Dragon Capital: Rủi ro từ việc FED tăng lãi suất tới Việt Nam không quá lớn, cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ dẫn dắt thị trường trong năm 2022
Dragon Capital dự báo thị trường sẽ tích cực trong năm 2022. Tăng trưởng EPS dự phóng đạt 23% và định giá PE duy trì ở mức hấp dẫn 11,7 lần. Tăng trưởng sẽ được dẫn dắt bởi Ngân hàng, Bất động sản và bán lẻ với mức tăng EPS trung bình đạt 30%. Đây là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ việc mở cửa kinh tế.
Dragon Capital vừa công bố báo cáo cập nhật diễn biến thị trường chứng khoán với nhiều điểm đáng chú ý.
Theo Dragon Capital, tâm điểm thị trường trong tháng 1 là sự đảo chiều sụt giảm mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã tăng nóng. Trái ngược với xu hướng đi ngang của VNI, chỉ số cổ phiếu vốn hóa nhỏ giảm gần 15% và chỉ số cổ phiếu vốn hóa trung bình giảm 9,3% khi những cổ phiếu tăng nóng giảm hơn 50% so với mức đỉnh. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lại giữ giá tốt trong giai đoạn này. Ngân hàng, ngành có vốn hóa lớn nhất, tăng 5,1% khi một số cổ phiếu tăng 15 - 30%.
Lợi nhuận quý 4 của các doanh nghiệp tăng trưởng tích cực. Tăng trưởng của 226 công ty Dragon Capital theo dõi đạt 20,6% so với cùng kỳ và 17,7% so với quý trước. Trong đó, ngành tăng trưởng mạnh nhất là bán lẻ với mức tăng bằng lần so với quý 3 (giãn cách xã hội). Cả năm 2021, EPS tăng 42%, dẫn dắt bởi nhóm Ngân hàng và Nguyên vật liệu. Các Ngân hàng được hưởng lợi khi gia tăng NIM trong bối cảnh lãi suất thấp, đạt mức tăng 38% so với năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận nhóm Nguyên vật liệu tăng gần gấp 3 lần nhờ giá hàng hóa thế giới tăng mạnh, đặc biệt là ngành thép.
Rủi ro từ FED tăng lãi suất tới Việt Nam không quá lớn, tăng trưởng EPS năm 2022 có thể đạt 23%
Dragon Capital dự báo thị trường sẽ tích cực trong năm 2022. Tăng trưởng EPS dự phóng đạt 23% và định giá PE duy trì ở mức hấp dẫn 11,7 lần. Tăng trưởng sẽ được dẫn dắt bởi Ngân hàng, Bất động sản và bán lẻ với mức tăng EPS trung bình đạt 30%. Đây là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ việc mở cửa kinh tế.
Dragon Capital kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sẽ chậm lại. Do đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ quay trở lại vai trò dẫn dắt thị trường.
Nhìn từ bức tranh tổng thể, Dragon Capital đánh giá rủi ro của Việt Nam chủ yếu đến từ bên ngoài, cụ thể là hành động của FED. Tuy nhiên, nếu thị trường toàn cầu diễn biến tiêu cực, tác động đến Việt Nam có thể sẽ không nặng nề. Vấn đề sẽ là xu hướng rút ròng của khối ngoại, điều này có thể ảnh hưởng trái chiều đến thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể đạt mức tăng trưởng tốt hơn so với thế giới khi tác động của việc khối ngoại rút ròng là tương đối hạn chế trong 2 năm vừa qua và nội tại khỏe mạnh của cả nền kinh tế và thị trường.
Cũng theo Dragon Capital, thị trường thị trường tài chính toàn cầu đang phản ánh khả năng FED có thể tăng lãi suất ít nhất 5 lần trong năm nay do số liệu cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi và lạm phát có thể kéo dài hơn dự kiến. Điều này sẽ tạo áp lực lên lợi suất trái phiếu toàn cầu, đặc biệt là thị trường các nước mới nổi. Cùng với áp lực phải gia tăng vay để tài trợ cho chương trình kích thích phục hồi kinh tế, lợi suất trái phiếu chính phủ Việt kỳ hạn 10 năm có thể tăng từ 2,1% lên 2,6%.
Đối với tỷ giá, với chính sách tài khóa/ tiền tệ hợp lý cùng với nợ nước ngoài thấp và thặng dư cán cân thương mại, Việt Nam Đồng được cho là ít bị ảnh hưởng hơn. Trong tháng 1, với lượng kiều hối tăng mạnh dịp tết, VND thậm chí còn tăng giá 0,6% từ 22.800 về 22.550 VND/USD.
Chính phủ đã thống nhất đưa ra Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5%-7%/ năm. Dragon Capital đánh giá với mức tăng khiêm tốn chỉ 2,6% trong năm 2021 thì có thể năm 2022 là một năm bùng nổ của kinh tế Việt Nam có thể lên tới 7,3%-9,6%, tùy thuộc vào tính hiệu quả khi thực thi gói kích thích kinh tế.
Dragon Capital cũng nhấn mạnh nội tại của Việt Nam đang ngày càng tốt lên và cần phải duy trì sự ổn định và có chính sách phù hợp để hạn chế rủi ro, biến động từ bên ngoài.