Dự án 2.700 tỷ của tỉnh miền Trung: 60km sông Trường Giang sẽ được xây dựng 6 cây cầu kết nối, trên 1.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng
Nguồn vốn đầu tư dự án từ vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) hơn 1,8 nghìn tỷ đồng và vốn đối ứng khoảng 884 tỷ đồng.
- 05-10-2024Siêu cảng 55.000 tỷ đồng của Việt Nam sẽ sở hữu cầu vượt biển dài gần 18km, gấp 3 lần cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á
- 05-10-2024Tập đoàn Đèo Cả đưa ra kiến nghị cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD
- 04-10-2024Hãng cảng biển lớn nhất thế giới đang xem xét mở rộng đầu tư, Việt Nam lập tức đề xuất một siêu cảng
Sáng 5/10, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan nghe báo cáo tình hình triển khai dự án “Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam”. Thời gian thực hiện dự án theo chủ trương đầu tư được duyệt là từ năm 2022 đến 2027.
Đây là dự án nhóm A, địa điểm triển khai thuộc địa bàn các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP. Tam Kỳ. Mục tiêu tổng thể của dự án là tăng cường khả năng tiếp cận đến các dịch vụ cơ sở hạ tầng thích ứng và nâng cao năng lực lập kế hoạch và quản lý phát triển thích ứng với rủ ro thiên tai tại các địa bàn thực hiện.
Tại dự án này, sông Trường Giang từ ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa) có tổng chiều dài khoảng 60km sẽ được nạo vét luồng rộng 30m, sâu 2,3m, nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả đối với tàu có trọng tải đến 100 tấn lưu thông 2 làn.
Bên cạnh đó, trên sông Trường Giang sẽ được xây dựng có 6 cây cầu mới, gồm: cầu Bình Dương, Hưng Mỹ, Bình Nam, Tỉnh Thủy, Tam Thanh, Tam Tiến và 1 cầu dân sinh hoàn trả, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2,7 nghìn tỷ đồng, chiếm phần lớn là chi phí xây dựng hơn 1,6 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư dự án từ vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) hơn 1,8 nghìn tỷ đồng và vốn đối ứng khoảng 884 tỷ đồng.
Dự án khi triển khai sẽ ảnh hưởng đến trên 1.000 hộ gia đình do thu hồi đất, trong đó 796 hộ sẽ bị ảnh hưởng trên 20% tổng diện tích đất canh tác, phải di dời 272 hộ dân. Bên cạnh đó, có khoảng 7.122 hộ dọc sông Trường Giang bị ảnh hưởng sinh kế, cần có sự hỗ trợ phục hồi.
Hiện nay chủ đầu tư là Ban quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, các địa phương vùng dự án đề xuất phối hợp để sớm triển khai chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuẩn bị hồ sơ thiết kế bản vẽ để có thể khởi công dự án này vào khoảng tháng 9/2025.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng đây là dự án động lực, tạo điều kiện phát triển vùng Đông. Do đó, Ban quản lý dự án và các địa phương sớm tiến hành một số công việc như: Khảo sát bàn giao mốc để địa phương kiểm đếm, quản lý tốt hiện trạng và lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, khẩn trương tiến hành các phương án tái định cư, ưu tiên tái định cư tại chỗ. Xây dựng đề án chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, sớm triển khai công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp sau khi hiệp định được ký kết. Triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo phát triển đô thị đồng bộ trong tương lai, đảm bảo mỹ thuật, môi trường sinh thái tổng thể để phát triển bền vững.
Nhịp sống thị trường