MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng tiền rẻ "mỏng và lỏng" gây rủi ro khi đầu tư theo tâm lý đám đông

15-04-2021 - 08:15 AM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất thấp, dòng tiền đang rời bỏ ngân hàng chảy vào các kênh đầu tư khác như bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán…

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
290 bài viết

Rời ngân hàng, dòng tiền đang chảy vào đâu?

Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới cho tháng 4/2021, trong đó rất ít ngân hàng điều chỉnh tăng, đa số vẫn tiếp tục đà đi xuống.

Biểu lãi suất huy động tiền đồng (VND) tại các ngân hàng thời điểm hiện nay cho thấy, lãi suất tiết kiệm VND đối với kỳ hạn dưới 6 tháng được áp dụng 3-4%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 3,5-5,5%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 4,6-6%/năm.

Lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp được đánh giá là nguyên nhân khiến dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác ngoài kênh tiền gửi ngân hàng như bất động sản hay chứng khoán.

Theo Tổng cục Thống kê, nguồn vốn đang đổ rất mạnh vào các lĩnh vực đầu tư như bảo hiểm, trái phiếu, cổ phiếu… Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng tới 11%, trong khi tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước tính đạt tới gần 55.600 tỉ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, với 113.875 tài khoản được mở mới trong tháng 3/2021, tương đương mỗi ngày có 3.673 tài khoản mới được các công ty chứng khoán mở mới cho khách hàng, đánh dấu kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, số tài khoản mở mới đạt 257.998 tài khoản, bằng 65% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Tổng cộng tính đến cuối tháng 3, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân là 2.981.403 tài khoản. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức là 11.630 tài khoản.

Với lực lượng hùng hậu như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã chứng kiến nhiều đợt sóng tăng trưởng. Trong quý 1 năm nay, chỉ số chứng khoán Việt Nam VN-Index đã 3 lần chạm mốc 1.200 điểm. Thanh khoản thị trường trong nhiều phiên cũng lập kỷ lục với giá trị giao dịch đạt hơn 15.000 tỷ đồng.

Chia sẻ trên kênh CNBC, ông Andy Ho - Giám đốc điều hành, kiêm Trưởng bộ phận đầu tư của VinaCapital đã chỉ ra hai lý do cơ bản khiến thị trường chứng khoán và bất động sản tại Việt Nam bùng nổ trong thời gian vừa qua, đó là lãi suất ngân hàng giảm trong khi kênh đầu tư lại hạn chế.

Theo ông Andy Ho, việc các nhà đầu tư chuyển từ giữ tiền trong ngân hàng sang đầu tư chứng khoán, bất động sản một phần cũng là do việc các nhà đầu tư trong nước còn gặp khó trong việc đầu tư ra nước ngoài.

Trên trang Nikkei Asia, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới tại Mirae Asset Securities cho rằng, đối với thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam, sự gia tăng của các nhà đầu tư mới chứng tỏ việc sở hữu cổ phiếu đang trở thành một chuẩn mực.

"Tư duy của người Việt Nam đã thay đổi, trước đây, họ thường có cái nhìn rất đơn giản về tài sản, còn bây giờ suy nghĩ của họ sẽ là: “Tôi phải có nhiều loại tài sản”, ông Tuấn nhìn nhận.

Một số nhà phân tích cho biết, người Việt Nam đã chuyển sang đầu tư chứng khoán để kiếm tiền - một số vì họ mất việc làm, một số khác vì họ không thể tiếp tục hoạt động của doanh nghiệp mình. Năm ngoái, 101.700 công ty đã đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 13,9% so với năm 2019, theo Tổng cục Thống kê.

Nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, tránh tâm lý đám đông

Theo ông Nhữ Đình Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, song hành với những thuận lợi và sự phát triển vượt bậc của thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đối mặt với thách thức trong năm 2021. Thứ nhất là rủi ro do tăng trưởng nóng từ yếu tố tiền rẻ.

