Dự án bất động sản dở dang đổi chủ, dân bơ vơ
Những tưởng sang tên đổi chủ, dự án sẽ được triển khai tiếp. Nhưng nhiều dự án vẫn giậm chân tại chỗ khiến người mua nhà như ngồi trên đống lửa và gây bức xúc trong vấn đề giải quyết với khách hàng cũ.
- 16-01-2018Hé lộ dự án bất động sản thu hút khu vực Mỹ Đình
- 05-01-2018“Vùng thành phố Hồ Chí Minh” đang bứt phá với nhiều dự án bất động sản chất lượng tốt
- 27-12-201715.000 tỷ đồng đổ vào hàng loạt dự án bất động sản lớn tại Vân Đồn
Làn sóng thay chủ đầu tư
Sở Xây dựng Hà Nội vừa cho công khai danh sách các dự án bất động sản được phép chuyển nhượng và yêu cầu các bên giải quyết các vấn đề tồn đọng với khách hàng trước khi chuyển nhượng. Theo đó, UBND TP Hà Nội đã cho phép Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và du lịch - NEWTATCO chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại Newtatco tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm cho Công ty TNHH Bất động sản Tây Hồ View. Dự án có tên thương mại là Kosmo Tây Hồ có tổng diện tích đất 10.895m2, gồm 3 khối tháp 21-35 tầng với tổng số 648 căn hộ. Dự án có tổng mức đầu tư 1.354 tỷ đồng, trong đó vốn tự có 301 tỷ đồng và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác khoảng 1.052 tỷ đồng. Dự án đang được triển khai đầu tư và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 3/2019.
Trước đó, UBND TP Hà Nội cho phép Công ty Cổ phần TID chuyển nhượng một phần dự án Dolphin Plaza tại số 28 phố Trần Bình, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho Công ty Cổ phần Dolphin 2 Việt Nam. Dự án Dolphin Plaza có tổng diện tích đất 11.636 m2, trong đó giai đoạn 1 là 9.874m2 và giai đoạn 2 là 1.762m2. Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư 711 tỷ đồng và đã hoàn thiện. Phần chuyển nhượng thuộc giai đoạn 2 của dự án là toà tháp cao 25 tầng và 2 tầng hầm, có tổng mức đầu tư 235 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành vào quý 4/2019.
Cũng từ cuối năm 2017, Hà Nội cũng chấp thuận hai thương vụ chuyển nhượng khác là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Lâm Viên chuyển nhượng toà nhà AZ Lâm Viên với tổng vốn đầu tư 690 tỷ đồng trên đường Nguyễn Phong Sắc cho Công ty CP Bất động sản AZ. Công ty CP Sông Đà Thăng Long chuyển nhượng toà nhà CT2-105 với tổng vốn đầu tư 1.510 tỷ đồng cho Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô. Cả hai dự án này đều đang xây dựng dở dang thì chủ đầu tư hết vốn và nằm bất động trong nhiều năm liền.
Một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các dự án được chuyển nhượng được đăng tải công khai trên web của Sở Xây dựng. Tất cả những dự án trên trong văn bản của UBND TP.Hà Nội đều khuyến cáo chủ đầu tư phải giải quyết những vướng mắc với khách hàng. Tuy nhiên, nhiều dự án dù triển khai tiếp hay dừng triển khai đều gặp phải những khó khăn khi đàm phán với khách hàng cũ. “Dù có đầy đủ chế tài xử phạt chủ đầu tư chậm tiến độ với khách hàng nhưng chủ đầu tư mới cũng không có vốn triển khai dự án hay đền bù thiệt hại cho khách hàng thì cơ quan chức năng cũng khó can thiệp được”, vị này nói.
