Động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ sớm để lớp trẻ có nhiều cơ hội cống hiến
Đó là khẳng định của ông Trần Đình Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng - về Đề án “Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo” với chúng tôi.
* Theo Đề án “Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo”, cán bộ trẻ năng lực có độ tuổi dưới 35 sẽ được tiến cử vào làm việc tại nhiều cơ quan ban ngành chủ chốt trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Vậy xin ông cho biết, tại sao đến bây giờ, lãnh đạo thành phố mới ban hành và công bố rộng rãi đề án này?
- Trong những năm qua, TP. Đà Nẵng đã thực hiện nhiều chính sách lớn nhằm tạo được nguồn cán bộ dồi dào, được đào tạo bài bản như thu hút nhân tài, cử cán bộ tham gia đào tạo trong và ngoài nước theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nguồn cán bộ cho các chức danh chủ chốt phường, xã …
Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã có chủ trương và đề nghị các Thành ủy viên tiến cử cán bộ trẻ có triển vọng phát triển để Thành ủy quan tâm theo dõi, bồi dưỡng, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ trẻ có cơ hội phát triển. Từ đó, thành phố đã chuẩn bị được đội ngũ cán bộ trẻ kế cận, khắc phục dần tình trạng bị động, hụt hẫng cán bộ, bảo đảm tính kế thừa và phát triển.
Tuy nhiên, công tác cán bộ trẻ còn một số mặt hạn chế như tỉ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy chưa bảo đảm theo quy định, cơ cấu cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thấp, chưa có tính kế thừa. Trong khi đó, Đà Nẵng đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, có trình độ năng lực và kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; quá trình thực hiện chủ trương thu hút nhân tài và Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã tạo được nguồn cán bộ dồi dào, được đào tạo bài bản, nhưng vẫn chưa có giải pháp cụ thể để phát huy hết hiệu quả những cán bộ này. Đây chính là sự cần thiết phải ban hành Đề án với mục tiêu tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhận các chức danh lãnh đạo quản lý.
Theo ông Hồng, ở độ tuổi dưới 35, cán bộ vừa có thời gian trải nghiệm thực tiễn sau một thời gian tốt nghiệp bậc đại học, đồng thời còn đủ thời gian để được đào tạo và thử thách rèn luyện trước khi tính toán bố trí vào vị trí lãnh đạo.
* Vậy tại sao Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng lại đưa ra độ tuổi 35 trở xuống cho cán bộ trẻ?
- Bên cạnh các nhân tố được đào tạo bài bản, đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, có năng lực, có thành tích trong thực tiễn công tác như tiêu chuẩn của Đề án đã quy định… thì ở độ tuổi dưới 35, cán bộ vừa có thời gian trải nghiệm thực tiễn sau một thời gian tốt nghiệp bậc đại học, đồng thời còn đủ thời gian để được đào tạo và thử thách rèn luyện trước khi tính toán bố trí vào vị trí lãnh đạo, đáp ứng quy định hiện nay của Trung ương về độ tuổi cán bộ trẻ cấp tỉnh, thành phố là dưới 40. Đó là lý do để thành phố xem xét đưa ra tiêu chuẩn “có tuổi đời dưới 35 tuổi tính đến thời điểm tham gia đề án”.
* Ông có thể cho biết những thuận lợi của việc tiến cử cán bộ trẻ thông qua Đề án?
- Được tiến cử tham gia Đề án không có nghĩa là mặc nhiên cán bộ đó lập tức được đưa vào các vị trí chủ chốt của thành phố.
Trong Đề án cũng đã nêu rõ sẽ “đưa ra khỏi Đề án những cán bộ không có triển vọng phát triển, thiếu tinh thần cầu tiến hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ thử thách được giao”. Điều này có nghĩa là việc tiến cử cán bộ tham gia Đề án chỉ là bước đầu của một quá trình xem xét đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách trước khi đảm nhận các vị trí chủ chốt vì vậy việc tập thể bầu hay tổ chức thi tuyển chỉ là một bước - bước sàng lọc, lựa chọn - của cả quá trình.
Trong Đề án cũng đã nói rõ sẽ “Tăng cường tổ chức cho cán bộ tham gia Đề án và cán bộ trẻ đủ điều kiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số lĩnh vực chuyên môn theo quy định của Trung ương”. Vì vậy, chúng ta cần xem xét tính liên tục, tương quan của quá trình tiến cử tham gia đề án, đào tạo thử thách, sàng lọc lựa chọn vào vị trí cũng như phát triển cán bộ ở cấp cao hơn.
* Đề án 6575/QĐ-TU được dư luận đánh giá cao bởi đây được xem là một đề án riêng, mạnh dạn đào tạo cán bộ trẻ có năng lực vào các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, dư luận cũng băn khoăn việc tiến cử cán bộ được thực hiện như thế nào và sự ràng buộc giữa người tiến cử và cán bộ trẻ như thế nào trong quá trình những cán bộ này làm việc để tránh tình trạng “xin, cho”?
- Trong Đề án đã nói rõ: “Người tiến cử cán bộ phải có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ cán bộ phát triển; sẽ được biểu dương, khen thưởng khi cán bộ lập được thành tích và phát triển tốt, đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân khi cán bộ sai phạm, vi phạm đến mức độ phải thi hành các hình thức kỷ luật của Đảng, chính quyền”. Do vậy, có thể không quá lời khi nói rằng uy tín của người tiến cử gắn liền với kết quả của người được tiến cử, thậm chí người tiến cử có khi phải đặt cược cả sinh mệnh chính trị của mình vào việc tiến cử cán bộ. Và biện pháp hạn chế tình trạng trên chính là cơ chế sàng lọc, đánh giá thông qua việc thu thập thông tin, lấy ý kiến tham khảo cả tập thể cấp ủy, tập thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị nơi người được tiến cử đang công tác của các cơ quan có thẩm quyền. Trên cơ sở đánh giá cán bộ, cơ quan có thẩm quyền sẽ đề nghị loại khỏi Đề án những người không có triển vọng phát triển, người chưa xứng đáng như đã đề cập ở trên để tránh xảy ra những trường hợp tiến cử không dựa trên tiêu chuẩn quy định.
* Việc Đà Nẵng động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu để nhường vị trí cho cán bộ lãnh đạo trẻ có cơ hội cống hiến, theo ông có thực hiện được?
- Trong thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã nỗ lực rất nhiều trong việc đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi.
Rất may là, cán bộ của thành phố nói chung và đa số cán bộ lãnh đạo các cấp lớn tuổi nói riêng đều có sự nhìn nhận, đồng thuận tích cực đối với việc quan tâm, tạo điều kiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển chung.
* Xin cảm ơn ông!
Lao động