MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Động thái 'ngược đời' của Trung Quốc và hồi chuông cảnh báo cho cả thế giới về rủi ro hồi phục sau đại dịch

12-07-2021 - 13:33 PM | Tài chính quốc tế

Động thái 'ngược đời' của Trung Quốc và hồi chuông cảnh báo cho cả thế giới về rủi ro hồi phục sau đại dịch

Bloomberg nhận định, với việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50 điểm cơ bản, Bắc Kinh đã lựa chọn một hướng đi khác biệt đó là nới lỏng chính sách tiền tệ khi lo ngại rằng tốc độ hồi phục được dự đoán sẽ chậm lại.

Đà hồi phục hình chữ V của kinh tế Trung Quốc sau đại dịch đang có dấu hiệu chậm lại. Xu hướng này đang trở thành lời cảnh báo cho phần còn lại của thế giới về khả năng hồi phục của họ sẽ ổn định và lâu bền như thế nào.

Triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã được điều chỉnh, khi PBOC cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng. Dù NHTW Trung Quốc cho biết đây không phải là một động thái kích thích mới, nhưng việc cắt giảm RRR 50 điểm cơ bản đối với hầu hết các định chế tài chính đã gây nhiều bất ngờ.

Bloomberg nhận định, với việc cắt giảm RRR, Bắc Kinh đã lựa chọn một hướng đi khác biệt, đó là nới lỏng chính sách tiền tệ khi lo ngại rằng tốc độ hồi phục được dự đoán sẽ chậm lại. Động thái này hoàn toàn khác so với các quốc gia khác trên thế giới. Từ Mexico, Brazil cho đến Hungary đều nâng lãi suất để ứng phó với tình trạng lạm phát gia tăng. Ngay cả Fed cũng ám chỉ bước đi tương tự.

Theo cuộc thăm dò ý kiến của Bloomberg với các nhà kinh tế, số liệu công bố hôm thứ Năm tuần trước dự kiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm từ mức kỷ lục 18,3% xuống 8% trong quý I. Các chỉ báo chính về doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư trái phiếu đều được đặt ra ở mức vừa phải.

Bloomberg nhận định, động thái nhanh chóng cắt giảm RRR của PBOC là một cách để đảm bảo sự hồi phục ở thời điểm này sẽ có xu hướng ổn định, chứ không phải lao dốc.

Động thái ngược đời của Trung Quốc và hồi chuông cảnh báo cho cả thế giới về rủi ro hồi phục sau đại dịch - Ảnh 1.

Ước tính đồng thuận đối với tăng trưởng của Trung Quốc trong quý II.

Kinh tế Trung Quốc luôn được dự đoán rằng sẽ sụt giảm mạnh sau khi đạt đỉnh trong đợt hồi phục ban đầu và khi hiệu ứng cơ bản của đà lao dốc mạnh do tác động của đại dịch đã biến mất. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết, sự sụt giảm nhẹ đã diễn ra sớm hơn dự kiến và có thể sẽ lan rộng ra toàn thế giới.

Rob Subbaraman – trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Nomura, cho biết: "Rõ ràng rằng, tác động của việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đối với toàn cầu sẽ lớn hơn so với 5 năm trước. Trạng thái ‘đối mặt với đại dịch đầu tiên, hồi phục đầu tiên’ của Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng của thị trường. Nếu kinh tế Trung Quốc sụt giảm ngay bây giờ, thì xu hướng chung sẽ diễn ra ở các nơi khác."

Ngoài ra, đà hồi phục chậm lại cũng càng củng cố quan điểm rằng lạm phát giá tại nhà máy đã chạm đỉnh và giá hàng hóa có thể sẽ không còn tăng nóng trong thời gian tới. Theo Wei Yao – nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Societe Generale, tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại cho thấy áp lực giảm phát ngắn hạn trên toàn cầu, đặc biệt là nhu cầu về kim loại công nghiệp và hàng hóa sản xuất.

Ở trong nước, một câu hỏi lớn tiếp tục được đặt ra là tại sao doanh số bán lẻ vẫn ở mức thấp trong khi đại dịch đã được kiểm soát. Theo Bloomberg Economics, khả năng danh số bán lẻ chậm lại vào tháng 6 là do tâm lý người tiêu dùng chịu áp lực bởi các biện pháp ngăn chặn những đợt bùng phát nhỏ lẻ của Covid-19.

Động thái ngược đời của Trung Quốc và hồi chuông cảnh báo cho cả thế giới về rủi ro hồi phục sau đại dịch - Ảnh 2.

Diễn biến giá tiêu dùng và giá sản xuất của Trung Quốc (tính đến 30/6/2021).

Việc cắt giảm RRR là một phần quan trọng để "kiểm soát những kỳ vọng" trước thời điểm số liệu quý II sẽ được công bố trong tuần này, theo Bruce Pang – trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại at China Renaissance Securities Hong Kong. Ông nói thêm: "Ngoài ra, động thái này còn mang đến nhiều dư địa chính sách hơn trong tương lai, bởi đà hồi phục chắc chắn đã chậm lại."

Win Thin – trưởng nhóm chiến lược tiền tệ toàn cầu tại Brown Brothers Harriman, cho biết: "Điều này cho thấy rằng đà hồi phục hoàn toàn sau đại dịch là một việc rất khó khăn. Liệu những quốc gia khác có động thái tương tự Trung Quốc hay không? Tôi cho rằng, Trung Quốc đang ở vị thế rất đặc biệt, bởi họ là quốc gia đầu tiên chứng kiến đại dịch bùng phát và cũng là quốc gia đầu tiên hồi phục sau đó."

Zhiwei Zhang – nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận định, bước đi này có thể là một lời cảnh báo cho các nền kinh tế khác, khi họ mới bước ra khỏi đại dịch.

Song, thông báo mới của PBOC đã thiết lập một chương mới cho thị trường tài chính Trung Quốc. Và đó cũng chính là lý do tại sao một nhà quản lý tài sản lớn như BlackRock đang coi thị trường chứng khoán và trái phiếu chính phủ Trung Quốc là một phần trong quan điểm chiến lược của họ.

Simon Harvey - nhà phân tích thị trường ngoại tệ của Monex Europe, nhận định: "Chúng ta sẽ sớm nhận thấy việc Trung Quốc không còn được coi là một thị trường mới nổi. Sẽ có một thời điểm trong trung và dài hạn, chính sách tiền tệ của quốc gia này sẽ có điểm tương đồng với các nền kinh tế phát triển." 

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên