MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Động thái cơ cấu trái ngược của hai hãng hàng không

08-09-2020 - 08:33 AM | Doanh nghiệp

Phong cách đối lập của Vietnam Airlines và Vietjet Air không chỉ thể hiện ở phân khúc khách hàng nhắm tới mà còn ở cái cách mỗi bên cơ cấu để đối phó với khủng hoảng.

Cục hàng không Việt Nam (CAA) vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT hoàn thiện phương án khôi phục một số đường bay quốc tế từ 15/9. Các đường bay đầu tiên sẽ kết nối hai thành phố lớn Hà Nội và HCM với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia. Việc khai thác được Cục chỉ định cho ba hãng hàng không Vietnam Airlines/Pacific Airlines và Vietjet Air.

Với kế hoạch khai thác này, dự kiến khoảng 5.000 khách nhập cảnh vào Việt Nam mỗi tuần qua đường hàng không.

Trước đó không lâu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký ban hành thông tư giảm giá dịch vụ cất cách, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành tàu bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa 50% trong giai đoạn từ 1/3/2020 đến 30/9/2020. Bên cạnh đó, mức giá tối thiểu 0 đồng cũng được áp dụng với 3 dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá.

Đây là những tin vui liên tiếp từ cơ quan điều hành đối với ngành hàng không. Từ phía Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đang từng bước để hoạt động kinh doanh có thể hồi phục trở lại.

Động thái cơ cấu trái ngược của hai hãng hàng không - Ảnh 1.

Trong đà hồi phục của thị trường chứng khoán từ cuối tháng 7 cho đến nay, hai cổ phiếu hàng không thực tế có màn trình diễn nhỉnh hơn chút so với VN-Index. Nguồn: VNDirect

Sáu tháng đầu năm có lẽ là giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử ngành khi gặp phải cú sốc chưa từng có tiền lệ. Bộ mặt của các hãng vận tải xấu đi rõ ràng khi đang từ "khỏe mạnh" trở thành cần được "bơm máu" cấp bách.

Trong khó khăn, các hãng hàng không lại có động thái cơ cấu khác nhau qua đó thể hiện sự đối lập hết sức thú vị. Chúng tôi xin lấy ví dụ trường hợp của Vietnam Airlines và Vietjet Air, hai hãng hàng không quy mô lớn nhất, đồng thời cũng công bố đầy đủ thông tin tài chính khi đều niêm yết trên Sở GDCK TP HCM (HOSE).

Kết quả kinh doanh là yếu tố đầu tiên mà giới kinh doanh nhìn vào, trong khi Vietnam Airlines lỗ nặng 6.678 tỷ đồng thì Vietjet là hãng hàng không duy nhất báo lãi với 47 tỷ đồng.

Nhưng cả hai đều phải chứng kiến doanh thu vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng. Vietnam Airlines giảm gần 25.200 tỷ đồng so với cùng kỳ (tức hơn 1 tỷ USD), Vietjet cũng giảm khoảng 10.560 tỷ đồng doanh thu (gần nửa tỷ USD). Cả hai đều lỗ gộp, lần lượt 4.500 tỷ đồng và 1.450 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines âm 5.363 tỷ, trong khi tại Vietjet âm 2.452 tỷ đồng.

Khi hoạt động chính thua lỗ, các hãng hàng không buộc phải tiết giảm chi phí vận hành, đồng thời tìm đến những con đường khác để bù đắp dòng tiền. Ngoài ra, các nguồn thu này cũng có thể giúp các doanh nghiệp giảm lỗ nặng, hay thậm chí là có lãi, giúp cho báo cáo tài chính trở nên đẹp hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Vietjet bán một số tài sản để bổ sung dòng tiền

Động thái cơ cấu trái ngược của hai hãng hàng không - Ảnh 2.

Giới đầu tư theo dõi CTCP Hàng không Vietjet Air hẳn sẽ không lạ gì với việc sử dụng nghiệp vụ bán và thuê lại (S&LB), đem về khoản lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động này lại xuất hiện mang về hơn 1.900 tỷ đồng doanh thu, trong khi đó giá vốn chưa đầy 1.200 tỷ đồng.

Thực tế thì lợi nhuận Vietjet bán niên thậm chí có thể cao hơn nhiều nếu như công ty không bị dời thời gian nhận tàu bay sang quý 4/2020.  Nhưng bên bán vì giao chậm hàng do đó phải bồi thường cho Vietjet số tiền 559 tỷ đồng, và khoản này được ghi vào doanh thu khác. 

Tổng cộng các "khoản thu nhập khác" mang về cho Vietjet 1.778 tỷ đồng, lợi nhuận ghi nhận gần như toàn bộ số này.

Trong phần thuyết minh, Vietjet cũng cho biết đã bán một số tài sản để tập trung dòng tiền cho hoạt động chính như chuyển nhượng quyền kinh doanh và khai thác tòa nhà Vietjet Plaza; thanh lý quyền và nghĩa vụ tại dự án Republic Plaza; chuyển nhượng quyền mua 50 triệu cổ phiếu PV OIL... Nhìn chung, các động thái cơ cấu của Vietjet là "tự thân vận động" kết hợp với nguồn lực các bên liên quan.

Trong hoàn cảnh dư thừa tàu bay, Vietjet đã cho công ty liên kết Thai Vietjet Air thuê lại tàu bay.  Việc cho thuê được tàu bay giúp Vietjet giảm 1.186 tỷ đồng tiền dự phòng bảo dưỡng và hoàn trả tàu bay (các khoản trích lập bắt buộc). Ở chiều ngược lại, doanh thu cho thuê khô tàu bay lên tới 508 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ.

Động thái cơ cấu trái ngược của hai hãng hàng không - Ảnh 3.

Vietnam Airlines kêu cứu Chính phủ, đẩy mạnh đi vay

Động thái cơ cấu trái ngược của hai hãng hàng không - Ảnh 4.

Giống với Vietjet, hãng hàng không quốc gia cũng đẩy mạnh việc thanh lý tài sản cố định, ghi nhận thu nhập khác 447 tỷ đồng. Khối tài sản này chủ yếu là máy bay cũ, với nguyên giá hơn 2.435 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ thường niên Vietnam Airlines tổ chức đầu tháng 8 vừa qua cũng đã thông qua kế hoạch thanh lý 9 tàu bay A321 Neo sản xuất năm 2007 – 2008 trong giai đoạn 2020 – 2021. Đại diện hãng hàng không cũng cho biết đang trong quá trình đàm bán với một đối tác để chuyển nhượng 49% cổ phần nắm tại Angkor Air (Campuchia), dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Trong hoàn cảnh dự toán hết tiền vào cuối tháng 8, Vietnam Airlines đang nỗ lực để có thể nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, cũng đồng thời là cổ đông lớn nhất.

Phương án này bao gồm 4.000 tỷ đồng cấp tín dụng và cho phép Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ. Hiện Chính phủ các các cơ quan có thẩm quyền đang xem xét triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính giúp duy trì thanh khoản hoạt động liên tục.

Nhưng tự thân Vietnam Airlines cũng phải tìm cách để có thể xoay sở, chủ yếu qua con đường cầm cố tài sản vay các ngân hàng. Trong nửa đầu năm, lượng tiền mà hãng hàng không đi vay lên tới 15.144 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ.

Chính điều này khiến cho vay ngắn hạn cuối kỳ tăng 71%, tương đương hơn 4.600 tỷ đồng. Các khoản vay dài hạn và thuê tài chính giảm 6%, còn 23.867 tỷ đồng. Vietnam Airlines cũng tích cực đàm phán để giãn lịch trả nợ vay.

Đây là điểm trái ngược khi so sánh với Vietjet Air. Trong 6 tháng, tiền thu từ đi vay của hãng hàng không này giảm 35% so với cùng kỳ, trong khi tiền chi trả nợ gốc chỉ giảm 6%. Cả nợ vay ngắn hạn và nợ vay dài hạn của Vietjet giảm lần lượt 8% và 36%.

Dù lựa chọn những con đường đi khác nhau, nhưng rõ ràng ảnh hưởng của COVID-19 là nặng nề với cả hai hãng hàng không. Toàn bộ nhân sự cùng nhau san sẻ gánh nặng với công ty chủ quản, ngay cả với đội ngũ lãnh đạo cấp cao cũng không ngoại lệ.

Báo cáo tài chính kiểm toán chỉ ra rằng, thu nhập của ban giám đốc Vietnam Airlines giảm 65% từ 7,2 tỷ xuống còn 2,5 tỷ đồng. Bên phía Vietjet Air, con số này giảm 31% từ 13,8 tỷ xuống còn 9,5 tỷ đồng.

Hay như phần chi phí cho nhân viên, tại Vietjet giảm 21%; còn Vietnam Airlines giảm 43%. Giới chuyện gia nhận định rằng, để ngành hàng không có thể thực sự quay trở về so với mức trước dịch, có thể sẽ mất từ 1 đến 2 năm nữa. 

Động thái cơ cấu trái ngược của hai hãng hàng không - Ảnh 5.

Bạch Mộc

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên