DST: Lợi nhuận tăng, chuyển hướng sản xuất
CTCP Đầu Tư Sao Thăng Long (DST: HNX) 04 tháng đầu năm đạt 51% kế hoạch lợi nhuận, bước chuyển mình mới trong hoạt động kinh doanh.
Sau khi đạt gần 19,4 tỷ đồng lợi nhuận trong Quý I/2018, DST tiếp tục công bố lợi nhuận sau thuế tháng 4 hơn 4,1 tỷ đồng. Tính lũy kế đến hết tháng 4/2018, DST đã lãi ròng hơn 23,5 tỷ đồng, hoàn thành 51% kế hoạch đề ra cho cả năm. Con số này có thể nói là rất tích cực so với khoản lỗ hơn 11 tỷ của năm 2017.
Kết quả trên phần lớn xuất phát từ sự dịch chuyển ngành nghề của DST. Trong đó, mảng kinh doanh vật liệu xây dựng, thương mại và vận chuyển than cung cấp cho nhà máy nhiệt điện và phân đạm được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, khiến doanh nghiệp có bước chuyển mình đầy thuyết phục.
Ban lãnh đạo mới, hướng đi mới
Các dự án bất động sản cho thuê văn phòng trong trung tâm thành phố Nam Định và Hà Nội đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng nên chưa khai thác được doanh thu từ mảng này. Vì vậy, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp không có sự tăng trưởng tương ứng với tốc độ tăng về tài sản của doanh nghiệp.
Dưới sự điều hành của ban lãnh đạo mới, nhiều hướng đi của doanh nghiệp được mở ra. Trong đó, mảng thương mại sản xuất được đặc biệt chú trọng, đem lại làn gió mới trong chu trình phát triển của Sao Thăng Long.
Doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, thương mại và vận chuyển than. Trong đó, cũng theo kế hoạch thì trong Quý III/2018, Sao Thăng Long sẽ chú trọng hoạt động thương mại khai thác than thông qua việc liên doanh một số đối tác nước ngoài để nhập khẩu than cung cấp cho nhà máy nhiệt điện và phân đạm. Ngoài ra ban lãnh đạo cũng tham vọng xây dựng thương hiệu thời trang trẻ mang tầm “Zara” Việt Nam với định hướng liên doanh liên kết với một số đối tác Hàn Quốc.
Điều này được kì vọng sẽ gia tăng sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài bởi sự đa dạng trong ngành nghề của doanh nghiệp, và giúp doanh nghiệp tiến tới mô hình tập đoàn đầu tư đa ngành nghề hiệu quả hơn.
Nhận diện cơ hội ngành Thời trang trong nước
Ngành Dệt may ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh. Mặc dù vậy, thị trường vẫn tồn tại nhiều thách thức và còn nhiều khoảng trống cần lấp đầy. Xu hướng sử dụng hàng Việt Nam có xu thế tăng cao, nhưng thị trường bán lẻ trong nước còn phân tán và chịu ảnh hưởng nhiều từ hàng nhập khẩu. Do đó, tiềm năng thị trường nội địa rất lớn, nhưng chưa được chú trọng, và hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn đang chiếm ưu thế tại những phân khúc bình dân.
Mặt khác, giá trị gia tăng trong ngành còn thấp, do các doanh nghiệp trong nước (quy mô vừa và nhỏ) chủ yếu sản suất dưới hình thức CMT và FOB. Việc sản xuất nguyên phụ liệu vẫn chưa bắt kịp được với tốc độ phát triển của ngành.
Trong khi đó, Việt Nam có nhiều ưu điểm tự nhiên để phát triển và tăng tỉ lệ nội địa hóa như: nguồn nhân công giá rẻ, vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế vĩ mô ổn định. Nắm bắt được điều này, Sao Thăng Long đang tiếp cận thị trường trong nước bằng cách tạo ra chuỗi thời trang khép kín có tỉ lệ nội địa hóa cao cùng với phong cách thiết kế thời thượng thông qua việc hợp tác thiết kế với các đối tác Hàn quốc.
Nguồn nguyên liệu được lựa chọn kỹ lưỡng đảm bảo tính thời trang nhưng dễ chịu thoải mái cho người tiêu dùng. Nhà xưởng may mặc được chú trọng đầu tư để chủ động khâu sản xuất và chất lượng may mặc sẽ giúp doanh nghiệp có được giá thành thấp và giá bán cạnh tranh trên thị trường thời trang cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Việc phát triển nguồn nguyên liệu bài bản, và chuỗi cung ứng toàn diện sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trong cả đầu vào lẫn đầu ra của sản phẩm.
Tập trung vào thị trường ngách
Với nòng cốt là thương hiệu Demoda và Clothesrack, Sao Thăng Long đang cố gắng tìm được chỗ đứng trong bản đồ ngành thời trang trong nước và vươn tầm ra Châu Á. Theo đó, Demoda sẽ hướng đến trải nghiệm mua sắm thời trang mỳ ăn liền, phục vụ thị trường trẻ và năng động tại Việt Nam như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Clothesrack sẽ tập trung vào các thiết kế thời trang công sở, lứa tuổi từ 25 đến 40. Những dòng thời trang của hai thương hiệu này được thị trường đón nhận tích cực thời gian qua gồm có: Botanita, Summerland, Parco Giocochi, Just Go, Fuji và Holy Chic của Demoda; Her Time, Feeling, Yesterday’s Ladies, Night&Day và Red Lips của Clothesrack.
Ở thời điểm hiện tại, Demoda và Clothesrack đang sở hữu hệ thống chuỗi cửa hàng và showroom tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong năm tới, Sao Thăng Long sẽ tiếp tục triển khai showroom quy mô lớn tại chính khu bất động sản mà doanh nghiệp quản lý tại Hà Nội và Nam Định. Trong 5 năm tới Sao Thăng Long sẽ gia tăng vốn đầu tư vào hai thương hiệu mở rộng quy mô nâng tầm thương hiệu lên thành “Zara” của Việt Nam.