MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng tiền đổ dồn về thị trường cơ sở, thanh khoản tại thị trường phái sinh thấp nhất 3 tháng

Tổng số hợp đồng được giao dịch trong tháng 8 giảm 36% so với tháng 7. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh giao dịch trên thị trường phái sinh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tháng 8 với những diễn biến khá tích cực. Chỉ số Vn-Index tuy chưa thể vượt mốc tâm lý 1.000 điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 nhưng cũng đã kịp tăng 3,47% trong tháng qua ( +33 điểm). Thanh khoản của thị trường giữ được ở mức cao so với những tháng trước đó với giá trị trung bình đạt trên 4.000 tỷ đồng/ phiên. 

Không tăng mạnh như Vn-Index, chỉ số tham chiếu của thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) làVn30-Index chỉ tăng được 24,85 điểm (2,63%). Góp công đầu cho sự tăng trưởng của Vn30-Index trong tháng 8 phải kể đến những ông lớn như: BID (+31%), GAS (+20%), CTG (+15%), PLX (+12%), SAB (+10%) hay VCB (+7%). Nhóm bluechips giảm giá trong tháng qua có thể kể đến: DHG (-8%), VNM (-7%), KDC (-6,4%) và VIC (3%). 

Thanh khoản tại nhóm cổ phiếu VN30 đã tăng trưởng trở lại sau 4 tháng ở mức thấp (từ vùng đỉnh thị trường hồi tháng 4). Tổng khối lượng khớp lệnh của rổ VN30 trong tháng 8 đạt 1.256 triệu đơn vị, tăng tới 17,5% so với tháng trước đó (1.069 triệu đơn vị). Tuy vậy, thanh khoản trong tháng 8 vẫn còn cách khá xa so với hồi tháng 1 và tháng 3 khi lượng khớp lệnh của nhóm VN30 lên tới gần 1.600 triệu đơn vị. 

Với việc các quỹ ETF nội, ngoại đều đang có xu hướng hút vốn trở lại trong tháng 8, thanh khoản của nhóm VN30 có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới, gián tiếp kích thích tăng trưởng thanh khoản của thị trường chung.

Dòng tiền đổ dồn về thị trường cơ sở, thanh khoản tại thị trường phái sinh thấp nhất 3 tháng - Ảnh 1.

Và đúng với thực tiễn diễn ra trên các thị trường tài chính phát triển, TTCKPS Việt Nam chứng kiến thanh khoản giảm sút mạnh khi thị trường tăng điểm và khi dòng tiền đổ dồn về thị trường cơ sở. Trong tháng 8, tổng số hợp đồng tương lai được giao dịch trên thị trường đạt 1.829.399 hợp đồng, thấp hơn gần 8% và 36% so với khối lượng giao dịch của tháng 6 và tháng 7. Đáng chú ý, phiên giao dịch ngày 29/8 trên TTCKPS chỉ có 47.647 hợp đồng được giao dịch, tương ứng với tổng mức giá trị đạt 4.585 tỷ đồng, mức thấp nhất trong hơn 4 tháng qua.  

Dòng tiền đổ dồn về thị trường cơ sở, thanh khoản tại thị trường phái sinh thấp nhất 3 tháng - Ảnh 2.

Khối lượng hợp đồng mở (OI) trung bình trong tháng 8 vẫn ở mức cao, đạt 16.311 hợp đồng, cao hơn 8% so với mức trung bình của tháng 7 (15.035 hợp đồng). Thanh khoản thấp cộng với khối lượng mở tăng cao là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang kỳ vọng vào thị trường giá lên và tập trung cho các kỳ vọng dài hạn nhiều hơn là ngắn hạn.

Ở một diễn biến khác, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh giao dịch trên TTCKPS. Trong tháng 8, khối này giao dịch tổng cộng 8.717 hợp đồng với tổng giá trị giao dịch đạt 826 tỷ đồng, lần lượt tăng 45% và 53% so với tháng trước đó.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên