MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đột biến một nguồn tiền gửi

16-08-2022 - 07:51 AM | Tài chính - ngân hàng

Một phần góp thêm lý giải vì sao "Big 4" ngân hàng vẫn sống khỏe dù có lãi suất huy động thấp nhất thị trường, dĩ nhiên ở đây có giá trị bình ổn chung

Một phần góp thêm lý giải vì sao "Big 4" ngân hàng vẫn sống khỏe dù có lãi suất huy động thấp nhất thị trường, dĩ nhiên ở đây có giá trị bình ổn chung

Có các mặt của vấn đề, song quy mô lớn của nguồn tiền gửi đột biến này góp phần làm mát nhất định động cơ lãi suất trên thị trường…

Thị trường mở đầu tuần giao dịch mới, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục rơi sâu, xuyên cả một mối quan hệ đáng chú ý. Đà rơi vẫn thể hiện dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có can thiệp.

Cụ thể, cập nhật sáng 15/8, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm từ 15-29 điểm cơ bản ở các kỳ hạn qua đêm đến 2 tuần. Mức giảm từ 158-195 điểm cơ bản ở các kỳ hạn này chỉ sau một tuần là mức độ cực mạnh.

Với diễn biến trên, một lần nữa lãi suất VND qua đêm lại xuyên cả mối quan hệ khá nhạy cảm là chênh lệch với lãi suất USD trên cùng thị trường: lãi suất qua đêm VND chỉ còn 2,38% trong khi lãi suất USD qua đêm cao hơn với 2,5%.

Như đề cập ở thông tin trước, một nguồn tiền lớn từ tín phiếu NHNN đáo hạn và trở lại thị trường tuần qua, tác động đến cân đối trạng thái của hệ thống trong ngắn hạn. Dữ liệu thống kê cho thấy trong tuần qua NHNN đã bơm ròng tới 43.602,9 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn tín phiếu hút bớt về trước đó đáo hạn (56.599,5 tỷ đồng).

Đã hai tháng qua Nhà điều hành liên tục có hoạt động điều tiết liên tục trong bơm - hút tiền và lãi suất liên ngân hàng có nhiều biến động. Đầu tuần này tiếp tục có 17.600 tỷ đồng được hút bớt về…

Song, hoạt động và yếu tố nguồn nói trên chỉ mang tính ngắn hạn. Một nguồn tiền lớn và tăng đột biến, có tính cố định hơn đã thể hiện trong cơ cấu nguồn của hệ thống.

Đó là tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Ba năm qua, cơ cấu tiền gửi của KBNN đã có thay đổi một phần căn bản. Tiền gửi thanh toán không kỳ hạn của tổ chức này đã thực hiện kết chuyển về tài khoản tại NHNN thay vì thường đọng lại lượng lớn (giá trị và lợi thế lớn) tại "Big 4" (gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank). Tuy nhiên, tiền gửi có kỳ hạn của KBNN vẫn là một trọng số thường thể hiện.

Nửa đầu năm nay hệ thống ghi nhận lượng tiền gửi có kỳ hạn quy mô lớn của KBNN, tăng đột biến tại nhóm ngân hàng nói trên (riêng Agribank hiện chưa công bố BCTC quý 2 cụ thể).

Ghi nhận tại BIDV, tiền gửi có kỳ hạn của KBNN tại 30/6/2022 đột biến tới 70.000 tỷ đồng, trong khi số dư cuối năm 2021 chỉ 10.000 tỷ đồng. Tương ứng, tại Vietcombank tăng vọt từ 7.000 tỷ đồng lên tới 57.787 tỷ đồng; tại VietinBank từ 31.789 tỷ đồng lên 58.200 tỷ đồng.

Tính chung tại ba ngân hàng lớn nói trên (chưa có dữ liệu tại Agribank), tổng nguồn tiền gửi có kỳ hạn của KBNN tại 30/6/2022 lên tới 186.000 tỷ đồng. Quy mô này ghi nhận tại thời điểm chốt BCTC theo quý, có thể chưa phản ánh đầy đủ hơn số dư tiền gửi này do có thể có những phần đã đáo hạn trước thời điểm chốt sổ.

Theo cơ chế hiện hành, KBNN gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại qua đấu thầu. Tuy nhiên, cơ chế xét chọn và thang điểm lọc các thành viên tham gia đấu thầu thì trọng số lựa chọn chủ yếu là "Big 4" ngân hàng thương mại nhà nước.

Quy mô lượng tiền gửi trên tăng đột biến nửa đầu năm nay trở thành một nguồn đáng kể góp phần làm mát động cơ lãi suất trên thị trường, khi nhiều nhà băng đã lần lượt tăng lãi suất huy động. "Big 4" có thị phần lớn trong cơ cấu huy động và cho vay trong hệ thống (quanh 50%) nên tác động pha loãng lãi suất ở đây là đáng kể. Và điều này cũng góp phần giải thích vì sao "Big 4" vẫn sống khỏe mà gần như không tăng lãi suất huy động thời gian qua, hoặc chỉ nhích rất nhẹ.

Nguồn tiền gửi KBNN không mới. Không xa trước đây, có thời điểm nguồn tiền gửi này đọng tới khoảng 500 nghìn tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng, mà đại diện lãnh đạo Chính phủ khi đó phải đặt ra yêu cầu cân đối bớt tại diễn đàn Quốc hội…

Các mặt của vấn đề. Số dư tiền gửi đột biến trên một phần phản ánh ngân sách ứ đọng khi giải ngân đầu tư công thấp và còn tắc nghẽn; mặt khác cũng là một cách giải phóng năng lượng và Bộ Tài chính tạo nguồn thu cho ngân sách; và như trên cũng có tác động bình ổn lãi suất trên thị trường.

Còn về tổng thể, ứ đọng tiền trong nền kinh tế là có thực. Ngoài phần tiền gửi có kỳ hạn quy mô lớn của KBNN, nửa đầu năm nay còn ghi nhận lượng tiền gửi của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Vietcombank, BIDV và VietinBank cũng tăng rất mạnh - những địa chỉ có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống.

Cụ thể, tiền gửi có kỳ hạn của TCTD khác tại BIDV tại 30/6/2022 lên tới 163 nghìn tỷ đồng, trong khi cuối năm 2021 chỉ 59 nghìn tỷ đồng. Tương tự là sự gia tăng tại Vietcombank từ 104 nghìn tỷ đồng lên 159 nghìn tỷ đồng; tại VietinBank từ 33.670 tỷ đồng cuối 2021 lên tới 95.500 tỷ đồng cuối quý 2/2022.

"Đồng tiền không ngủ". Nguồn ngân quỹ nhà nước nhàn rỗi lớn, Bộ Tài chính (qua KBNN) vẫn tranh thủ sử dụng cho ngân sách trung ương vay, gửi có kỳ hạn như trên vào hệ thống ngân hàng thương mại để sinh lời, giúp giảm thiếu chi phí vốn của ngân sách.

Các TCTD dư thừa vốn thì gia tăng gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng lớn, nhất là khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng phần lớn thời gian nửa đầu năm nay rất thấp so với gửi có kỳ hạn như vậy. Và có phần liên quan, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã không còn "mùa vàng" như trước sau những biến cố để có thể dồn vào đầu tư thêm…

Những diễn biến trên đặt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay rất mạnh, hơn 9,3% và cao nhất trong chục năm qua. Nhưng nhìn xa hơn một chút, nguồn tiền rất lớn đã tích tụ từ trong những năm 2019-2020, giai đoạn NHNN mua ròng một lượng rất lớn ngoại tệ mà lượng VND cung ứng có thời điểm được tính toán lên tới quanh 500 nghìn tỷ đồng.

Nguồn tiền đó một thời gian dài đã gần như không trung hòa khi Nhà điều hành có "nhã ý" tạo điều kiện để giảm được lãi suất cho vay, hỗ trợ chi phí doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, khi COVID-19 xẩy ra từ đầu năm 2020, nguồn tiền lớn này đã gần như nới lỏng hoàn toàn và hạn chế việc trung hòa để tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế qua đại dịch.

Theo Minh Đức

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên