Các địa phương Đông Nam bộ muốn phân cấp, phân quyền mạnh hơn
Các địa phương Đông Nam bộ cho biết rất cần cơ chế đặc thù như Nghị quyết 98/2023 của TP.HCM, đó là phân cấp, phân quyền rõ ràng và chính các địa phương chịu trách nhiệm về sự phân cấp này.
- 21-10-2023Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Hoàn thiện phương án xử lý dứt điểm dự án TISCO 2 và VTM
- 21-10-2023Chậm giải ngân vốn đầu tư công, Quảng Nam áp lực tiêu hơn 9.200 tỷ đồng
- 21-10-2023Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến về thiết kế vi mạch bán dẫn
Tại Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ quý III/2023 vừa diễn ra ở Bà Rịa - Vũng Tàu, lãnh đạo 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đã thống nhất kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có kiến nghị cơ chế chính sách phát triển đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho các dự án hạ tầng, đầu tư của vùng kinh tế năng động nhất cả nước.
Cơ chế vì cái chung
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, không chỉ ở địa bàn Tây Ninh mà hầu hết các địa phương trong vùng Đông Nam bộ hiện có nhiều dự án hạ tầng kết nối đang vướng quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải xin ý kiến các bộ, ngành và Chính phủ dẫn đến chậm triển khai.
Chính vì vậy, các địa phương rất cần cơ chế đặc thù như Nghị quyết 98/2023 của TP.HCM. Đó là phân cấp, phân quyền rõ ràng cho các địa phương và chính các địa phương chịu trách nhiệm về sự phân cấp này.
Cũng theo ông Ngọc, trong cơ chế đặc thù cần tập trung nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện nay trong phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, một số bộ, ngành và địa phương. Nếu thấy địa phương có đủ nguồn lực, đảm đương được nhiệm vụ thì Vùng được tự quyết và tự chịu trách nhiệm.
“Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong các điều chỉnh quy hoạch, như hiện nay đụng đến đâu cũng phải lấy ý kiến rất mất thời gian. Hai là quy hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu chung của nhà nước đưa xuống, trong đó phân bổ trong các chỉ tiêu chung từng loại đất là do các địa phương. Ba là chuyển mục đích sử dụng đất lúa và đất rừng đã giao địa phương được toàn quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều này”, ông Ngọc kiến nghị cụ thể.
Đồng quan điểm với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, trong thời gian tới Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì phiên họp thứ hai với Hội đồng vùng. Là địa phương có kinh nghiệm về cơ chế đặc thù, TP.HCM cần thống nhất các nội dung kiến nghị, báo cáo Thủ tướng xin cơ chế tháo gỡ khó khăn cho vùng.
“Liên quan đến việc chung của vùng, những nội dung mà các tỉnh, thành kiến nghị Chính phủ xin cơ chế nên thống nhất lại. TP.HCM đã có nhiều kinh nghiệm về cơ chế đặc thù (Nghị quyết 98 – PV), có những gì hay hơn xin được sẽ rất tốt, trên tinh thần vì cái chung của vùng”, ông Minh đề xuất.
Tổng hợp kiến nghị theo hàng quý
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, nhằm thúc phát triển hạ tầng kết nối, những vấn đề đang vướng mắc của các địa phương cần thống nhất để triển khai thực hiện sớm trong thời gian tới.
Theo đó, cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam bộ sẽ có 2 phương án. Đó là cho phép các địa phương Đông Nam bộ được áp dụng như cơ chế chính sách tại Nghị quyết 98/2023 của TP.HCM do từng địa phương lựa chọn. Hoặc cho phép các địa phương chọn các vấn đề như: Nhà đầu tư chiến lược, thúc đẩy phát triển khoa học – công nghệ, Quỹ hạ tầng vùng và phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Các vấn đề trên có thể giao cho Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM làm đầu mối, chủ trì phối hợp với các địa phương tổng hợp để chuẩn bị báo cáo Chính phủ trong quý IV/2023.
“TP.HCM và các địa phương sẽ cùng với nhau xác định những vướng mắc chung và có kiến nghị với Trung ương. Việc này giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư của mỗi địa phương, tổng hợp kiến nghị gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM để tham mưu, tổng hợp thống nhất và việc này các địa phương làm hàng quý”, ông Mãi đề nghị.
Ông Mãi cũng lưu ý, những khó khăn, vướng mắc sẽ phát sinh thường xuyên, do đó các địa phương vùng Đông Nam bộ cần tổ chức tổng hợp hàng quý để kịp thời phản ánh và có ý kiến chung.
VOV