Dragon Capital: “Hệ thống giao dịch tắc nghẽn là trở ngại lớn với thị trường lúc này”
Dragon Capital dự báo thị trường sẽ đi ngang tích lũy tại vùng 1.150 điểm, định giá thị trường vẫn duy trì ở mức hấp dẫn.
Trong báo cáo mới được công bố, Dragon Capital cho biết trong tháng 2, chỉ số VN-Index đã hồi phục mạnh mẽ và tăng gần 11%, đóng cửa tại 1.168 điểm nhờ nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa ra các quyết sách kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.
Bên cạnh đó, đà tăng trưởng EPS Q4/2020 (+15% yoy) mạnh mẽ của doanh nghiệp niêm yết cũng là một yếu tố hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang gặp khó tại ngưỡng kháng cự lịch sử 1.200 điểm. Hệ thống giao dịch tiếp tục tắc nghẽn là trở ngại lớn của thị trường hiện tại. Dragon Capital dự báo thị trường sẽ đi ngang tích lũy tại vùng 1.150 điểm, định giá thị trường vẫn duy trì ở mức hấp dẫn.
Cũng theo Dragon Capital, một trong những yếu tố gây áp lực lên thị trường thời gian qua đó là đà bán ròng của khối ngoại. Giá trị bán ròng đã thu hẹp tuy nhiên vẫn chưa chuyển sang trạng thái mua ròng. Trong tháng 2, khối ngoại bán ròng hơn 1.400 tỷ, giảm nhẹ so với mức gần 1.540 tỷ của tháng 1. Điểm tích cực là nhà đầu tư trong nước tiếp tục duy trì đà mua ròng. Nếu lực bán của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm và lực mua của nhà đầu tư trong nước được duy trì, thị trường nhiều khả năng sẽ giao dịch tích cực trở lại.
Dragon Capital cho rằng sự sụt giảm của thị trường toàn cầu khi lo ngại về lạm phát gia tăng không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường Việt Nam, tuy nhiên nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, thị trường Việt Nam khó có thể đi ngược xu hướng chung. Tốc độ triển khai vắc-xin chậm hơn dự kiến do việc phân phối của nhà cung cấp gặp một số khó khăn nhất định. Cùng với đó, hệ thống giao dịch hàng ngày của HOSE tiếp tục bị tắc nghẽn, các cơ quan chức năng đang tìm cách khắc phục vấn đề trước khi hệ thống mới được triển khai (sớm nhất là vào quý 4/2021).
Dù vậy, tín hiệu lạc quan đó là Việt Nam bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế và dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng trưởng mạnh và mức định giá thị trường hấp dẫn.
Với top 60 doanh nghiệp trong danh sách theo dõi, Dragon Capital dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 ở mức 32,4%, tương đương định giá P/E Forward 10,8 lần.
Về kinh tế vĩ mô, trong 2 tháng đầu năm tiếp tục là những con số tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 24,5% so với cùng kỳ và thặng dư thương mại đạt 1,3 tỷ USD, đây là tín hiệu thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu hàng hóa toàn cầu. Mặc dù, đại dịch Covid-19 lây lan dẫn đến việc giãn cách tại một số địa phương trên cả nước nhưng tổng doanh số bán lẻ 2 tháng đầu năm tăng 5,5%. Cùng với đó, lạm phát trong cùng kỳ giảm 0,14%.
Dragon Capital cho rằng một trong những yếu tố trọng yếu để đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra đó là nhanh chóng tiêm chủng trên diện rộng. Theo các chuyên gia dịch tễ học, nhiều khả năng Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm chủng toàn dân vào giữa năm 2022. Việt Nam đã đàm phán nhập khẩu 30 triệu liều vắc-xin từ Astra-Zeneca trong nửa đầu năm 2021 và 1,3 triệu liều sẽ dành riêng cho đội ngũ y tế tiền tuyến trong trường hợp khẩn cấp. Và các cơ quan chức năng đang đặt vấn đề với Pfizer, Moderna, Sinovac và Sputnik V về việc mua 90 triệu liều. Vì vậy, với 150 triệu liều vắc-xin trong kế hoạch nhập khẩu, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng vào việc hoàn thành triển khai tiêm chủng vắc-xin toàn quốc vào giữa năm 2022.
Với những khó khăn về mặt sản xuất và phân phối mà các nhà cung cấp đang gặp phải, các nhà cung cấp sẽ ưu tiên các quốc gia Châu Âu và Mỹ trước. Tuy nhiên với việc đã ký hợp đồng và đặt cọc với AstraZeneca, công ty đề xuất sẽ giao theo từng lô 1 đến 2 triệu liều một lần. Và mới đây, gần 120 ngàn liều vắc-xin đã được nhập về và triển khai tiêm chủng từ đầu tháng 3.
Chính phủ đã yêu cầu các công ty công nghệ sinh học trong nước nhanh chóng phát triển vắcxin. Nanogen đã thành công thử nghiệm giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2 và kỳ vọng chuyển sang giai đoạn 3 vào tháng 5. Theo Dragon Capital, nếu nỗ lực phát triển vắc-xin thành công, Việt Nam sẽ chứng tỏ được khả năng vượt qua những thách thức từ bên ngoài và duy trì đà tăng trưởng kinh tế.