Dòng vốn vào bất động sản bắt đầu có sự dịch chuyển
Chuyên gia cho rằng, dòng vốn đi vào bất động sản cũng có rất nhiều phân khúc và bắt đầu có sự dịch chuyển ở các phân khúc khác nhau như nhà ở, khu công nghiệp, khách sạn, văn phòng và bán lẻ,... dịch chuyển tùy theo khu vực.
- 23-12-2022Thị trường bất động sản khi nào sôi động trở lại?
- 23-12-2022Bất động sản quay về giá trị thực?
- 22-12-2022Hết thời đua giá, một phân khúc bất động sản bị cắt lỗ “không thương tiếc” tới hàng chục tỷ đồng
Phát biểu tại Diễn đàn "Dự báo thị trường bất động sản 2023” vừa được tổ chức, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, Việt Nam có sự tăng trưởng rất tốt trong những năm vừa qua, đặc biệt từ năm 2011 đến nay. Vấn đề này ảnh hưởng lớn đến khả năng chi trả bất động sản trong đó có dòng vốn ngoại đầu tư đóng vai trò quan trọng, từ đó có thể so sánh việc đầu tư ở Việt Nam tăng như thế nào so với các thị trường khác.
Theo bà Trang nhận định, dòng vốn ngoại ở Việt Nam giúp người dân nói chung cải thiện thu nhập, việc thu hút đầu tư FDI tại miền Bắc chiếm 37% và miền Nam đặc biệt Đông Nam bộ chiếm 41% ảnh hưởng nhiều tới thị trường bất động sản. Nếu tính lượng FDI vào Việt Nam thì dẫn đầu là sản xuất và thứ hai là bất động sản.
Cùng với đó, trong 5 năm trở lại đây còn có các quỹ đầu tư vào Việt Nam. Trước đó, dòng vốn đăng ký đầu tư vào bất động sản cao nhưng vốn thực hiện lại thấp, tuy nhiên gần đây vốn thực hiện bắt đầu tăng mạnh.
“Có 3 loại vốn chính vào Việt Nam bao gồm: đầu tư bằng vốn tự có; công ty quản lý quỹ; và nhà đầu tư tài chính. Đến nay, Việt Nam được đánh giá là thị trường đầu tư cơ hội, chứ không phải thị trường đầu tư thông qua dòng tiền ổn định”, bà Trang cho hay.
Dòng vốn đi vào bất động sản cũng có rất nhiều phân khúc và bắt đầu có sự dịch chuyển ở các phân khúc khác nhau như nhà ở, khu công nghiệp, khách sạn, văn phòng và bán lẻ,... dịch chuyển tùy theo khu vực.
Các chuyên gia có mặt tại sự kiện đã nhắc đến Quỹ tín thác bất động sản (REIT), ở thị trường Việt Nam cũng có một số chủ đầu tư bắt đầu khám phá mô hình này. Thực tế, hình thức này dành cho các nhà đầu tư có quy mô lớn trên toàn cầu và là một mô hình rất bình thường, nhưng thị trường Việt Nam còn rất mới. Vì đặc trưng của quỹ này chỉ dành cho các loại tài sản có dòng tiền ổn định, trong khi tài sản của thị trường Việt Nam chủ yếu là nhà ở, dòng tiền chưa ổn định, đặc biệt xuất phát từ loại tài sản là văn phòng.
Tuy nhiên, các quỹ đầu tư thường đầu tư vào tài sản cốt lõi nhất, phục vụ cho nhu cầu gì của thị trường trong khi thị trường Việt Nam hiện nay vẫn rất nhỏ, con số vài chục triệu USD với một quỹ là không lớn.
Bà Trang Bùi đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay đang có rất nhiều sự dịch chuyển và ngày càng chuyên nghiệp hơn, nghĩa là chúng ta đã có những doanh nghiệp có chiến lược rõ ràng, mô hình sản phẩm rõ ràng và thị trường bắt đầu có các loại quỹ tham gia vào thị trường. Điều đó cho thấy sự dịch chuyển từ cá nhân nhỏ lẻ sang thị trường lớn hơn để gia nhập vào thị trường khu vực và toàn cầu.
“Bất động sản là mạch xương sống của nền kinh tế, là an sinh xã hội, trải dài ở tất cả các phân khúc. Về viễn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam năm 2032, bất động sản không chỉ dừng lại ở căn hộ, đất nền, nhà ở xã hội mà còn rất nhiều phân khúc khác”, bà Trang nói.
Riêng về thị trường căn hộ ở Hà Nội, các khu đô thị tích hợp được các tiêu chuẩn, có chỗ đỗ xe, khả năng cung cấp chỗ đỗ xe của dự án dần trở thành một trong những yếu tố cân nhắc chính đối với khách mua. Đồng thời các sản phẩm trung cấp đang có nhu cầu thật trong những năm qua.
Còn thị trường bất động sản đất nền luôn luôn “thú vị”, vì đó là đầu tư cho tương lai, luôn được quan tâm và ảnh hưởng tới rất nhiều góc độ trong an sinh xã hội. Xu hướng hiện nay các chủ đầu tư là xây dựng các dự án lớn hơn ở khu vực phía Đông và phía Tây Hà Nội, các khu vực này có đóng góp rất nhiều nguồn cung cho thị trường.
“Theo chúng tôi nghiên cứu, các chủ đầu tư ở thị trường bất động sản rất đặc thù, đòi hỏi tầm nhìn dài hạn và nguồn vốn lớn, vậy cấu trúc phải nằm ở vốn chủ sở hữu ít nhất phải từ 30 - 40 %, nợ ngân hàng, các loại nợ dưới 50% và phải có nhà đầu tư chiến lược. Đạt được các điều kiện đó thì thị trường mới đảm bảo cân bằng”, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield phân tích.
Nhịp sống thị trường