Dr Ernest Wong khởi nghiệp tại Việt Nam: Đại dịch Covid-19 làm thay đổi kế hoạch sống đến 105 tuổi của tôi
Trở thành triệu phú đôla tự thân khi còn rất trẻ nhưng Dr Ernest Wong vẫn gắn bó với sự nghiệp của một thầy giáo. Ông trực tiếp đứng lớp trong các trại hè của mình ở nhiều quốc gia. Thế nhưng, khi dịch Covid-19 xảy ra, một kế hoạch mới xuất hiện tại Việt Nam.
Hơn 10 năm trước, khi được một doanh nhân Việt Nam mời tới đất nước hình chữ S, Dr Ernest Wong từ chối. Thế nhưng, sự kiên trì cũng như một câu nói thú vị tương tự kiểu Steve Jobs mời John Sculley đến Apple của vị doanh nhân Việt Nam đã khiến chuyên gia giáo dục nổi tiếng thế giới người Singapore thay đổi ý định.
Năm 2020, sau 6 năm đến Việt Nam mở các trại hè đặc biệt dành cho thanh thiếu niên, Dr Ernest Wong gặp "cơ hội mới" với đại dịch Covid-19. Thay vì trở về Singapore, chuyên gia giáo dục này quyết định ở lại Việt Nam để khởi nghiệp với một dự án được coi là "giấc mơ của cuộc đời".
Với rất nhiều người, sau khi thành công thì họ chỉ còn làm công tác quản lý hay ông chủ. Tuy nhiên, ông vẫn tự mình đi nhiều nơi trên thế giới để trực tiếp giảng dạy. Điều gì đã thúc đẩy ông làm việc đó?
Tôi đã làm thầy giáo 36 năm, và khi mới giảng dạy được 25 năm nhiều người nói với tôi là khi bạn đã làm ¼ thế kỷ thì có thể là số phận đã gọi tên bạn như vậy. Tôi đang làm tốt những điều mình đang làm và làm nó với tất cả đam mê. Đó là lý do tôi tiếp tục làm việc như một thầy giáo.
Thực tế, tôi có thể làm được điều đó cũng bởi một lý do khác là không phải lo lắng về chuyện tiền bạc. Tôi có thể thoải làm việc mình thích đến khi rời thế giới này lúc 105 tuổi mà vẫn đủ tiền.
Nhưng câu hỏi là tôi có thể quay trở lại làm kinh doanh không thì câu trả lời là CÓ.
Được làm việc mình đam mê và không phải lo lắng về chuyện tiền bạc cho tới tận 105 tuổi, vì sao ông quyết định trở lại làm kinh doanh?
Vì tôi nhận thấy rằng, mình có thể là một thầy giáo giỏi và vẫn có thể khởi nghiệp kinh doanh. Khi đó bạn có thể đem giấc mơ của mình đến với nhiều bạn trẻ, nhiều người hơn nữa. Và sau đó bạn có thể giúp cho tổ chức kinh doanh của mình phát triển tiếp nhờ sự tiếp nối của những người khác. Đó là điều tôi muốn làm.
Vì sao ông lại chọn cột mốc 105 tuổi cho cuộc đời mình?
Khi còn trẻ, tôi muốn sống đến 105 tuổi và đó là một sai lầm. Gọi đó là một sai lầm bởi như vậy là khi hơn 50 tuổi, tôi vẫn nghĩ mình còn rất trẻ, mới đi được nửa đường thôi. Và khi mới đi được nửa đường thì tôi không đủ nỗ lực làm thật nhiều việc với mục tiêu có thể để lại điều gì đó sau này. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 đã làm tôi thức tỉnh.
Covid-19 đã thức tỉnh ông điều gì vậy?
Tôi đã thấy rất nhiều người đã chết vì bệnh dịch trong khi họ còn trẻ và có thể làm rất nhiều việc. Vậy tại sao mình không tiếp tục làm thật nhiều việc khi mình còn đang khỏe mạnh và đang sống?
Tôi vẫn muốn có một cuộc sống dài lâu nhưng đại dịch COvid-19 đã khiến tôi thấy rằng, phải làm ngay những điều mình mơ ước. Những ngày gần đây, tôi thực sự ngồi xuống và viết rất nhiều thứ, mọi suy nghĩ của mình… Tôi muốn viết ra những điều mà mình muốn để lại và cả những kế hoạch sắp thực hiện.
Bây giờ, ông muốn coi mình là một doanh nhân hay một thầy giáo?
