MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đông trùng hạ thảo, “cứu tinh” của Tây Tạng

19-04-2016 - 21:52 PM | Tài chính quốc tế

Từ năm 1998 đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giá đông trùng hạ thảo tăng hơn 17 lần...

Yushu là một khu vực đồi núi chen lẫn với đồng cỏ rộng lớn mênh mang tại Tây Tạng (Trung Quốc), có diện tích lớn hơn Syria, nhưng dân số chưa đến 400 nghìn người.

Theo bài viết trên tờ The Economist, 95% người trong vùng là dân tộc Tạng. Đối với những người dân trong vùng, khi thời tiết bắt đầu sang hè, khi tuyết gần tan hết, là thời điểm bận rộn nhất của năm. Bởi, đây là lúc mùa kiếm tiền nhờ đông trùng hạ thảo bắt đầu.

Đổi đời...

Trẻ em là những thành viên tích cực nhất trong “đội quân” truy tìm đông trùng hạ thảo. Do giá trị siêu đắt của loại đông dược này nên rất nhiều người dân địa phương đổ xô đi tìm nó như tìm vàng.

Theo một số nghiên cứu y học, đông trùng hạ thảo có thể giúp ngăn ngừa sớm bệnh ung thư hoặc giảm đau. Thế nhưng tác dụng quan trọng nhất chính là việc nó có thể giúp tăng cường khả năng tình dục cho cả phái nam và phái nữ.

Với khả năng quan sát tốt từ tầm thấp, trẻ em rất giỏi phát hiện đông trùng hạ thảo giữa đám cỏ rậm. Khi thời tiết ấm lên, loại đông dược này thường nở hoa màu vàng nhạt.

Công việc nghe có vẻ đơn giản như chỉ là đi nhặt nhạnh, nhưng lại không hề đơn giản. Nó chỉ dành cho những ai có thể chịu được không khí loãng của vùng cao nguyên. Đông trùng hạ thảo thường mọc phổ biến ở vùng núi có độ cao khoảng 4.000 mét trên mực nước biển. Mức độ cao này còn hơn cả Lhasa, thủ phủ của khu tự trị Tây Tạng.

Người ta cần rất nhiều sức khỏe và kỹ năng khéo léo mới kiếm được đông trùng hạ thảo. Lượng ôxy trong không khí ở khu vực này thấp hơn đến 40% so với khu vực sát mực nước biển.

Hàng năm, khi tháng Năm bắt đầu, cũng là lúc người dân làng đổ xô đi tìm đông trùng hạ thảo. Một người dân địa phương cho biết nhiều lần khi đi tìm đông trùng hạ thảo, ông thậm chí phải bò bằng tay và đầu gối. Ở thời điểm đầu vụ, thường cứ 15 phút ông lại nhìn thấy một cây, thế nhưng khi đến cuối vụ, có khi tìm vài tiếng mới lại thấy.

Khi đã tìm thấy, việc đào loại đông dược này lên bằng cách nào để đảm bảo nó không bị đứt đoạn và mất rễ cũng không hề đơn giản. Người tiêu dùng sẽ gần như không bao giờ mua đông trùng hạ thảo vụn, mà họ chỉ chọn loại còn nguyên vẹn cả rễ. Chất lượng đông trùng hạ thảo được đánh giá dựa trên độ dài tương đối giữa thân và rễ, điều này sẽ không thể làm được nếu thân và rễ tách rời.

Đông trùng hạ thảo thường ở nơi xa xôi, chính vì vậy người đi săn loại đông dược này thường phải cắm lều ngủ ngay gần khu vực thu hoạch để ngày hôm sau tiếp tục tìm kiếm. Họ mang theo thực phẩm ăn liền trong những chuyến săn tìm đông dược quý. Họ ngủ trong túi ngủ bằng nhựa để tránh mưa và mang theo phân bò khô để làm nhiên liệu đun nấu thức ăn.

Nhiều đời nay, đa phần người dân tộc Tạng sống nhờ nghề chăn bò. Công việc chăn bò thực sự vất vả và lại không mang đến nhiều thu nhập, phải cố gắng nắm người dân mới đủ sống. Thu nhập người dân khu vực nông thôn Tây Tạng thuộc loại thấp nhất ở Trung Quốc.

Nhưng từ thập niên 1990, khi giá đông trùng hạ thảo tăng đột biến bởi người Trung Quốc đổ xô sử dụng để tăng cường sức khỏe thì đời sống của rất nhiều người dân Tây Tạng cũng thay đổi theo.

Hiếm khi có sản phẩm nào của Tây Tạng lại được bán giá cao đến như vậy. Chính vì thế, dù việc tìm kiếm có vất vả, nguy hiểm thì người dân vẫn chấp nhận bởi nó giúp họ đổi đời. Việc bán đông trùng hạ thảo mang lại nguồn lợi nhuận cao gấp hàng chục lần so với nuôi bò.