Người mua nhà chịu thiệt
Sau khi chuyển nhượng tòa nhà CT2-105 thuộc dự án Usilk City (khu đô thị Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội), Hải Phát Thủ Đô đã đổi tên dự án thành Dự án chung cư Landmark Tower Lê Văn Lương, nhưng những lùm xùm, kiện tụng xoay quanh dự án này vẫn chưa hề chấm dứt... Sau khi đổi chủ, tòa nhà sắp hoàn thành nhưng những bức xúc và khổ sở của hàng trăm khách hàng đã “trót” mua nhà của dự án này dường như chưa bao giờ lắng xuống... Khách hàng của dự án này chia sẻ, họ không những mệt mỏi vì chờ đợi hàng chục năm không được nhận nhà trong khi đã đóng một khoản tiền lớn mà còn rất đau đầu về việc chủ đầu tư vô trách nhiệm, “đem con bỏ chợ” khi đã chuyển nhượng dự án mà không hề tổ chức bất kỳ buổi họp đàm phán, xin ý kiến khách hàng nào. Theo phản ánh của 400 khách hàng đã mua nhà tại tòa nhà CT2-105, thì tính đến thời điểm hiện tại, dự án này mới chỉ hoàn thiện được xong phần thô và chưa có khách hàng nào được nhận nhà.
Trên thực tế, trong bản hợp đồng mua bán căn hộ được chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long ký với khách hàng thì thời gian bàn giao căn hộ là không chậm quá 30/6/2014. Đến nay, mặc dù nhà thì chậm tiến độ bàn giao như vậy nhưng phía chủ đầu tư mới là Hải Phát Thủ Đô chưa thống nhất khoản đền bù với khách hàng. Cả hai đều không chấp nhận mức lãi của nhau khiến sự việc kéo dài dai dẳng.
Đáng buồn hơn, tại dự án AZ Lâm Viên (Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy) khởi công xây dựng từ năm 2009, sau khi xây dựng đến tầng 4 thì bất ngờ dừng lại và nằm bất động suốt 4 năm. Sau khi đổi chủ, tiến độ dự án kéo dài từ quý IV/2013 – quý II/2018. Tuy nhiên, đến nay, người mua nhà đành ngậm đắng vì dự án vẫn chỉ dừng lại ở khâu xây thô. Nhiều khách hàng quá thất vọng vì dự án chậm tiến độ đến cả thập kỷ nên đành ngậm ngùi chấp nhận.
Được biết, AZ Land là công ty thuộc sở hữu của ông Bùi Viết Sơn. Đây là công ty từng một thời đình đám trong giới bất động sản Hà Nội nhờ sở hữu hàng loạt dự án vào loại hàng “hot” trên thị trường như: AZ Vân Canh CT1, AZ vân Canh CT2, AZ Lâm Viên, AZ Sky Định Công, AZ Kim Giang, Bright City… Tuy nhiên, đi kèm theo đó cũng là không ít tai tiếng như việc bị khách hàng tố dự án AZ Vân Canh CT1 chậm tiến độ, có dấu hiệu chiếm dụng vốn của khách hàng. Dự án thứ hai đưa tên tuổi của AZ Land trở nên nổi tiếng là AZ Vân Canh CT2, tuy nhiên điều đáng nói là tuy chưa được chuyển giao từ HUD nhưng công ty này vẫn công khai huy động vốn từ khách hàng. Tương tự, dự án AZ Sky Định Công cũng bị khách tố huy động vốn khi dự án chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Cụ thể, hợp đồng huy động vốn được ký kết từ năm 2009, nhưng đến tận tháng 10/2010, UBND TP Hà Nội mới có công văn cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Còn dự án BrightCity cũng khiến nhiều khách hàng phải đau đầu khi chủ đầu tư huy động vốn, nhưng không chịu thực hiện dự án.
TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, quy định cũng không thể có tác dụng bởi mức xử phạt quá thấp. “Với chủ đầu tư một dự án năm bảy trăm tỷ, thậm chí cả nghìn tỷ đồng thì việc xử phạt hành chính 40, 50 triệu đồng theo quy định chẳng nghĩa lý gì. Mức xử phạt này là quá nhẹ, nó cũng giống như việc các chủ đầu tư vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, mức xử phạt hành chính cũng chỉ vài chục triệu đồng thì không thể đủ nghiêm để răn đe, chính vì thế mà nhiều chủ đầu tư vẫn vi phạm dù phải nộp phạt. “Cần có chế tài mạnh, đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước khi cấp phép cũng phải xem xét năng lực chủ đầu tư thì mới hạn chế được những chủ đầu tư định làm ăn theo kiểu tay không bắt giặc”, ông Liêm nói.
Tiền phong