Dự án bất động sản nguy cơ bị xiết nợ, dân lo
Nhiều dự án bất động sản tại TPHCM bị ngân hàng công khai xiết nợ chủ đầu tư khiến người mua nhà hoang mang. Tình cảnh này lan rộng ra Hà Nội khi một số dự án có tên trong danh sách thế chấp ngân hàng nhưng tiến độ vẫn ì ạch.
Ngồi trên đống lửa vì chậm tiến độ
Sau khi có thông tin về những dự án chung cư trong TPHCM bị xiết nợ khiến cư dân lo lắng bị đuổi ra khỏi nhà, mới đây khách hàng mua nhà tại hàng loạt chung cư Hà Nội tỏ ra lo ngại trước cảnh tương tự. Đơn cử là những dự án đã được Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội công khai thông tin thế chấp trên mạng.
Chị T.H, một khách hàng mua căn hộ Bright City (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, năm 2016 chị ký hợp đồng mua căn hộ với chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Bánh Kẹo Thăng Long và được cam kết sẽ giao nhà vào cuối năm 2017. Khách hàng mua nhà tại đây cũng được BIDV- Chi nhánh Tây Hà Nội tài trợ cho vay vốn theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, dự án nhiều lần bị chậm tiến độ, chủ đầu tư chỉ thi công cầm chừng.
Đến ngày 20/12/2016, chủ đầu tư quyết định ra thông báo dừng thi công tòa A3, lý do được đưa ra là thiếu vốn và yêu cầu các hộ mua nhà tại tòa A3 chuyển sang A11 và A2 để đảm bảo nguồn lực cho tiến độ của dự án.
Với mong muốn được nhận nhà sớm, chị H đồng ý với phương án trên và được chuyển từ căn hộ tầng 20 tòa A3 sang căn hộ thuộc tòa A11. Vào thời điểm này, tòa nhà A3 đã dừng hẳn thi công ở tầng thứ 17, 3 tòa còn lại gồm A11, A12, A2 mới hoàn thiện xong phần khung chưa có tường bao và tường ngăn. Chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào cuối năm 2017. Thế nhưng, cam kết này có nguy cơ đổ vỡ bởi đến giữa tháng 9/2017, công trình vẫn đang ngổn ngang. Tòa A12, A2 mới được xây tường bao từ tầng 21 đến tầng 35, chưa xây tường ngăn và trát. Tòa A11 đang triển khai xây tường bao từ tầng 16 đến tầng 21. Ước tính, dự án chỉ mới đạt khoảng 60% khối lượng xây dựng.
“Nếu tiến độ thi công tại dự án không được cải thiện và tiến hành đồng bộ thì hạn bàn giao nhà theo hợp đồng vào tháng 12/2017 là không khả thi và có thể kéo dài thêm 3-5 năm hoặc lâu hơn. Trong khi chúng tôi đã thanh toán 70% trị giá căn hộ và phải vay ngân hàng với lãi suất thương mại do gói 30.000 tỷ đồng đã kết thúc. Do đó, nếu không được giải quyết, hàng trăm người mua nhà tại dự án sẽ rất khó khăn”, chị H. nói.
Ngoài ra, chị H. cùng nhiều khách hàng mua nhà như đang ngồi trên đống lửa khi biết chính dự án mình mua nằm trong danh sách 34 dự án được thế chấp ở ngân hàng. Chị H. băn khoăn: “Chúng tôi rất sợ với tiến độ này chủ đầu tư không có khả năng trả nợ sẽ bị ngân hàng xiết. Lúc đó, ai sẽ bảo vệ quyền lợi của những khách hàng như chúng tôi”.
Khách hàng mua nhà tại dự án Bright City (Hoài Đức, Hà Nội) lo ngại không nhận được nhà khi dự án chậm tiến độ và đang thế chấp ngân hàng. Ảnh: N.M.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện chủ đầu tư dự án này cho biết, đang tập trung hoàn thiện 1 tòa nhà để bàn giao cho khách hàng theo đúng hợp đồng. Ngoài ra, việc dự án thế chấp bằng chính một phần tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (trừ những căn hộ đã bán) nên khách hàng không cần lo lắng.
Cũng trong cảnh tương tự, người mua nhà dự án CT2-105 Usilk City (Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội) do Cty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư tiếp tục đứng ngồi không yên vì 10 năm không nhận được nhà. Một khách hàng mua nhà tại đây chia sẻ: “Chỉ với việc ngâm tiền của người mua nhà hàng chục năm không có đồng lãi nào chúng tôi cũng đã phát hoảng. Dự án bỗng nhiên bị chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới do bị siết nợ khiến người mua hoang mang. Chúng tôi không biết bao giờ mới được nhận nhà và chủ đầu tư giải quyết quyền lợi cho khách hàng chúng tôi thế nào”.
Đến ngày 30/3/2017, Ngân hàng Quân đội đã có phương án xử lý đối với dự án CT2-105 Usilk City. Phương án chuyển nhượng, giải chấp dự án Usilk City cho Công ty Cổ phần Hải Phát Phú Đô được phê duyệt. Giá trị giải chấp tối thiểu là 80 tỷ đồng. Sau thực hiện thu hồi, công ty được Ngân hàng Quân đội áp dụng quy định thu nợ đặc biệt đối với phần dư nợ gốc còn lại của Usilk City CT2-105 là 160 tỷ đồng, miễn giảm toàn bộ phần nợ lãi tương ứng với gốc vay với giá trị tương ứng 202 tỷ đồng.
Ngừng công bố danh sách dự án thế chấp
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều ngày 24/10, một lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho biết, năm 2016, sở đăng công khai danh sách các dự án chủ đầu tư thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, sau đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh bị ảnh hưởng bởi danh sách đó nên Sở TN&MT Hà Nội tạm ngừng công khai danh sách tiếp theo.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, thời gian qua, một số doanh nghiệp bất động sản đã đem sổ đỏ của dự án đi thế chấp vay tiền lần thứ nhất và thế chấp những căn hộ đã bán cho khách hàng để vay tiền lần thứ hai. Trong khi đó, pháp luật chỉ cho phép dự án thế chấp một lần. Đây là hình thức làm ăn không đàng hoàng, lừa dối khách hàng, ảnh hưởng xấu đến thị trường. Hình thức thế chấp dự án này sẽ gây rủi ro rất lớn cho khách hàng, vì nếu dự án không thực hiện được, khách hàng sẽ mất trắng.
“Hiện nay, mặt hạn chế là khách hàng có nhu cầu thực lại rơi vào nguy cơ gặp rủi ro, có thể nhận sản phẩm không đúng tiến độ, không đúng chất lượng và cam kết của chủ đầu tư. Nhà đầu cơ thứ cấp có thể mượn vốn ngân hàng để kinh doanh. Chất lượng dịch vụ, công trình cũng chưa kiểm soát. Cơ quan quản lý nhà nước nên cập nhật thường xuyên hơn dự án thế chấp để người mua nhà cân nhắc và tránh gặp rủi ro”, ông Châu nói.
Ông Châu cho biết thêm, nhiều lần Hiệp hội BĐS TPHCM kiến nghị phải có sự giám sát 5 bên. Trong đó, tiền của khách hàng, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát đều gửi tại một ngân hàng và chính ngân hàng này giám sát sự quản lý dòng tiền đó. Như vậy, người mua nhà sẽ biết tiền của mình đóng cho chủ đầu tư đang được xây dựng đến đâu.
Liên quan việc dự án bị siết nợ, ông Châu cho rằng, việc bảo vệ quyền lợi khách hàng tại dự án phải được tiến hành nhanh chóng, tránh bỏ khách hàng bơ vơ như hiện nay. Trong nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội có điều khoản thể hiện các bên phải bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư thứ cấp tại các dự án bị thu hồi xử lý nợ. Việc thu hồi để xử lý nợ, nên càng phải chặt chẽ trong khâu này.
Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ cho biết, nếu trước đây việc mua bán diễn ra bất hợp pháp (ví dụ như chủ đầu tư bán chui hoặc khách hàng mua phải căn hộ bất hợp pháp) mà bị xiết nợ thì khách hàng có nguy cơ mất trắng. Nhưng nếu khách hàng đã thực hiện nghĩa vụ tài chính 100% cho chủ đầu tư thì sẽ có quyền sở hữu đối với căn hộ theo quy định của Luật Nhà ở. Đã có quyền sở hữu thì không ai có quyền xâm phạm tài sản của người mua.
Tiền phong