Tôi không muốn nói mình chỉ là người nay hay người kia. Thực tế, đó là lý do trước đây tôi bán tất cả các trung tâm ngoại ngữ của mình và tôi học được nhiều điều từ việc này.
Vào thời điểm đó, tôi tự hỏi mình: "Tôi muốn được mọi người nhớ đến là một người thầy hay là một doanh nhân?". Lúc đó, tiếng nói sâu thẳm trong trái tim tôi là: một người thầy. Vì thế, tôi tập trung vào việc dạy học và bán hết các trung tâm ngoại ngữ. Nhưng sau này, tôi hiểu là mình vừa có thể là giáo viên, vừa có thể làm kinh doanh.
Bây giờ, tôi nói với các học sinh của mình là thế giới đã thay đổi rồi, trong một thế giới bình thường mới, các con có thể vừa là nhạc sĩ vừa là luật sư, vừa là kỹ sư vừa là nhiếp ảnh gia… Các con có thể làm kinh doanh và cả những thứ khác vì làm kinh doanh sẽ giúp con không phải lo lắng về cuộc sống, và sống với giấc mơ của mình.
Khi gặp Adam Khoo (một trong những triệu phú tự thân trẻ nhất Singapore) ở khóa học, ấn tượng của ông về cậu ấy là gì?
Rất nhiều học sinh xuất sắc về sau này lúc ban đầu không có biểu hiện gì như vậy cả. Họ rất bình thường chứ không phải kiểu bất ngờ trở thành ngôi sao sau trại hè. Nhưng đó cũng là lý do rất nhiều cha mẹ hỏi tôi câu này: "Sau khóa học, ông thấy thế nào về con của tôi?".
Tôi nói là: "Hãy để tôi có thêm thời gian bởi các con mới tiếp nhận các ý tưởng và cần thời gian để suy nghĩ về nó, rồi thay đổi".
Ví dụ như Adam Khoo, cậu ấy muốn trở thành một nhà diễn thuyết xuất chúng. Cậu ấy hỏi tôi làm thế nào để thành công và nói:" Ernest, thầy trở thành triệu phú ở tuổi 30, em có thể thành công sớm hơn như vậy hay không?". Tôi trả lời: "Tất nhiên là con làm được!".
Tuy nhiên, tôi cũng nhắc Adam Khoo rằng, tất cả mọi người thành công không phải chỉ nhờ riêng một mình họ. Anh ta nhất thiết phải có khát khao, nhưng phải có thêm nhiều người khác hỗ trợ.
Triệu phú tự thân có nghĩa là bạn làm được điều đó với rất nhiều nỗ lực nhưng tôi luôn nghĩ rằng đó là thành quả của một đội, của những người đã giúp đỡ bạn nữa. Không bao giờ bạn có thể thành công chỉ với một mình. Đó bao giờ cũng là thành quả của một đội và có thể bạn là người được hưởng nhiều thành quả nhất.
Có phải đứa trẻ nào tham dự các trại hè như Superteens và Smartkids Boothcamp đều có những thay đổi tích cực, rồi thành công sau nay hay không và ông thấy gì từ điều đó?
Nếu tôi nói "tất cả học sinh của tôi đều thành công" là nói dối. Nhiều học sinh đã tham dự trại hè Superteens, Smartkids Boothcamp nhưng không thành công sau này. Nhưng tôi muốn nói rằng phía sau thành công của một đứa trẻ bao giờ cũng cần có những nhân tố nền tảng quan trọng, mà yếu tố đầu tiên là gia đình. Đặc biệt là bố mẹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giáo dục đứa trẻ. Tất nhiên, việc này thực hiện càng sớm càng tốt.
Nếu bạn dạy con mình từ sớm và học các khóa học từ sớm, bạn sẽ có cơ hội tốt hơn khi huấn luyện con mình. Bố mẹ cần tuân theo một số quy định trong gia đình, và cần có kỷ luật với con mình về tinh thần trách nhiệm, sự chăm chỉ và quan trọng là một tư duy cởi mở trong học hỏi.
Khi những đứa trẻ đến với trại hè của chúng tôi thì thì vấn đề quan trọng là thay đổi nhận thức. Thời điểm nhận thức của các con thay đổi rồi thì các con sẽ quay trở về học tập những kỹ năng cơ bản...
