Đồng nhân dân tệ rớt mạnh xuống dưới ngưỡng quan trọng
Số liệu lạm phát mới nhất tại Mỹ khiến thêm nhiều người kỳ vọng vào khả năng chênh lệch giữa chính sách tiền tệ của Trung Quốc và Mỹ sẽ ngày một lớn dần.
- 07-09-2022Trung Quốc - Nga đạt thỏa thuận thanh toán khí đốt bằng đồng rúp và nhân dân tệ
- 05-09-2022Đồng nhân dân tệ sụt giá mạnh gây ra hậu quả nặng nề khắp thế giới
- 31-08-2022USD và Euro cùng tăng do khả năng ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất, nhân dân tệ thấp nhất 2 năm
Đồng nhân dân tệ suy yếu xuống dưới mức 7 nhân dân tệ/USD lần đầu tiên trong vòng hơn 2 năm bởi kinh tế Trung Quốc suy giảm tăng trưởng, ngoài ra, việc đồng USD tăng giá không khỏi gây sức ép lên đồng nhân dân tệ.
Đồng nhân dân tệ hạ giá khoảng 0,7% xuống 7,0186 nhân dân tệ/USD, ngưỡng thấp nhất tính từ tháng 7/2020. Nguyên nhân chính khiến đồng nhân dân tệ hạ giá chính là việc đồng USD tăng giá ngay từ đầu phiên giao dịch trên thị trường New York.
Số liệu lạm phát mới nhất tại Mỹ khiến thêm nhiều người kỳ vọng vào khả năng chênh lệch giữa chính sách tiền tệ của Trung Quốc và Mỹ sẽ ngày một lớn dần. Đồng nhân dân tệ hiện cũng đang chịu nhiều áp lực khi mà các biện pháp phong tỏa của thời kỳ đại dịch COVID-19 và xuất khẩu tăng trưởng chững lại không khỏi gây tổn hại đến nền kinh tế.
Đồng nhân dân tệ suy yếu xuống ngưỡng 7 nhân dân tệ/USD lần đầu trong hơn 2 năm.
Chuyên gia kinh tế tại ngân hàng OCBC, ông Tommy Xie, nhận xét: “Chênh lệch lợi suất nhiều khả năng sẽ lớn hơn bởi xét đến một Fed có quan điểm tiền tệ cứng rắn. Cùng lúc đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không ngừng hạ lãi suất bởi kinh tế suy yếu”.
Nhiều yếu tố khác vẫn tiếp tục tạo sức ép lên tỷ giá đồng nhân dân tệ trong đó phải kể đến tâm lý bi quan về quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc cũng như nhiều nỗi lo mới về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cố gắng đặt tỷ giá đồng nhân dân tệ cao hơn đồng thời giảm tỷ lệ nắm giữ dự trữ ngoại tệ tại các ngân hàng nhằm ngăn đồng tiền này suy yếu, các động thái trên chỉ giúp hạ đà suy giảm của tỷ giá đồng nhân dân tệ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ông Liu Guoqiang, vào đầu tháng 9/2022 khẳng định rằng Trung Quốc có thể duy trì tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức ổn định và rằng sẽ là hoàn toàn bình thường nếu đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có những biến động tăng giảm.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng đã nới rộng chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm và trái phiếu chính phủ Mỹ lên cao nhất tính từ năm 2009, đồng thời nó làm tăng rủi ro rằng dòng tiền vào trái phiếu Trung Quốc từng dâng cao trong tháng 7/2022 sẽ có thể suy giảm.
Lần gần nhất đồng nhân dân tệ rơi xuống dưới 7 nhân dân tệ/USD là thời kỳ dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020, trước đó vào tháng 8/2019 trong căng thẳng với Mỹ.
Việc kinh tế toàn cầu chững lại, đặc biệt tại Trung Quốc, đang giúp làm giảm đi áp lực lạm phát, đặc biệt với những nước nhập khẩu các loại hàng hóa và sản phẩm quan trọng, theo nhận định mới đây được Wall Street Journal đưa ra.
Nếu tính theo tháng, lạm phát toàn cầu trong tháng 7/2022 hạ nhiệt, giảm đáng kể so với mức tăng trung bình 0,7% của toàn bộ nửa đầu năm 2022, theo phân tích của chuyên gia kinh tế trưởng tại JP Morgan – bà Nora Szentivanyi. Con số lạm phát toàn cầu không tính đến Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà lạm phát đang cao bất thường.
“Nhu cầu tăng trưởng toàn cầu yếu trong bối cảnh sức mua suy giảm suốt năm qua hiện đang kéo lạm phát đi xuống thông qua hai kênh chính. Thứ nhất, giá hàng hóa hạ nhiệt. Thứ hai, các vấn đề hạn chế của chuỗi cung ứng giảm đi”, bà Szentivanyi phân tích.
Bà và các đồng nghiệp ước tính rằng việc giá hàng hóa hạ nhiệt cũng như áp lực giá cả hàng hóa suy giảm sẽ kéo lạm phát toàn cầu giảm xuống còn 5% so với cùng kỳ trong nửa sau năm 2022, hạ đáng kể từ mức 9,7% trong quý 2/2022.
Việc kinh tế toàn cầu chững lại có thể thấy rõ nét nhất trong sự suy giảm của giá hàng hóa.
Nhịp sống kinh doanh