"Tăng trưởng của TTCK năm vừa qua khá tốt. Thị trường có tăng mãi hay không là câu chuyện, công ty chứng khoán cũng không muốn thị trường tăng mãi, duy trì ở mặt bằng giá hợp lý sẽ tốt hơn", ông Nhữ Đình Hòa cho hay.

Giai đoạn vừa qua có nhiều cổ phiếu đã vượt đỉnh giá. Mặt khác, thị trường bất động sản vừa qua đã tăng mạnh, đặc biệt là khu vực ngoại ô. Điều này có thể tạo ra bong bóng. Nếu có yếu tố này xảy ra, các chính sách vĩ mô sẽ thay đổi để giảm bớt nhiệt đối với sự tăng trưởng nóng của chứng khoán và bất động sản.

"Trong năm 2021, vẫn còn đó các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra như các điểm nóng trong đối đầu quan hệ Mỹ - Trung, lạm phát tăng nhanh và Ngân hàng Trung ương các nước lớn tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, giảm bơm tiền, nếu kinh tế không hồi phục như kỳ vọng sẽ khiến nợ xấu ngân hàng tăng mạnh", ông Hòa nói.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, sự hưng phấn của TTCK Việt Nam thời gian qua tiềm ẩn một số rủi ro bởi thiếu sự kết nối giữa TTCK và nền kinh tế thực (TTCK tăng mạnh trong khi kinh tế tăng trưởng thấp, DN khó khăn, phá sản tăng). Đà tăng của TTCK chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực mới nổi và hưởng lợi chính sách trong khi cổ phiếu của nhiều ngành đang gặp khó khăn vẫn giảm khá mạnh như du lịch và giải trí, ôtô và phụ tùng, điện nước và xăng dầu khí đốt…

Bên cạnh đó, rủi ro nợ xấu vẫn hiện hữu và có thể bộc lộ rõ hơn (nợ xấu nội bảng dự báo có thể ở mức 3% và nợ xấu gộp có thể lên đến 4,5-5% cuối năm 2021) bởi tác động của dịch bệnh đối với hệ thống các TCTD có độ trễ, DN và nền kinh tế còn nhiều khó khăn. TTCK đã trở nên đắt đỏ hơn, nhiều cổ phiếu được định giá cao so với các giá trị cơ bản.

“Nền tảng nhà đầu tư chưa thực sự bền vững (chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư mới (F0), thiếu chuyên nghiệp), "dòng tiền rẻ"; "mỏng và lỏng"; có thể rút ra nhanh chóng; tâm lý bầy đàn vẫn còn. Đồng thời, hạn chế về hạ tầng, công nghệ chưa theo kịp dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh, tạm ngừng giao dịch, ảnh hưởng niềm tin vào thị trường. Ngoài ra, rủi ro áp lực lạm phát tăng, lãi suất tăng và các nước giảm dần các gói nới lỏng định lượng, khiến rủi ro dòng vốn đảo chiểu, giảm thanh khoản là hiện hữu”, TS. Cấn Văn Lực chỉ rõ.

Để khắc phục nhược điểm này, TS. Lực cho rằng, thời gian tới, cần chú trọng phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao tính chuyên nghiệp nhà đầu tư trên TTCK (đặc biệt đầu tư cá nhân). Cập nhật kiến thức về tài chính, chứng khoán (dịch vụ ngân hàng/tài chính số và phát triển tài chính xanh, quản lý rủi ro đầu tư) cho các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ.

“Cần tăng cường vai trò của đại lý đầu tư, tư vấn chuyên nghiệp, các quỹ mở, ETFs cổ phiếu và trái phiếu được vận hành bởi các quỹ đầu tư uy tín để đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư ban đầu, đầu tư của nhà đầu tư cá nhân. Đặc biệt, bản thân các nhà đầu tư cá nhân cần trở thành nhà đầu tư thông thái bằng kiến thức, năng lực thực chất; xác định rõ mục tiêu đầu tư, khẩu vị rủi ro, đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm đòn bẩy tài chính, tránh tâm lý bầy đàn…”, TS. Cấn Văn Lực lưu ý./.

Theo Trần Ngọc - Cẩm Tú

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên