MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng tiền thông minh đã tìm đến cổ phiếu phân bón?

Sau một thời gian dài trầm lắng và giảm giá liên tục, thị trường phân bón thế giới bước vào năm mới 2017 với những biến động mạnh mẽ.

Trong vài năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón gặp không ít khó khăn khi giá sản phẩm liên tục sụt giảm do dư cung và giá nguyên liệu đầu vào giảm. Riêng trong năm 2016, tác động từ Elnino khiến hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng ở các vùng phía Nam ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp cũng gián tiếp khiến nhu cầu tiêu thụ phân bón thấp hơn so với mọi năm.

Ngoài ra, ngành phân bón trong nước còn chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Asean hay tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Không những vậy, tác động kéo dài của luật thuế 71 quy định các mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT, thay vì mức 5% của năm 2014 đã khiến các doanh nghiệp phân bón không còn được khấu trừ VAT đầu vào. Điều này dẫn tới chi phí sản xuất tăng hàng trăm tỷ đồng càng khiến doanh nghiệp thêm phần khó khăn.

Với kết quả kinh doanh không khả quan, giá cổ phiếu cũng phản ánh rõ tình hình của doanh nghiệp khi chủ yếu đi ngang và có xu hướng sụt giảm mạnh trong nửa cuối năm 2016 khi nhu cầu tiêu thụ không tăng trưởng. Chỉ có cổ phiếu Phân bón Bình Điền (BFC) giữ được lợi nhuận ở mức ổn định và giá cổ phiếu vẫn có mức tăng trưởng dương.


Cổ phiếu phân bón lao dốc trong năm 2016

Cổ phiếu phân bón lao dốc trong năm 2016


BFC là cổ phiếu hiếm hoi ngược dòng xu thế

BFC là cổ phiếu hiếm hoi ngược dòng xu thế

Thị trường phân bón đã qua cơn bĩ cực?

Sau một thời gian dài trầm lắng và giảm giá liên tục, thị trường phân bón thế giới bước vào năm mới 2017 với những biến động mạnh mẽ. Trong đó phải kể đến sự tăng giá thẳng đứng đối với mặt hàng ure khi các nhà máy Trung Quốc duy trì việc cắt giảm sản lượng và chỉ hoạt động với trung bình 50% công suất, không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa, đồng thời khiến cho lượng hàng xuất khẩu bị giới hạn mặc dù chính phủ Trung Quốc vừa cắt giảm thuế xuất khẩu cho mặt hàng này.


Giá Ure Thế giới đang trên đà hồi phục

Giá Ure Thế giới đang trên đà hồi phục

Bên cạnh đó, giá than, giá điện tăng cũng giúp đẩy giá thành sản xuất đi lên và củng cố cho đà tăng của giá ure thế giới. Tuy nhiên sẽ có một độ trễ nhất định trước khi phản ánh vào giá bán ure tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, giá các mặt hàng nông sản kỳ vọng tăng nhìn chung sẽ dẫn đến sự phục hồi của nhu cầu và giá phân bón.

Tại Việt Nam, với việc ElNino chấm dứt, lượng mưa có khả năng tăng lên, hạn hán suy giảm và tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực canh tác chính miền Nam cải thiện sẽ giúp ngành nông nghiệp chuyển biến tích cực và từ đó dẫn đến nhu cầu phân bón hồi phục từ mức đáy năm 2016.

Nhận định về ngành phân bón, CTCK VnDirect cho rằng giá phân bón trong nước có thể cải thiện mạnh mẽ trong năm nay nếu nhận được các chính sách hỗ trợ. Hiện tại, ngành phân bón đang đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn từ các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, nếu thiết lập hàng rào bảo hộ thuế quan sẽ là yếu tố hỗ trợ tốt cho chu kì hồi phục của ngành. Như trong tháng 3/2016, thuế nhập khẩu ưu đãi với phân DAP từ Trung Quốc đã được tăng từ 3% lên 5% đã giúp giảm sản lượng nhập khẩu DAP trong những tháng đầu năm, thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa.

Ngoài ra, một chính sách khác mà các doanh nghiệp và người nông dân rất mong chờ là đưa phân bón từ mặt hàng không chịu thuế VAT sang chịu thuế 0%. Điều này có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm đến 2.500 tỷ đồng chi phí mỗi năm (theo Bộ Công thương), tạo sức cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu. Ngoài ra, Chính phủ đặt mục tiêu thắt chặt quản lý nhằm hạn chế nạn phân bón giả và nhập lậu trong năm 2017 sẽ góp phần tạo môi trường phát triển tốt cho doanh nghiệp.

Cơ hội đầu tư cổ phiếu phân bón?

Cũng theo VnDirect, các cổ phiếu ngành phân bón có lịch sử chi trả cổ tức cao (20-40%) và ổn định, đồng thời cũng đã giảm giá khá sâu trong năm 2016. Với kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sẽ có mức cải thiện và giá bán bình quân tăng sẽ hỗ trợ không nhỏ cho đà tăng của cổ phiếu phân bón. Tuy nhiên, cú huých thực sự đối với giá cổ phiếu chỉ có thể đến từ việc thay đổi các chính sách vĩ mô của Nhà nước và Chính phủ.

Một số doanh nghiệp được hưởng lợi trước hết sẽ là các doanh nghiệp có thị phần dẫn đầu, đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và có lợi thế về quy mô.

Trong phiên giao dịch 12/1/2017, các cổ phiếu phân bón như Đạm Phú Mỹ (DPM), Supephotphat Lâm Thao (LAS), Bình Điền (BFC), Đạm Cà Mau (DCM)…đồng loạt tăng mạnh. Phải chăng dòng tiền thông minh đã tìm đến cổ phiếu phân bón nhằm đón đầu cơ hội?

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên