MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng tiền tham lam lạc lối ở cổ phiếu đầu cơ: “Cứ mỗi phút lại có một gã khờ sinh ra để mua khoản đầu tư của bạn với mức giá cao hơn giá bạn đã trả”

Dòng tiền tham lam lạc lối ở cổ phiếu đầu cơ: “Cứ mỗi phút lại có một gã khờ sinh ra để mua khoản đầu tư của bạn với mức giá cao hơn giá bạn đã trả”

Những cổ phiếu đầu cơ, penny mà doanh nghiệp lỗ, kinh doanh bết bát nhưng vẫn tăng bằng lần, nhiều phiên tăng trần liên tiếp. Hiện tượng này trên thị trường chứng khoán tựa như thuyết đầu tư lâu đài trên cát của John Maynard Keynes: Trong thế giới này, cứ mỗi phút lại có một gã khờ sinh ra để mua khoản đầu tư của bạn với mức giá cao hơn giá bạn đã trả. Bất kỳ một mức giá nào cũng có thể được đặt ra, miễn là có người khác sẵn lòng trả cao hơn.

Dòng tiền đầu cơ vẫn tiếp tục dâng cao thành làn sóng, nhiều doanh nghiệp lỗ 5-7 quý vẫn tăng trần hàng chục phiên liên tiếp, cổ phiếu đã tăng 5-7 lần so với đầu năm. Điều này không chỉ diễn ra ở một vài cổ phiếu mà diễn ra trên quy mô lớn. Có những phiên giao dịch, chỉ tính riêng HOSE đã có 50-70 cổ phiếu tăng trần, còn UpCoM phiên kỷ lục có tới 127 cổ phiếu tăng trần biên độ tăng 14-15%. Điều này đã được chúng tôi phản ánh trong các bài viết chủ đề "Cơn mưa tiền ở cổ phiếu đầu cơ: Đầu sóng hay cuối sóng , "Cơn mưa tiền ở cổ phiếu đầu cơ: Nhà đầu tư giờ chỉ quan tâm ba chữ cái, không cần biết tên doanh nghiệp luôn"

Dòng tiền tham lam đã đang bị cuốn vào cơn sốt của cổ phiếu đầu cơ, penny bất chấp chất lượng doanh nghiệp thấp, thua lỗ. Điều này cũng diễn ra tương tự như thị trường chứng khoán thuở sơ khai ở thế kỷ trước. 

John Maynard Keynes, nhà kinh tế học nổi tiếng và là nhà đầu tư thành công, đã phát biểu thuyết lâu đài trên cát vào năm 1936. Theo quan điểm của ông, các nhà đầu tư không thích bỏ công sức để dự đoán các giá trị nội tại, mà thay vào đó, họ thích phân tích hành vi của giới đầu tư trong tương lai và cách thức mà trong thời điểm lạc quan, giới đầu tư có xu hướng đầu tư theo hướng kỳ vọng như xây lâu đài trên cát. Nhà đầu tư thành công thường cố gắng giành được cuộc thỏa thuận mua bán chứng khoán bằng cách dự đoán các giai đoạn đầu tư nào dễ lạc quan nhất để đám đông xây lâu đài, rồi sau đó họ mua trước đám đông.

Keynes cho rằng thuyết nền tảng vững chắc đòi hỏi quá nhiều công sức và là giá trị không chắc chắn. Trong khi các chuyên gia tài chính ở London làm việc quần quật nhiều giờ liền cho đến khi mệt lử trong căn phòng chật ních, ông lại mua chứng khoán ngay trên chiếc giường của mình, trong khoảng nửa tiếng vào mỗi buổi sáng. Cách thức đầu tư nhàn hạ này đã mang về cho ông hàng triệu đồng bảng Anh.

Trong cuốn sách A Random Walk Down Wall. Street, Burton G.Malkiel đã diễn tả thuyết này của Keynes dựa trên quan điểm của người mua là chính. Một khoản đầu tư xứng với một cái giá nhất định vì người đó kỳ vọng sẽ bán lại cho một người khác với giá cao hơn. Nói cách khác, khoản đầu tư cứ tự động nâng giá của nó lên. Một người mua mới lại dự đoán rằng người mua trong tương lai sẽ đặt ra một mức giá thậm chí còn cao hơn nữa. Trong thế giới này, cứ mỗi phút lại có một gã khờ sinh ra để mua khoản đầu tư của bạn với mức giá cao hơn giá bạn đã trả. Bất kỳ một mức giá nào cũng có thể được đặt ra, miễn là có người khác sẵn lòng trả cao hơn. Chẳng có lý do nào cả, đó chỉ là tâm lý đám đông. Tất cả những gì một nhà đầu tư khôn ngoan cần phải làm là đi đầu trong mọi vụ mua bán. 

Những ghi chép của thị trường chứng khoán cách đây gần một thế kỷ đã tái hiện gần như hoàn hảo trong làn sóng đầu cơ cổ phiếu hiện nay trên thị trường chứng khoán Việt. Nơi mà người mua những cổ phiếu penny, đầu cơ chỉ với kỳ vọng bán giá cao hơn cho người đến sau chứ không hề quan tâm đến nội tại doanh nghiệp, họ chỉ cần biết đến "ba chữ cái" mà họ mua sẽ được "những gã khờ" trong tương lai mua lại giá cao hơn. 

Nhưng sự tăng giá này không kéo dài mãi, quan trọng vẫn là thời điểm đến trước hay đến sau, ai sẽ là người cầm "hòn than nóng" cuối cùng. Nhà đầu cơ trên sàn chứng khoán Việt lúc này cũng như vậy, họ mua cổ phiếu đầu cơ trong tâm thế xây lâu đài trên cát bất chấp doanh nghiệp thua lỗ triền miên, nhưng họ không nghĩ rằng mình là người cuối cùng cầm "hòn than". 

Thị trường chứng khoán không phải sòng cờ bạc dù đôi khi điều này xảy ra nhưng không kéo dài mãi

Nhiều lo lắng về việc sự gia nhập đông đảo của các nhà đầu tư mới bình quân hơn 108.000 tài khoản mỗi tháng, nếu dòng tiền đầu cơ lệch lạc sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường.

Về sự lạc lối của dòng tiền thời gian gần đây, ông Nguyễn Hồng Điệp, CEO tại Công ty cổ phần Tư Vấn Đầu Tư S-Talk, một nhà đầu tư sống trên thị trường gần 20 năm nay cho rằng: Thị trường chứng khoán không phải là sòng cờ bạc, nơi mà tiền nhiều át trí tuệ, liều lĩnh lấn kiến thức. Dù đôi khi điều này được xảy ra nhưng không thể kéo dài mãi. Dòng tiền lạc lối với những trải nghiệm hàng nóng, giá cổ phiếu nóng tăng cao khiến cho những cổ phiếu cơ bản, làm ăn tốt lại rẻ đi, rất thấp so với mặt bằng của Index. Điều này là cơ hội hiếm có.

Dòng tiền tham lam lạc lối ở cổ phiếu đầu cơ: “Cứ mỗi phút lại có một gã khờ sinh ra để mua khoản đầu tư của bạn với mức giá cao hơn giá bạn đã trả” - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, CEO tại Công ty cổ phần Tư Vấn Đầu Tư S-Talk, một nhà đầu tư trên thị trường gần 20 năm kinh nghiệm

Theo vị CEO, thị trường dù "điên" hay "tỉnh", dù có theo đúng ý mình hay không, luôn vận động theo con đường của nó. Chúng ta chỉ nên nhận ra những vấn đề và hiện trạng của thị trường, để tìm ra cho mình phương thức và quan điểm hành động. 

