Đồng yen mất giá làm ảnh hưởng tới hạnh phúc lứa đôi tại Nhật Bản
Ngày 22/11 là “Ngày của các cặp vợ chồng tốt lành Nhật Bản”. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, khi đồng yen mất giá với nhiều kỷ lục mới, vật giá tăng cao, kinh tế khó khăn…, các hoạt động này bị thu hẹp, thậm chí biến mất.
Ngày này được kỷ niệm hàng năm nhằm tôn vinh hạnh phúc gia đình, hướng tới một xã hội tốt đẹp, với hàng loạt các hoạt động phong phú của các cặp vợ chồng như giao lưu tại khu dân cư, đi du lịch trong và ngoài nước, các bữa tiệc ngoài trời…
Theo kết quả một cuộc điều tra vừa được tập đoàn bảo hiểm nhân thọ hàng đầu Nhật Bản Meiji Yasuda và các viện nghiên cứu xã hội học Nhật Bản công bố hôm nay, các vấn đề kinh tế đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới hạnh phúc gia đình của nhiều người dân xứ sở “Hoa Anh Đào”. Cụ thể, có tới 38,3% số người được hỏi cho biết là sẽ không tổ chức kỷ niệm, trong khi tỷ lệ này trước đây là 0%. Tỷ lệ các cặp vợ chồng cho biết là sẽ đi du lịch nước ngoài dừng ở mức 18,1%, thấp chưa từng có từ trước đến nay.
Còn một vài con số đáng chú ý khác như khoản tiền trung bình mà các cặp vợ chồng dành mua quà tặng nhau trong một năm đã giảm 5.000 yen so với năm ngoái, xuống mức 40.568 yen (tương đương khoảng 6.600.000 VND). Lý giải cho các vấn đề nêu trên, 46,7% các cặp vợ chồng cho biết là không còn đủ tiền do phải tập trung cho sinh hoạt phí đang ngày càng tăng cao, 13,8% khẳng định là do giá cả leo thang nên không đủ sức để mua…
Các nhà nghiên cứu xã hội học Nhật Bản trích dẫn câu thành ngữ “phú quý sinh lễ nghĩa” để nhấn mạnh việc các khó khăn kinh tế đang tác động tiêu cực tới từng gia đình – “các tế bào của xã hội” Nhật Bản, đồng thời, cảnh báo về hàng loạt hệ lụy cho toàn xã hội như nguy cơ tỷ lệ kết hôn và sinh con sẽ giảm, tình trạng dân số lão hóa và thiếu hụt nhân lực sẽ trở nên trầm trọng hơn, và trên hết là nguy cơ rạn nứt các giá trị gia đình – một trong những yếu tố nền tảng của đạo đức xã hội.
VOV