Đồng USD mạnh đang lan tỏa ‘nỗi đau’ ra toàn cầu
Nhiều nền kinh tế nâng lãi suất nhưng lạm phát vẫn tăng và đồng nội tệ vẫn mất giá.
- 05-09-2022USD tiếp tục mạnh lên khiến loạt đồng tiền tại các nước mới nổi châu Á giảm giá, riêng VND giảm ít nhất
- 02-09-2022Đồng USD mạnh đang gây áp lực lên các thị trường mới nổi
- 30-08-2022Thị trường toàn cầu sốc vì đồng USD tăng mạnh
Theo hãng tin Bloomberg, đồng USD tăng giá lên mức cao nhất nhiều thập niên đang khiến cả nước giàu lẫn nền kinh tế mới nổi chịu nỗi đau chung. Với đà thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh nhất trong hơn 1 thế hệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), đồng USD đang đè nặng lên các đồng tiền khác.
Sự tăng giá của đồng USD khiến hàng nhập khẩu đắt hơn, gây bất ổn cho hệ thống tài chính và thúc đẩy tỷ lệ lạm phát của các nền kinh tế khác.
Chỉ số của FED đo lường giá trị đồng USD so với rổ các đồng tiền của nền kinh tế phát triển và mới nổi
Chính nguyên nhân này đã buộc hàng loạt các ngân hàng trung ương cũng phải nâng lãi suất theo nhằm chống lạm phát cũng như đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Đồng thời, lãi suất tăng khiến chi phí đi vay cũng tăng, qua đó ảnh hưởng đến hàng loạt thị trường bất động sản từ Australia cho đến Canada.
Hãng tin Bloomberg cho biết các nền kinh tế hiện nay chẳng có nhiều công cụ để tác động ngược lại đồng USD, khiến tình hình này nhiều khả năng sẽ còn kéo dài.
Mặc dù FED nâng lãi suất không phải việc gì mới nhưng đây là lần đầu tiên việc đồng USD tăng giá lại tác động sâu rộng đến cả những nền kinh tế phát triển lẫn nước nghèo như vậy.
"Đồng USD lên giá do Mỹ tăng lãi suất cũng như sự bất ổn của thị trường khiến nhà đầu tư đổ xô vào loại tài sản trú ẩn này. Tuy nhiên động thái thắt chặt tiền tệ của Mỹ lại đang khiến hàng loạt nền kinh tế giảm tốc", chuyên gia Maurice Obsfeld của Viện kinh tế quốc tế Peterson nhận định.
Chỉ số đo lường đồng USD của FED so với một rổ các đồng tiền của những nền kinh tế phát triển đã tăng 10% từ đầu năm đến nay, lên mức cao nhất kể từ năm 2002. Nếu so sánh với rổ đồng tiền các nền kinh tế mới nổi thì chỉ số này tăng 3,7% và vẫn thấp hơn mức đỉnh năm 2020 khi đại dịch diễn ra.
Cuộc chiến tiền tệ
Trong khi một số đồng tiền của các nước đang phát triển như Sri Lanka mất giá trầm trọng thì những đồng tiền được trợ giá bởi hàng hóa như dầu mỏ, ví dụ như Ruble của Nga hay Real của Brazil lại giữ được giá trị của mình.
Dẫu vậy, cựu chuyên gia Sayuri Shirai của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) nhận định nếu chỉ nâng lãi suất không thôi thì các nước sẽ khó lòng giữ giá được đồng nội tệ trước đà tăng của đồng USD. Các nhà đầu tư hiện nay không chỉ dự đoán FED sẽ còn tăng lãi suất mà còn lo lắng về rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới, qua đó càng đổ vốn vào đồng USD hơn, qua đó thúc đẩy đồng tiền này tiếp tục đi lên.
Hàng loạt các nền kinh tế nâng lãi suất
Dẫn chứng rõ nhất là việc Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã phải xem xét nâng lãi suất kỷ lục 75 điểm phần trăm trong bối cảnh lạm phát cao tại nhiều nơi, khủng hoảng năng lượng cũng như việc đồng Euro mất giá so với USD.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Canada đã cho thấy dấu hiệu sẽ nâng lãi suất mạnh tương đương ECB, còn Ngân hàng trung ương Australia thì mới nâng tiếp nửa điểm phần trăm nữa.
Tại Anh, nền kinh tế vốn đã rơi vào suy thoái kỹ thuật, Ngân hàng trung ương nước này (BoE) nhiều khả năng sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ vào ngày 15/9 tới đây trong bối cảnh nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường, qua đó đẩy giá đồng Bảng Anh xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985.
Với Nhật Bản, dù đồng Yên rơi xuống mức thấp nhất ¼ thế kỷ nhưng BoJ vẫn không trung thành với chính sách kích thích kinh tế bất chấp lạm phát tăng cao. Theo BoJ, nền kinh tế Nhật Bản vẫn cần phải kích thích cho dù đang phải gồng mình chống lạm phát.
Dẫu vậy, các doanh nghiệp và hộ gia đình Nhật Bản đang dần điều chỉnh chi tiêu của mình khi giá năng lượng và hàng hóa dần tăng cao.
Hãng tin Bloomberg cho biết trong số 31 đồng tiền của những nền kinh tế chủ chốt, có đến 4 đồng tiền của các nước giàu nằm trong nhóm 10 đồng tiền tệ nhất năm. Chỉ duy nhất có đồng Dollar Canada là đồng tiền của nước phát triển nằm trong nhóm 10 đồng tiền tốt nhất năm 2022.
Theo Bloomberg, điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều nền kinh tế không có được sức mạnh tăng trưởng như Mỹ và việc nâng lãi suất không giúp ích được gì nhiều cho thị trường tiền tệ. Hậu quả là chính sách tiền tệ bị thắt chặt nhưng lạm phát vẫn đi lên và đồng tiền vẫn mất giá.
"Vấn đề hiện nay khiến các nước đau đầu là nếu đồng USD vẫn tiếp tục tăng giá thì các ngân hàng trung ương lại phải nâng lãi suất tiếp kể cả khi tăng trưởng đã đi ngang và giá trị tài sản nội địa giảm sút", chuyên gia kinh tế Mansoor Mohi Uddin của Ngân hàng Bank of Singapore cảnh báo.
*Nguồn: Bloomberg
Nhịp sống kinh tế