Tất nhiên, nhiều đứa trẻ sẽ nói là: em không thích điều đó, em mệt, em không quan tâm… Thực ra thì hầu hết mọi người trong chúng ta đều như vậy. Khi nhìn vào những thứ mà con mình không giỏi, hãy coi đó là những thách thức cần vượt qua, và phải làm gì để thay đổi điều đó. Việc học kỹ năng đòi hỏi cần phải kiên trì, thực hiện từng bước nhỏ. Từng bước, từng bước, điều đó sẽ đem đến kết quả tốt.
Trong các trại hè của mình, ông thường kể câu chuyện buồn của mình với cha. Bài học mà ông muốn chia sẻ với các học trò của mình là gì?
Chúng ta thích nói là chúng ta "không có gì phải hối hận cả", nhưng tôi thì có rất nhiều điều phải hối hận. Thế nhưng, tôi không để những điều đó cản trở mình mà biến nó thành một động lực mạnh mẽ để hành động và giúp đỡ người khác.
Tôi đã không dành nhiều thời gian cho cha mình khi lớn lên nhưng điều gì đã xảy đến kế tiếp? Tôi chia sẻ điều đó với tất cả những đứa trẻ mà mình dạy để chúng yêu cha mẹ mình từ khi còn nhỏ, và có nhiều kỷ niệm đẹp với cha mẹ mình.
Khi làm việc với rất nhiều cha mẹ, tôi thấy rằng, nhiều người trong số họ không muốn con mình trở thành những siêu sao hay thiên tài nhưng cách biệt với gia đình. Họ đơn giản chỉ muốn con mình có một công việc tuyệt vời, và quan trọng hơn là có nhiều thời gian dành cho gia đình.
Trở thành một người thầy đã giúp thay đổi cuộc sống của nhiều bạn trẻ nhưng ai là người thay đổi cuộc đời của ông?
Giáo viên cấp 2 dạy hóa học thường hay la mắng khi tôi lười học. Khi tôi không thể qua được kỳ thi, cô ấy lại mắng tôi. Nhưng cô ấy nói một câu rất quan trọng: "Kỳ thi này em trượt, nhưng đó không phải là kết thúc vì còn kỳ thi cuối cùng nữa. Hãy học từ bây giờ và đến khi kỳ thi cuối đến, mọi thứ sẽ tốt hơn!". Sau đó, tôi rất nỗ lực trong học hành và được điểm A1 (điểm cao nhất).
Còn một giáo viên khác có ảnh hưởng rất quan trọng đến cuộc đời tôi - cô Hoàng Chí Hoa. Cô ấy là người dạy tôi làm tốt một kỹ năng rất quan trọng: phát âm tiếng Anh đúng. Chỉ có vậy thôi! Nhờ đó, tôi chăm chỉ học ngữ pháp, từ vựng… cùng nhiều kỹ năng khác. Sau này, tôi có thể dạy người khác tiếng Anh và phát triển sự nghiệp của mình.
Thực tế, đôi khi sự thay đổi lớn trong cuộc sống bắt đầu chỉ với một kỹ năng rất nhỏ. Vì thế, đừng bỏ qua những điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng giúp bạn thay đổi.
Ông đã giúp thay đổi rất nhiều bạn trẻ nhưng với con mình thì sao?
Con của tôi chính là những thí nghiệm cho phương pháp dạy tại các trại hè của tôi (cười). Nhưng tôi cũng phát hiện ra rằng, hầu hết đứa trẻ không coi cha mình là thầy giáo. Đó là lý do bạn nói với nó nhiều điều hay mà nó không nghe lời.
Khi con gái học tiếng Anh, tôi có chỉ ra một số điều đúng đắn thì con gái bảo là thầy dạy ở trường thế này mới đúng. Và sau đó, hai bố con tranh luận với nhau xem thế nào là đúng. Khi tôi bảo là bố mới đúng, con gái nói nói "bố không phải là thầy giáo của con". Tôi bảo tôi còn dạy cả cho các thầy giáo cơ, nhưng con gái lại nói rằng "Đúng rồi, nhưng bố là bố con chứ không phải thầy giáo của con".
Rất nhiều thứ tôi làm trong các trại hè vì tôi đã thử với các con của mình, một số cái hiệu quả, một số cái không… Đó là điều đã xảy ra.
Con gái thứ hai của tôi đã tốt nghiệp thạc sĩ luật và đang làm việc ở Malaysia, con gái lớn của tôi tốt nghiệp Học viện âm nhạc Berklee và đang làm việc tại Hollywood… Nhiều người nói "ồ bọn trẻ thành công quá", nhưng đó vẫn chỉ là con gái tôi và tôi vẫn là bố thôi (cười).
Tôi cũng xin chia sẻ một kinh nghiệm khác là cha mẹ nên học cách nói chuyện phiếm với con mình, về những chuyện không phải quan trọng như học tập, cách cư xử hay sự nghiệp. Chẳng hạn như tôi nói chuyện với con mình về cháy rừng ở Mỹ hay chạy bộ… Đó là cách mà bạn có thể gần gũi hơn với con mình.
Mối duyên của ông với Việt Nam bắt đầu như thế nào?
Thực ra là ban đầu tôi không muốn đến Việt Nam để tổ chức các trại hè như Superteens và Smartkids Boothcamp khi Chủ tịch HĐQT của Babylons SJC – ông Phạm Tuấn Sơn gửi lời mời.
Cách đây khoảng 10 năm, tôi đang rất ổn với các lịch trình giảng dạy của mình ở các nước và việc mở rộng tới Việt Nam sẽ là một thách thức lớn. Đến Việt Nam tôi sẽ bắt đầu lại nhiều thứ và là một đất nước mà tôi không có nhiều thông tin. Những điều đọng lại trong tôi trước đây là hình ảnh của Việt Nam trước năm 1975, với chiến tranh. Tôi không nghĩ là mình phù hợp.
Người sáng lập của Babylons SJC đã mất khoảng 3 năm, nói chuyện với tôi rất nhiều lần về việc đến Việt Nam. Cho đến một ngày anh ấy nói với tôi: "Ernest, tại sao anh lại không muốn làm việc với tương lai của Việt Nam?".
Tôi nói rằng, tôi chỉ làm việc với trẻ em thôi. Nhưng anh ấy trả lời: "Những đứa trẻ mà anh đào tạo ở Việt Nam chính là tương lai của đất nước này". Đó là một thông điệp rất mạnh mẽ và nó đã đánh thức động lực bên trong tôi và tôi đã đồng ý. Đến nay, tôi đã đến giảng dạy ở Việt Nam được 6 năm, chủ yếu là vào dịp hè.
Khi đến Việt Nam, điều gì đã khiến ông thay đổi?
Khi tới TPHCM và kết thúc buổi nói chuyện đầu tiên, tôi đề nghị được đi thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Ở đó, tôi được nghe, thấy rất nhiều câu chuyện về đất nước này: đất nước của những con người biết học cách tồn tại trong chiến tranh, học cách chấp nhận những mất mát, học cách rũ bỏ quá khứ đau thương, vươn lên để phát triển và đón nhận tương lai tươi sáng…
Tôi đã đi thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở TP.HCM 3 lần và cả 3 lần đều khóc vì được nghe những câu chuyện ở đó. Những câu chuyện đó giúp tôi tái khẳng định một điều cần phải làm việc những trẻ em ở đây. Trẻ em cần học để yêu đất nước mình, để trở nên mạnh mẽ và với những đứa trẻ mạnh mẽ, quốc gia sẽ trở nên mạnh mẽ và phát triển. Điều đó vô cùng quan trọng. Đó cũng là lý do tôi tiếp tục đến và làm việc tại Việt Nam trong nhiều năm.
Năm nay, ông ở lại Việt Nam từ mùa hè tới tận mùa thu, sang mùa đông… Covid-19 đã khiến ông mắc kẹt tại Việt Nam hay có lý do nào khác?
Tôi không bị kẹt ở đây, mà chọn ở lại Việt Nam. Tôi có thể trở về vì Chính phủ Singapore có tổ chức các chuyến bay cho công dân của mình quay về nước nhưng tôi muốn ở đây. Đây là thời gian tôi có thể nghĩ nhiều, viết và đọc rất nhiều.
Ở Việt Nam, mỗi ngày tôi chỉ ngủ 5 tiếng. Đây là thời gian giúp tôi hình thành nên các ý tưởng về ngôi trường mà tôi muốn xây dựng tại Việt Nam. Đó là một thứ mới mẻ, là thứ mà một mình tôi thì không thể làm được, là thứ bị thiếu trong những trại hè Superteens và Smartkids hay khi nói chuyện với bố mẹ của các học sinh của mình.
Như vậy là ông quyết định khởi nghiệp một lần nữa tại Việt Nam?
Đúng vậy. Nếu muốn tạo sự khác biệt, bạn cần có một triết lý giáo dục mới mẻ. Cũng giống như trước đây tôi làm những điều tương tự với Superteens Boothcamp vậy. Nó phải là một điều thú vị và có thể đem ra thế giới.