Động thái mới của nhà đầu tư địa ốc sau khi Tp.HCM mở cửa
Sau những chuỗi ngày chờ đợi hết giãn cách, nhà đầu tư BĐS mong chờ sự phục hồi của thị trường, động thái của các nhóm đầu tư cũng thể hiện sự khác nhau.
Theo các chuyên gia trong ngành, tâm lý của nhà đầu tư cũng như môi giới BĐS khá háo hức trước thời điểm Tp.HCM mở cửa. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn cho nên động thái của các nhà đầu tư cũng có sự khác nhau.
Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, nhu cầu đầu tư tại Việt Nam rất lớn, trong đó 2 kênh được yêu thích nhất là chứng khoán và bất động sản. NĐT bị nhốt trong nhà quá lâu nên khi mở cửa là muốn đi ra ngoài. Mà đi ra ngoài là đi đâu? Thường là ngắm nghía mua cái gì đó. Bất động sản trở thành một lựa chọn.
Hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, trong khi mua bất động sản buộc phải đi xem. Bất động sản không giống những sản phẩm khác, nó không có sự tương đồng mà mỗi bất động sản lại có sự khác nhau và giá trị lớn. Do đó, người mua buộc phải đi xem.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, người ta thèm đi xem thôi, chứ chưa chắc đã mua ngay. Bất động sản khó ở chỗ, giữa ý thích và hiện thực khá xa nhau. Vì bất động sản có giá trị lớn, không phải muốn mua là mua được, nhưng tâm lý thì ai cũng thích sở hữu bất động sản. Do đó, sau dịch sẽ có làn sóng đi xem bất động sản nhiều hơn đi mua bất động sản. Động thái xem BĐS cũng là mặt tích cực của thị trường BĐS trong bối cảnh hiện nay.
"Người muốn bán chắc chắn sẽ bán, còn người muốn mua chưa chắc gì đã mua. Sau dịch là một thị trường rất là thú vị, nhiều người muốn mua nhưng quyết định còn dè dặt", ông Quang cho hay.
Trước việc Tp.HCM nới giãn cách, mở cửa kinh tế, bà Nguyễn Hương, CEO Đại Phúc Land cũng chia sẻ về động thái của người mua trên thị trường. Theo đó, thị trường thứ cấp sẽ có làn sóng bán ra mạnh để thanh khoản tài sản giải quyết các vấn đề về tài chính khó khăn do dịch bệnh, thu hồi dòng tiền đầu tư bị nghẽn giao dịch do bị giãn cách trong thời gian dài. Giá có thể tăng nhẹ ở thị trường sơ cấp và giảm nhẹ ở thị trường thứ cấp. Khả năng giảm giá sâu trên diện rộng vẫn chưa có khả năng xảy ra.
Cùng với đó, nhu cầu của nhà đầu tư sau một thời gian bị nén lại do giãn cách sẽ gia tăng là tất yếu. Có thể chia hành vi mua BĐS của khách hàng theo 3 nhóm chính:
Nhóm tìm kiếm cơ hội: Những khách có nhu cầu mua ở, thay đổi chỗ ở sẽ tìm kiếm những sản đáp ứng được tiêu chí an toàn về không gian sông môi trường sống. Hành vi mua nhà để ở sẽ có sự dịch chuyển về các khu vực có mật độ dân cư thấp, hạ tầng đồng bộ, quy hoạch chỉnh chu, không gian sống sinh thái và đầy đủ tiện ích. Các NĐT có dòng tiền sẽ vẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào BĐS nhưng sẽ có sự chọn lọc kỹ càng và kỳ vọng dài hạn hơn. Các sản phẩm do các chủ đầu tư có thương hiệu, có uy tín và năng lực cam kết dự án sẽ được ưu tiên lựa chọn.
Nhóm chờ đợi cơ hội: Đây là nhóm NĐT thận trọng. Họ có khả năng tài chính nhưng tâm lý có thể chưa sẵn sàng và chờ đợi động thái diễn biến của thị trường. Nếu thị trường kích hoạt tốt họ sẽ hành động nhanh. Còn nếu thị trường còn ngập ngừng họ sẽ chờ đợi cơ hội có thể sau một vài tháng mới ra quyết định.
Nhóm tổn thương: Nhóm các NĐT họ có nhu cầu, có quan tâm đến BĐS nhưng bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên họ cần thời gian để phục hồi và sắp xếp dòng tiền.
Còn theo chuyên gia BĐS cá nhân ông Đoàn Thiên Việt, thị trường phục hồi hoàn toàn, với niềm tin BĐS luôn là kênh đầu tư số 1. Người cầm tiền đi xem hàng chục BĐS đẹp ưng ý nhưng chần chừ chưa mua kịp thì giai đoạn mở cửa có thể sẽ thúc đẩy việc mua hơn.
Theo ông Việt, dịch bệnh được kiểm soát, các ngành sản xuất sẽ gặp khó khăn lớn về lực lượng lao động thiếu hụt và độ phục hồi ngành chậm do dư âm trì trệ. Có thể phải mất 1-3 năm để mọi thứ vào quỹ đạo phát triển. Nhu cầu mua BĐS luôn có, nhưng nhu cầu sẽ tạo nên sự quan tâm mà thôi, điều mà thị trường cần là cầu (sức mua) thực sự, là những người có khả năng chi trả để mua BĐS có nhiều hay không.
"Hiện thị trường BĐS vẫn còn tâm lý e dè sợ dịch bệnh quay lại, điều đó dẫn đến số lượng người đi xem có thể như trước đây hoặc hơn, nhưng số lượng người mua sẽ giảm một nửa. Điều này là cơ hội cũng như thách thức đối với doanh nghiệp đầu tư, môi giới BĐS, NĐT cá nhân đang ôm nhiều BĐS muốn ra hàng bớt. Tuy nhiên, khi mọi thứ ổn định thì làn sóng bỏ tiền vào BĐS vẫn sẽ tăng mạnh", ông Việt nhấn mạnh.