MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng vốn ETFs đổ mạnh vào thị trường, vì sao khối ngoại vẫn bán ròng miệt mài trên TTCK Việt Nam?

Dù được kỳ vọng dòng vốn khối ngoại sẽ trở lại nhưng trên thực tế, áp lực bán ròng của khối ngoại thời gian qua là tương đối mạnh. Từ tháng 2 tới nay, khối ngoại đã bán ròng 6/7 tháng giao dịch.

Sau giai đoạn chịu áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19, TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ dần thu hút dòng vốn trở lại trong giai đoạn cuối năm nay nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, sự ra đời của các quỹ ETFs mới cũng như câu chuyện nâng tỷ trọng trong rổ Frontier Markets (thị trường cận biên).

Có thể thấy dòng vốn ETFs trong những tháng gần đây đổ vào thị trường khá tích cực. Quỹ Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) có 3 tháng hút ròng vốn liên tiếp (tháng 6 đến tháng 8) với tổng giá trị hơn 26 triệu USD.

Dòng vốn ETFs đổ mạnh vào thị trường, vì sao khối ngoại vẫn bán ròng miệt mài trên TTCK Việt Nam? - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, các quỹ ETFs nội mới như VFMVN Diamond ETF, SSIAM VNFin Lead, SSIAM VN30 ETF, VinaCapital VNX100 ETF, MAMF VN30 ETF liên tiếp ra đời và đều thu hút vốn thành công đã góp phần nâng đỡ thị trường.

Mới đây nhất, China Trust Vietnam Fund được tư vấn bởi Dragon Capital được cho rằng sẽ chi trăm triệu USD đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam thông qua chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond ETF. Dragon Capital, quỹ đầu tư lớn nhất TTCK Việt Nam cũng có kế hoạch "bơm" hơn 1.000 tỷ đồng vào quỹ đầu tư cổ phiếu Việt Nam chọn lọc (VFMVSF).

Trong rổ thị trường cận biên, Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 với 17,22%, xếp sau thị trường Kuwait với 36,53%. Trong tháng 11 này, nếu Kuwait được nâng hạng thị trường mới nổi (Emering Markets), tỷ trọng thị trường Việt Nam trong rổ cận biên được kỳ vọng sẽ tăng lên 25%, qua đó thu hút thêm dòng vốn vào thị trường.

Dòng vốn ETFs đổ mạnh vào thị trường, vì sao khối ngoại vẫn bán ròng miệt mài trên TTCK Việt Nam? - Ảnh 2.

Việt Nam đang là thị trường lớn thứ 2 trong rổ Frontier Markets

Khối ngoại vẫn bán ròng miệt mài, nguyên nhân từ đâu?

Dù được kỳ vọng dòng vốn khối ngoại sẽ trở lại nhưng trên thực tế, áp lực bán ròng của khối ngoại thời gian qua là tương đối mạnh. Từ tháng 2 tới nay, khối ngoại đã bán ròng 6/7 tháng giao dịch. Tháng 6 là thời điểm duy nhất khối ngoại mua ròng gần 15.000 tỷ đồng, nhưng lực mua chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận VHM. Nếu loại đi giao dịch đột biến này, thực chất khối ngoại vẫn bán ròng khoảng 500 tỷ đồng trong tháng 6.

Tháng 8 dù chưa kết thúc nhưng khối ngoại đang bán ròng gần 1.800 tỷ đồng trên HoSE và đây là con số bán ròng mạnh nhất kể từ tháng 4 tới nay. Một điểm đáng chú ý, dòng vốn đổ vào các quỹ ETF như VFMVN Diamond ETF, VFMVN30 ETF, VNM ETF khá mạnh trong tháng 8 (gần 17 triệu USD ~ 400 tỷ đồng) và nếu như không có dòng vốn này, giá trị bán ròng của khối ngoại sẽ không dừng ở con số gần 1.800 tỷ đồng.

Dòng vốn ETFs đổ mạnh vào thị trường, vì sao khối ngoại vẫn bán ròng miệt mài trên TTCK Việt Nam? - Ảnh 3.

Khối ngoại "miệt mài" bán ròng dù các quỹ ETFs liên tục bơm vốn vào thị trường

Câu hỏi được giới đầu tư đặt ra lúc này là áp lực bán ròng của khối ngoại đang đến từ đâu khi mà các quỹ ETFs vẫn hút vốn khá tốt.

Theo tìm hiểu của người viết, nhiều khả năng áp lực bán ròng của khối ngoại trong những tháng gần đây có "đóng góp" không nhỏ từ các quỹ cận biên (Frontier). Dù được kỳ vọng tăng tỷ trọng trong rổ Frontier Markets trong thời gian tới, tuy nhiên các quỹ sử dụng tham chiếu Frontier Markets Index đang có xu hướng rút vốn mạnh những tháng gần đây, qua đó tác động tiêu cực tới dòng vốn vào Việt Nam – thị trường đang chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong rổ thị trường cận biên.

Thống kê một số quỹ cận biên cho thấy quy mô đã giảm đáng kể so với thời điểm cuối tháng 2 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Cụ thể, quy mô quỹ Schroders Frontier Markets Fund tính tới cuối tháng 7 chỉ còn 582 triệu USD, giảm khoảng 400 triệu USD so với thời điểm cuối tháng 2.

Tương tự, các quỹ Coeli Frontier Markets Fund, T.Rowe Price Frontier Markets Fund đều giảm một nửa quy mô so với tháng 2 và hiện chỉ còn lần lượt 107 triệu USD và 117 triệu USD; Templeton Frontier Markets Fund cũng giảm 35% quy mô danh mục xuống 352 triệu USD.

Dòng vốn ETFs đổ mạnh vào thị trường, vì sao khối ngoại vẫn bán ròng miệt mài trên TTCK Việt Nam? - Ảnh 4.

Quy mô các quỹ Frontier giảm mạnh trong thời gian gần đây

Việc các quỹ Frontier Markets giảm mạnh quy mô bên cạnh yếu tố danh mục cổ phiếu giảm so với đầu năm còn có nguyên nhân chủ chốt từ việc bị rút vốn. Từ đầu năm tới nay, dòng vốn không chỉ bị rút khỏi nhóm Frontier Markets mà còn diễn ra với nhóm Emerging Markets.

Ở chiều ngược lại, dòng vốn có xu hướng đổ vào các thị trường Developed Markets (thị trường phát triển), tiêu biểu là TTCK Mỹ, qua đó giúp các chỉ số S&P500, Nasdaq thiết lập đỉnh lịch sử bất chấp dịch bệnh. Bên cạnh đó, đà bứt phá của giá vàng cũng khiến dòng vốn đổ mạnh vào kênh này và phần nào khiến các thị trường Frontier và Emerging Markets trở nên kém hấp dẫn.

Dù vậy trong giai đoạn cuối năm, xu hướng bán ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ "hạ nhiệt" nhờ vào sự hỗ trợ của dòng vốn ETFs cũng như câu chuyện tăng tỷ trọng trong rổ cận biên.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên