MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng vốn 74.000 tỷ đồng đổ về Khu kinh tế mở Chu Lai

Đến nay Khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai đã thu hút được 197 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 74.000 tỷ đồng, ở các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, đô thị nhà ở. Trong đó có 48 dự án FDI với vốn đăng ký khoảng 17.000 tỷ đồng.

Sau 20 năm hình thành và phát triển, đến nay KKT mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) từng bước được hoàn thiện hạ tầng và đã có nhiều nhà máy, công xưởng, khu du lịch được hình thành, trong đó có những dự án với quy mô lớn mang tầm quốc gia.

Để hiểu rõ hơn về những kết quả thu hút đầu tư và giải pháp phát triển trong thời gian tới, Nhadatu.vn trao đổi với ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Dòng vốn 74.000 tỷ đồng đổ về Khu kinh tế mở Chu Lai - Ảnh 1.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.V.

Đóng góp 60% tổng số thu ngân sách

Xin ông cho biết kết quả thu hút đầu tư vào KKT mở Chu Lai hiện nay như thế nào?

Các doanh nghiệp trong KKT mở Chu Lai hoạt động ổn định và hiệu quả, đóng góp lớn cho sự phát triển KT-XH của tỉnh. Những năm gần đây, KKT mở Chu Lai chiếm hơn 60% số thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam.

Ông Hồ Quang Bửu: Đến nay KKT mở Chu Lai đã thu hút được 197 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 74.000 tỷ đồng ở các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, đô thị nhà ở.

Trong đó có 48 dự án FDI với vốn đăng ký khoảng 17.000 tỷ đồng và 149 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 57.000 tỷ đồng.

Hiện KKT Chu Lai đã có những nhà đầu tư lớn đầu tư và mở rộng đầu tư như Tập đoàn Trường Hải (Thaco) với 37 dự án đầu tư trong công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô và cơ khí hỗ trợ ngành ô tô, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng; Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đầu tư trong lĩnh vực sản xuất vải mành, túi khí với tổng vốn đăng ký đầu tư các dự án đến nay là 5.694 tỷ đồng tương đương 245 triệu USD…

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2017-2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhưng KKT mở Chu Lai cũng đã thu hút được 85 dự án, với tổng vốn đăng ký 57.030 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD).

Ông có thể thông tin cụ thể hơn về những đóng góp của KKT mở Chu Lai đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua?

Ông Hồ Quang Bửu: Sau 20 năm xây dựng và phát triển, các dự án tại KKT mở Chu Lai đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh Quảng Nam, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp-dịch vụ.

Vai trò của KKTM Chu Lai từng bước được khẳng định trong sự phát triển chung, không chỉ của tỉnh Quảng Nam, mà còn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đáng chú ý, thu ngân sách trên địa bàn KKTM Chu Lai tăng dần qua các năm, đặc biệt trong 5 năm gần đây (2018-2022), tổng số thu ngân sách trên địa bàn KKT mở Chu Lai đạt khoảng 77.683 tỷ đồng, chiếm bình quân khoảng trên 60% tổng số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng hơn 30.000 lao động.

Dòng vốn 74.000 tỷ đồng đổ về Khu kinh tế mở Chu Lai - Ảnh 3.

Đến nay, KKT mở Chu Lai đã thu hút được 197 dự án. Ảnh: T.V.

Vậy định hướng phát triển của KKT mở Chu Lai trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Hồ Quang Bửu: Trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, vùng Đông Nam của tỉnh (trong đó chủ yếu là địa bàn KKTM Chu Lai) tiếp tục được Tỉnh ủy xác định là một trong những vùng động lực của tỉnh.

Theo đó, 6 nhóm dự án trọng điểm được tỉnh ủy xác định tập trung đầu tư trong khu vực này gồm: Nhóm các dự án đô thị du lịch ven biển, ven sông; nhóm dự án ô tô và cơ khí đa dụng; nhóm các khu công nghiệp và khu công nghiệp công nghệ cao; nhóm dự án công nghiệp và dịch vụ hàng không; Nhóm cảng biển và logistics Chu Lai; nhóm nông nghiệp hàng hóa an toàn ứng dụng công nghệ.

Sáu nhóm dự án trọng điểm sẽ tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế cho các địa phương vùng Đông Nam nói riêng và toàn tỉnh Quảng Nam nói chung.

Dòng vốn 74.000 tỷ đồng đổ về Khu kinh tế mở Chu Lai - Ảnh 4.

Trong 5 năm gần đây (2018-2022), tổng số thu ngân sách trên địa bàn KKT mở Chu Lai đạt khoảng 77.683 tỷ đồng. Ảnh: T.V.

Tập trung thu hút dòng vốn FDI

Để KKTM Chu Lai đạt được kế hoạch đề ra, tỉnh Quảng Nam có giải pháp như thế nào?

Ông Hồ Quang Bửu: Trong thời gian tới, tỉnh tập trung triển khai quy hoạch các khu chức năng, quy hoạch phân khu trong KKTM Chu Lai, trong đó hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển các Khu công nghiệp; bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp mới theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, các mô hình khu công nghiệp chuyên ngành vào quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xác định ngành công nghiệp chủ lực, trong đó ưu tiên công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp chế biến…lấy công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô làm ngành mũi nhọn kết hợp phát triển các ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ, hình thành và phát triển công nghiệp hàng không gắn với dịch vụ logistics, công nghiệp khí - điện…

Song song với đó, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực để tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, thông suốt để kết nối KKTM Chu Lai với bên ngoài, trong đó đặc biệt là: tuyến luồng Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn, cảng hàng không quốc tế Chu Lai gắn với khu phi thuế quan tại Tam Quang, hệ thống cảng biển và logistics.

Cùng với đó là các mạng lưới giao thông có tính kết nối quan trọng của Khu kinh tế (hoàn thành tuyến đường bộ ven biển từ Đà Nẵng - Chu Lai theo quy mô mặt cắt 38m, các tuyến đường ngang nối đường ven biển với quốc lộ 1A và đường cao tốc ….) và các hạ tầng xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, tập trung triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư hoàn hiện các hạ tầng thiết yếu tại các khu công nghiệp để đảm bảo quỹ đất công nghiệp thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp.

Dòng vốn 74.000 tỷ đồng đổ về Khu kinh tế mở Chu Lai - Ảnh 5.

Tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực để tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, thông suốt để kết nối KKTM Chu Lai với bên ngoài. Ảnh: T.V.

Còn giải pháp thu hút đầu tư thì sao, xin ông cho biết?

Tỉnh sẽ chú trọng vào các tập đoàn, tổng công ty lớn có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, có thương hiệu, có thiện chí, trong đó tập trung thu hút dòng vốn FDI từ các nước như: Hàn Quốc, Nhật, Mỹ và châu Âu...


Tỉnh tiếp tục tổ chức có hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư đúng đối tượng, trọng tâm, trọng điểm; chú trọng vào các tập đoàn, tổng công ty lớn có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, có thương hiệu, có thiện chí, trong đó tập trung thu hút dòng vốn FDI từ các nước như: Hàn Quốc, Nhật, Mỹ và châu Âu...

Ưu tiên xúc tiến các dự án có quy mô lớn; dự án sản xuất công nghiệp có các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao; các dự án có sản phẩm, dịch vụ đặc thù; các dự án sử dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện sản xuất trong nước, với hình thức liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước; các dự án của các công ty đa quốc gia có thương hiệu quốc tế và có năng lực cạnh tranh cao.

Cùng với đó, tỉnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong ba nhiệm vụ đột phá nhằm thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Để thực hiện điều đó, Quảng Nam xác định "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở".

Ngoài ra, từng bước hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh cắt giảm chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính để thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng…

Xin cảm ơn ông!


Theo Thành Vân

Nhà đầu tư

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên