Dòng vốn ngoại “rục rịch” trở lại Đông Nam Á, Việt Nam trở thành điểm sáng
Đà tăng của USD khiến giới đầu tư lo ngại về một làn sóng rút vốn có thể xảy ra trên toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường cận biên và mới nổi tuy nhiên một số quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam, Philippines,... vẫn đón nhận dòng tiền đầu tư tích cực từ nước ngoài.
Trong bối cảnh lãi suất cơ bản của Mỹ có xu hướng tăng trước lo ngại lạm phát, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt gồm EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF đã liên tục leo thang lên mức kỷ lục 110. Giá USD cũng tăng lên mức đỉnh cao nhất trong nhiều thập kỷ đối với đồng Euro và Yên.
Chỉ số US Dollar Index tăng không thấy đỉnh
Trước đó, phát biểu tại hội nghị Jackson Hole diễn ra cuối tháng 8, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết chính sách tiền tệ của cơ quan này sẽ không xoay trục và lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ còn tăng trong thời gian dài hơn dự kiến của thị trường. Ông Powell cũng không loại trừ một đợt tăng 75 điểm lãi suất cơ bản khác trong cuộc họp sắp tới vào tháng 9, đồng thời nhấn mạnh điều này phần lớn sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ sẽ được công bố trong thời gian tới.
Đà tăng của đồng Dollar khiến giới đầu tư lo ngại về một làn sóng rút vốn có thể xảy ra trên toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường cận biên và mới nổi. Dù vậy, trái ngược với xu hướng trên, một số quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam, Philippines,... lại đang đón nhận dòng tiền đầu tư tích cực từ nước ngoài.
Tại thị trường Việt Nam, khối ngoại đã bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại từ đầu quý 2 khi liên tục mua ròng hàng nghìn tỷ mỗi tháng. Sau khi bị gián đoạn trong tháng 7, xu hướng trên đã nhanh chóng được nối lại. Chỉ tính riêng trên HoSE, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 1.100 tỷ đồng trong tháng 8 qua đó nâng tổng giá trị mua ròng từ đầu năm lên hơn 2.500 tỷ đồng.
Đây là tín hiệu lạc quan hứa hẹn cho sự trở lại của khối ngoại trên thị trường Việt Nam sau thời gian dài bán ròng triền miên. Trước đó, trong năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài đã có một năm bán ròng kỷ lục hơn 60.000 tỷ đồng và xu hướng thậm chí vẫn còn tiếp tục kéo dài đến cuối quý 1 năm nay.
Sự trở lại của dòng vốn ngoại được dẫn dắt chủ yếu qua kênh ETF với tâm điểm là 2 quỹ Fubon ETF và Diamond ETF. Trong đó, Fubon ETF là cái tên hút vốn mạnh nhất thị trường từ đầu năm với giá trị lên đến hơn 6.100 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khu vực Đông Á. Diamond ETF lại đặc biệt hấp dẫn nhà đầu tư Thái Lan và cũng đã hút ròng gần 4.200 tỷ đồng sau 8 tháng đầu năm.
Dù đã có dấu hiệu chững lại trong khoảng 2 tháng qua nhưng dòng vốn đổ vào Việt Nam qua các quỹ ETFs từ đầu năm vẫn đạt hơn 8.000 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền từ các quỹ chủ động đã tích cực hơn trong tháng 8 sau thời gian dài gần như đứng ngoài cuộc chơi.
VNDirect dự báo dòng vốn ETF sẽ tiếp tục tăng mạnh nhưng tập trung vào các quỹ ETFs có tiềm năng tăng trưởng tốt và định giá phù hợp. Đây sẽ là yếu tố có thể hỗ trợ thị trường trong các giai đoạn điều chỉnh. Bên cạnh đó, hai quỹ ETF mới gồm DCVFM VNMidcap ETFvà KIM Growth VNFinselect ETF cũng được kỳ vọng sẽ mang đến luồng gió mới, đa dạng hóa lựa chọn cho nhà đầu tư.
Với tăng trưởng EPS dự báo ở mức cao trong giai đoạn 2022-2024, VNDirect cho rằng chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn so với quá khứ và so với các nước trong khu vực. Việt Nam cũng nổi bật trong số các thị trường mới nổi với P/E dự phóng cho năm 2022 là 12,2 và P/E dự báo cho 2023 là 10,4 lần, thấp hơn nhiều so với P/E trung bình 5 năm gần đây là 16,4 lần.
Về dài hạn, triển vọng của TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá lạc quan và sẽ hấp dẫn dòng vốn khối ngoại nhờ kinh tế vĩ mô ổn định trước nhiều biến động tiêu cực của thế giới, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết và định giá hợp lý... Ngoài ra, Việt Nam cũng đang từng bước đáp ứng các tiêu chí cần có để được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Điều này được dự báo sẽ có thể kéo nhà đầu tư nước ngoài trở lại thị trường Việt Nam mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Nhịp Sống Kinh Tế