“Cứu tinh” của Tây Tạng

The Economist cho biết, đông trùng hạ thảo Tây Tạng sẽ tiếp tục được bán giá cao còn bởi lý do khác. Cho đến nay, chưa có một ai có thể sản xuất được đông trùng hạ thảo chất lượng tốt trong điều kiện nhân tạo trên quy mô lớn. Vì vậy người thực sự sành về đông trùng hạ thảo chỉ có thể trông vào nguồn cung cấp tự nhiên của Tây Tạng.

Năm 2013, người Tây Tạng đã khai thác 50 tấn đông trùng hạ thảo và bán đi thu về 1,2 tỷ USD, tương đương với gần nửa doanh thu du lịch của khu tự trị này. Tổng lượng khai thác của toàn bộ khu vực cao nguyên Tây Tạng - tính cả Nepal và Bhutan - còn cao hơn nhiều lần nữa.

Tại sân bay Tào Gia Bảo Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải phía Tây Trung Quốc - một trong những tỉnh lớn nhất Trung Quốc, nằm chủ yếu trên cao nguyên Thanh - Tạng và là nơi cư trú của rất nhiều người Tạng, ngay tại sảnh đến của sân bay, người ta có thể nhìn thấy chi chít những quảng cáo về đông trùng hạ thảo. Các thị trấn du lịch đông chật những cửa hàng bán loại đông dược này.

Thậm chí, giá của một số những sản phẩm liên quan cũng bị đẩy lên mức cao “quá đáng”. Một cửa hàng lưu niệm ở Yushu bán thịt bò Tây Tạng ở một mức giá siêu đắt, và họ lý giải họ có quyền bán giá cao như vậy bằng một dòng chú thích nho nhỏ phía dưới: “Nuôi bằng đông trùng hạ thảo”.

Tính đến phạm vi toàn bộ cao nguyên Tây Tạng, 40% thu nhập của người sống ở khu vực nông thôn đến từ loại đông dược này.

Những năm gần đây, khi tầng lớp trung lưu Trung Quốc ngày một giàu có hơn, họ quan tâm nhiều đến những sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Quan niệm về sức khỏe của người Trung Quốc cũng khác người châu Âu, sức khỏe tốt nghĩa là phải có đời sống tình dục thuận lợi.

Thế nên mới có chuyện có một nhà hàng chuyên phục vụ các món dương vật của động vật ở thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc lúc nào cũng đông chật các doanh nhân bản địa, họ mời nhau đến đây để thưởng thức món ăn mà theo họ, là chỉ dành cho những thượng khách.

Trong khi đó, đối với những người châu Âu tại Bắc Kinh, khá nhiều trong số họ đến nhà hàng nhưng chỉ để thỏa mãn trí tò mò chứ không hề thích thú gì với các món ăn được phục vụ tại đây.

Đó là chưa kể đến việc tại một trong những cửa hàng sách quốc doanh lớn nhất tại thủ đô Bắc Kinh, người ta tìm thấy nhan nhản những bí quyết “phòng the”, tăng sức mạnh tình dục cho các quý ông với nội dung kiểu như sau: “18 gam đông trùng hạ thảo, một cái nhau thai còn tươi. Rửa sạch rồi hầm riêng cho đến khi nhau thai chín. Dùng loại súp này hai tuần sẽ thấy sự khác biệt.”

Đông trùng hạ thảo có thể coi như một “cứu tinh” cho kinh tế của cao nguyên Tây Tạng. Hiện có tổng số 6 triệu người đang sống trên khu vực cao nguyên này. Tỷ lệ người làm nghề trồng trọt hoặc chăn nuôi giảm nhẹ, từ 87% vào năm 2000 xuống 83% vào năm 2010. Nhờ có thêm nghề kinh doanh đông trùng hạ thảo mà nhiều người Tây Tạng có thể tiếp tục duy trì nghề chăn bò vốn rất khó khăn và thu nhập thấp.

Trận động đất tại thành phố thủ phủ Yushu năm 2010 đã san phẳng phần lớn thành phố và cướp đi sinh mạng của 2.600 người. Kinh tế thành phố đã gần như kiệt quệ sau đó. Để thay đổi tình hình, chính quyền thành phố đã đưa ra chính sách phát triển khai thác và kinh doanh đông trùng hạ thảo thông qua hàng loạt các hoạt động quảng bá hình ảnh và xúc tiến thương mại.

Không chỉ màu hồng

Tương lai phát triển của ngành kinh doanh đông trùng hạ thảo đang đối diện với không ít thách thức. Và cũng giống như tất cả các địa phương khác tại Trung Quốc, đông trùng hạ thảo giả, kém chất lượng đang tranh giành “đất sống” với đông trùng hạ thảo thật.

Một phóng viên đã mua đông trùng hạ thảo hạ giá từ một nhà kinh doanh ở Tây Tạng với giá 50 Nhân dân tệ/cái. Sau đó, khi trót làm rơi trên sàn khách sạn, anh phát hiện ra rằng thực ra đông trùng hạ thảo mà anh mua là hàng giả, được làm từ thạch cao cuộn xung quanh những mẩu tre nhỏ. Để sản phẩm đông trùng hạ thảo bán chạy hơn nữa, không ít nhà buôn đã còn trộn nó với thuốc Viagra.

Chiến dịch chống tham nhũng gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đang đặt tương lai của đông trùng hạ thảo vào thế khó. Đã nhiều năm qua, không ít quan chức Trung Quốc dùng mặt hàng này để hối lộ cấp trên. Một hộp 80 con đông trùng hạ thảo "xịn" được bán với giá khoảng 10 nghìn USD vào thời điểm năm 2014. Tuy nhiên trong năm vừa qua, giá đã giảm 20%.

Đó là còn chưa kể đến việc đông trùng hạ thảo cũng đang gây ra nhiều bất ổn trong khu vực Tây Tạng. Có nhiều tranh chấp giữa những người Tạng và người Hán cùng đi kiếm đông trùng hạ thảo. Không ít lần, súng đã nổ, máu đã đổ, nhiều người mất mạng trong con đường tìm kiếm sự giàu có. Cảnh sát buộc phải thắt chặt kiểm soát an ninh.

Như vậy, đông trùng hạ thảo mang đến tiền bạc cho người địa phương, nhưng họ cũng không dễ dàng mà hưởng thụ số tiền kiếm được trong yên bình.

Khi kiếm được tiền, cách xài tiền của người địa phương cũng là điều đáng bàn. Nghiên cứu của giáo sư Emily Yeh tại đại học Colorado, Mỹ cho thấy khi có tiền, người Tạng đua nhau sắm trang sức đắt tiền, mua hàng trăm, hàng nghìn chiếc áo lông thú thật từ các khu vực láng giềng. Hậu quả, rất nhiều loài động vật quý đã bị tiêu diệt để phục vụ cho sở thích của những người mới giàu.

“Thăng giáng” đông trùng

Các tài liệu y học vào thế kỷ 17 cho thấy ở thời kỳ đó, không một tài liệu nào nhắc đến việc sử dụng đông trùng hạ thảo trong chữa bệnh, theo The Economist.

Đến thế kỷ 19, có một vài tài liệu đề cập đến việc sử dụng loại đông dược này. Báo The Colonies của Anh vào năm 1876 đưa tin: “Đông trùng hạ thảo là một loại thuốc quý và chỉ được sử dụng bởi tầng lớp quan lại cao cấp nhất trong triều đình.”

Những người nước ngoài đến Trung Quốc khi đó không khỏi ngạc nhiên bởi giá cả siêu đắt của loại đông dược này. Nó được cho là có giá cao gấp 4 lần so với bạc. Tuy nhiên từ năm 1949, khi Chính phủ Trung Quốc chính thức nắm quyền quản lý Tây Tạng, hoạt động kinh doanh đông trùng hạ thảo ngưng lại khi bị siết chặt quản lý và nhiều người từng là khách hàng tiêu thụ chính bỏ trốn ra nước ngoài.

Thế giới chú ý trở lại đến đông trùng hạ thảo từ năm 1993, tại một đại hội thể thao quốc tế ở Stuttgart, Đức. Một nhóm các vận động viên vô danh người Trung Quốc đã dành huy chương vàng ở các nội dung chạy 1.500 mét, 3.000 mét và 10.000 mét. Một tháng sau đó, họ tiếp tục lập nên nhiều kỷ lục thế giới mới ở Bắc Kinh.

Theo huấn luyện viên của đội tuyển, vận động viên của họ đã sử dụng các thảo dược quý vùng Tây Tạng, máu rùa, nhân sâm và loại thuốc quý sản xuất từ đông trùng hạ thảo. Câu chuyện có lẽ sẽ vẫn dừng lại ở đó và tất cả mọi người vẫn tiếp tục trầm trồ các tác dụng của đông trùng hạ thảo nếu như vài năm sau đó, câu chuyện mới lộ ra rằng đoàn vận động viên Trung Quốc thực ra giành được thành tích cao là nhờ dùng hóa chất cấm.

Từ năm 1998 đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giá đông trùng hạ thảo tăng hơn 17 lần, lên 70 nghìn Nhân dân tệ/kg. Năm 2003, khi dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) bùng phát, đông trùng hạ thảo lại được tôn sùng như một loại tiên dược, bởi các bác sỹ Tây Tạng tuyên bố rằng dùng đông trùng kết hợp với tây y sẽ giúp khỏi bệnh nhanh hơn so với việc chỉ dùng thuốc tây.

Chính Nhân dân Nhật báo, một trong những cơ quan phát ngôn của Chính phủ Trung Quốc, cũng từng đăng bài đánh giá cao tác dụng của đông trùng hạ thảo trong việc chữa trị bệnh SARS. Tuy nhiên đến gần đây, cũng đã có không ít những hoài nghi về tác dụng của đông trùng hạ thảo.

Bất luận những nghi ngại trên thì đối với người Trung Quốc, đông trùng hạ thảo vẫn là một trong những điều làm họ tự hào nhất.

Theo Ngọc Diệp

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên