Đồng Nhân dân tệ lao dốc cùng chứng khoán Trung Quốc
Bất kỳ tín hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng thả lỏng hơn tỷ giá đều có thể đẩy nhanh đà giảm giá của Nhân dân tệ so với USD...
- 10-03-2021Nhân dân tệ điện tử sẽ hoạt động như thế nào?
- 06-03-2021Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ là "quả bom" khiến Bitcoin và thị trường tiền số rung chuyển?
- 14-12-2020Tiền ồ ạt đổ về, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá chưa từng có trong gần 3 thập kỷ
Tỷ giá trung tâm hàng ngày của đồng Nhân dân tệ lại đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Đồng nội tệ của Trung Quốc đang tiến tới hoàn tất tháng giảm giá mạnh nhất từ tháng 3 năm ngoái, khiến giới đầu tư để mắt kỹ lưỡng đến tỷ giá tham chiếu này nhằm tìm kiếm những tín hiệu chính sách từ Bắc Kinh, hãng tin Bloomberg cho hay.
Hôm thứ Năm tuần trước, Nhân dân tệ giảm giá xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thiết lập tỷ giá trung tâm Nhân dân tệ so với USD ở mức thấp nhất trong khoảng 3 tháng. Ngày thứ Hai (29/3), PBoC tiếp tục giảm tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ.
Sau 8 tháng liên tục tăng so với đồng bạc xanh, Nhân dân tệ suy yếu trong tháng 2, và đã giảm hơn 1% trong tháng 3 này. Trong tuyên bố đưa ra vào hôm thứ Tư tuần trước sau cuộc họp hàng quý của ủy ban chính sách tiền tệ, PBoC cho biết sẽ tăng độ linh hoạt cho tỷ giá Nhân dân tệ.
"Sức mạnh của đồng Nhân dân tệ có thể đã đạt tới một mức đỉnh tạm thời so với đồng USD trong thời gian gần đây. Đợt tăng dốc nhất của đồng tiền này có thể đã qua rồi", nhà phân tích tiền tệ cấp cao Fiona Lim thuộc Malayan Banking Berhad nhận xét. "Đợt điều chỉnh đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, và tâm lý bất an của giới đầu tư trên thị trường toàn cầu có thể giúp đồng USD vững giá trước Nhân dân tệ".
Tỷ giá USD so với Nhân dân tệ đã vượt ngưỡng bình quân 100 ngày - điều chưa từng xảy ra từ tháng 7 năm ngoái. Đây là một tín hiệu kỹ thuật chủ chốt cho thấy đồng Nhân dân tệ còn có thể xuống giá sâu hơn. Phiên sáng đầu tuần, Nhân dân tệ dao động quanh ngưỡng 6,54 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Gần đây, dự báo của các nhà phân tích về tỷ giá tham chiếu hàng ngày của Nhân dân tệ ngày càng chính xác hơn, cho thấy PBoC tiếp tục nới kiểm soát nhằm cho phép biến động thị trường giữ vai trò lớn hơn trong việc quyết định tỷ giá trung tâm.
Tỷ giá này là công cụ rõ nét nhất mà PBoC có trong tay để gây ảnh hưởng lên tỷ giá đồng nội tệ. Tỷ giá trung tâm được PBoC đưa ra vào lúc 9h15 sáng mỗi ngày giao dịch theo giờ Bắc Kinh, và tỷ giá Nhân dân tệ giao dịch ở Trung Quốc đại lục được phép dao động trong biên độ +/-2% so với tỷ giá trung tâm. Mỗi khi tỷ giá trung tâm cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với dự báo, đó thường được xem là một tín hiệu chính sách từ Bắc Kinh.
Sự minh bạch gia tăng trong chính sách tỷ giá là một phần nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm bớt kiểm soát thị trường tiền tệ, khi nước này tiến tới mục tiêu dài hạn là toàn cầu hóa đồng Nhân dân tệ. Động thái nới kiểm soát tỷ giá của PBoC gần đây nhất diễn ra vào tháng 10/2020, và đồng Nhân dân tệ kết thúc năm 2020 với mức tăng cả năm 7% so với USD.
Năm nay, Nhân dân tệ đã giảm giá khoảng 0,2% so với USD, nhưng tiếp tục tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác, bao gồm tăng 5% so với đồng Yên Nhật và Franc Thụy Sỹ, và tăng hơn 3% so với đồng Euro. Một phần nguyên nhân là Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, phục hồi khỏi đại dịch Covid-19 nhanh chóng và mạnh mẽ hơn so với các nền kinh tế lớn khác.
Theo giới phân tích, ở thời điểm này, bất kỳ một tín hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng thả lỏng hơn tỷ giá đều có thể đẩy nhanh đà giảm giá của Nhân dân tệ so với USD. Các nhà giao dịch quyền chọn tỷ giá trên thị trường ngoại hối ở Trung Quốc đã lục đã bắt đầu đặt cược vào một kịch bản như vậy.
"Tôi cho rằng tỷ giá Nhân dân tệ từ giờ trở đi sẽ biến động nhiều hơn, bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và căng thẳng Mỹ-Trung leo thang", chuyên gia kinh tế Trung Quốc Dariusz Kowalczyk thuộc Credit Agricole phát biểu. "Nhân dân tệ đã lập đỉnh khi đạt mốc 6,4 Nhân dân tệ đổi 1 USD vào đầu năm nay".
VnEconomy