"Với kinh nghiệm 20 năm trên thị trường chứng khoán, tôi nhận thấy dòng tiền dù rất quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định trong trung và dài hạn. Dòng tiền rất hay thay đổi, chung thủy là sự xa xỉ đối với dòng tiền. Chính vì vậy những yếu tố vĩ mô quyết định xu hướng, nội tại doanh nghiệp quyết định giá cả, vẫn là những điều mang lại sự bền chắc trong đầu tư. Cổ phiếu cơ bản hay đầu cơ, khi quyết định theo hướng nào đều phải hiểu thật rõ cuộc chơi, biết chấp nhận và phải biết cách quản trị rủi ro", ông Điệp nói. 

Dòng tiền hiện nay trên thị trường chứng khoán: "Kiến đang ăn cá"

"Có nhiều người hỏi tôi tiền ở đâu ra mà lắm thế, ngày nào cũng hàng núi tiền đổ vào thị trường", ông Điệp phân tích giống như định luật bảo toàn năng lượng, tiền không tự nhiên sinh ra, nó chỉ chuyển hóa từ kênh này sang kênh khác. Chứng khoán đang là điểm hút tiền nhờ tính hấp dẫn và lòng ham làm giàu nhanh. Tiền đang được rút ra từ hệ thống ngân hàng, từ tiền tích trữ cá nhân để đổ vào chứng khoán. Đây là điều rất tích cực trong dài hạn vì thể hiện sự lan tỏa rộng của chứng khoán. Nhưng trong một giai đoạn ngắn hạn nào đó, sẽ có dấu hiệu hỗn loạn của dòng tiền mới. Nhiều người chưa được trang bị kiến thức đầy đủ, đã nhảy ngay vào nồi nước sôi. Có thể họ đang thắng, nhưng nếu không rèn luyện và học hỏi đúng cách, về lâu dài sẽ là những mất mát lớn.

Vị chuyên gia phân tích: Tổng dòng tiền của thị trường chứng khoán có thể phân ra 2 nhóm chính: dòng tiền "khôn" và dòng tiền "điên". Dòng tiền khôn đa phần của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có sự hiểu biết sâu và kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường chứng khoán. Có thể ví những nhà đầu tư này như những con cá đi kiếm mồi. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay khi sự hỗ trợ margin từ các công ty chứng khoán hoàn toàn đã hết, nhưng con cá này cũng đang mất đi một phần sức mạnh. Dòng tiền khôn đa phần đang ngập trong cổ phiếu, dù đó là những cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt, có giá trị. Đối nghịch với dòng tiền khôn là dòng tiền "điên" của nhóm các nhà đầu tư mới. Dòng tiền này đang thể hiện sức mạnh vô song qua những phiên gần đây khi thanh khoản lên đến 1-2 tỷ USD.

Dù gọi đó là dòng tiền "điên" bởi tính mua quyết liệt, bất chấp giá cả và trị giá doanh nghiệp, nhưng không thể coi đó dòng tiền "ngốc". Trái lại dòng tiền này rất thông minh, linh hoạt và cũng rất lì lợm. Ngoài số tiền lớn, họ còn rất đông, tựa như đàn kiến. Có thể nói đang xảy ra hiện tượng kiến ăn cá. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp hay đầu tư giá trị đang gặp khó khăn bởi yếu tố thiếu nguồn lực hỗ trợ. Tất nhiên dòng tiền điên rồi cũng sẽ phân hóa. Sẽ đến lúc họ tự động chuyển qua những nhóm ngành, mã có nội tại tốt, chứ không đơn thuần ùa nhau vào đánh như hiện nay. Điều này cần một thời gian nhất định, hoặc đến khi dòng tiền khôn kia có viện binh. 

"Việc nhiều tổ chức công ty chứng khoán đang gấp rút lên kế hoạch tăng vốn, đưa thêm nguồn phục vụ nhu cầu chính đáng trong đầu tư, sẽ là bước tiến để những cổ phiếu quốc dân, có giá rẻ hơn mặt bằng chung, sẽ quay trở lại. Đàn kiến dù có đông, nhưng nếu hoạt động vô tổ chức, không biết nâng tầm và gìn giữ thì sớm muôn cũng lại là mồi cho đàn cá", ông Điệp nói. 

Bạch Huệ

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên