên muốn thách thức vị thế thống trị của đồng USD. Đồng yên của Nhật Bản đã đến rất gần vị thế đồng tiền toàn cầu trong thập niên 1980. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính và hàng thập kỷ suy thoái kinh tế diễn ra sau đó ở Nhật Bản đã nhấn chìm tham vọng trên.

Khi đồng euro mới được sử dụng, nhiều chuyên gia đã dự đoán đồng tiền này sẽ soán ngôi vương của đồng USD. Giờ thì đồng euro đang đứng trước nguy cơ tan rã, trong bối cảnh làn sóng ly khai ở Châu Âu gia tăng sau sự kiện Brexit.

Dù Trung Quốc nóng lòng muốn đạt được vị thế đồng tiền toàn cầu, các chuyên gia cho rằng, nước này nên tự do hóa đồng nhân dân tệ một cách từ tốn. Xét đến gánh nặng nợ công khổng lồ của Trung Quốc, việc vội vã mở cửa biên giới vốn sẽ làm Bắc Kinh mất kiểm soát dòng tiền ra vào nước này.

“Trung Quốc nên thận trọng với quá trình tháo gỡ các rào cản vốn, ngày cả khi điều đó làm tốc độ quốc tế hóa đồng nhân dân tệ chậm lại,” Jeffrey Frankel, giáo sư Đại học Harvard nói.

Đức Long

Bloomberg

Trở lên trên