Dự án cao tốc 25.058 tỷ đồng nối 2 TP du lịch, phá thế độc đạo đường đèo dài bậc nhất Việt Nam có gì mới?
Dự án cao tốc hơn 25.000 tỷ đồng này đã nhận được góp ý từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- 24-12-2024“Vượt nắng, thắng mưa, làm xuyên lễ” cao tốc 6 tỷ USD, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” siêu dự án 67 tỷ USD, Việt Nam quyết tăng trưởng GDP trên 10%
- 23-12-2024Thủ tướng: Lào Cai cần tăng trưởng trên 10%, tập trung triển khai các dự án hạ tầng chiến lược
- 23-12-2024Thủ tướng yêu cầu trình Quốc hội dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng trong tháng 2
Làm rõ quy mô đầu tư cao tốc Nha Trang - Liên Khương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã góp ý về kế hoạch đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương. Bộ này cho biết tổng mức đầu tư được đề xuất của dự án lên đến khoảng 25.058 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 18.889 tỷ đồng, đối với tuyến đường dài 80,8 km và quy mô 4 làn xe theo quy hoạch, tức là mức đầu tư trung bình khoảng 233,775 tỷ đồng/km.
Theo Quyết định số 816/QĐ-BXD ngày 22/8/2024 của Bộ Xây dựng, chi phí đầu tư dự kiến cho 1 km đường cao tốc, bao gồm cả cầu và việc xử lý nền đất yếu, là khoảng 187,246 tỷ đồng/km; và nếu không tính đến việc xây cầu và xử lý nền đất yếu thì chi phí sẽ là 144,633 tỷ đồng/km.
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cùng các địa phương liên quan tiến hành rà soát và xác định lại tổng mức đầu tư của dự án cho phù hợp, đảm bảo tính hợp lý và chính xác.
Trước đó, trong văn bản đề xuất hồi tháng 10 năm 2024, UBND hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đã phân tích tính cần thiết của dự án này dựa trên tình hình hiện tại của mạng lưới giao thông, nhu cầu vận tải, sự phát triển của du lịch và kinh tế-xã hội cũng như các yếu tố liên quan đến an ninh và quốc phòng.
Dựa theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn xa đến năm 2050, tuyến cao tốc CT.25 Nha Trang - Liên Khương dự kiến có chiều dài 85 km, bắt đầu từ đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và kết thúc tại cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, với quy mô 4 làn xe, và dự án này được lên kế hoạch đầu tư sau năm 2030.
Tuy nhiên, hai tỉnh này đã đề xuất một phương án khác với tổng chiều dài tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương là 99 km, được chia thành hai đoạn: đoạn Nha Trang - Đà Lạt dài 80,8 km và đoạn Đà Lạt - Liên Khương dài 18,2 km.
Các tỉnh này đề xuất thực hiện đầu tư giai đoạn một từ Nha Trang đến Đà Lạt trước bằng mô hình đối tác công tư (PPP) với loại hợp đồng BOT, bao gồm sự tham gia của vốn nhà nước, phù hợp với Luật PPP và các chủ trương nhằm khuyến khích sự đầu tư từ xã hội vào cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ.
Ý nghĩa của việc xây dựng cao tốc Nha Trang - Liên Khương
Hiện tại, Quốc lộ 27C là con đường duy nhất kết nối 2 thành phố du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam là Nha Trang của tỉnh Khánh Hòa và Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Con đường này qua đèo Khánh Lê dài 33km, là một trong những đèo dài nhất tại Việt Nam và có địa hình uốn lượn, gây khó khăn cho việc vận chuyển của các phương tiện cỡ lớn. Quốc lộ 27C thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở trong mùa mưa bão và các tai nạn giao thông đáng tiếc.
Ngay như cách đây vài ngày, tuyến đường nối Nha Trang với Đà Lạt hư hỏng nặng, phải phong toả do mưa lớn kéo dài dẫn tới sạt lở nghiêm trọng. Hơn 50.000 m3 đất, đá trên đèo Khánh Lê tràn xuống lòng đường. Nhiều khối đá nặng hàng trăm tấn chắn ngang lòng đường, đơn vị thi công phải cho nổ mìn di dời.
Quốc lộ này được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp IV-III, chỉ có khả năng chịu tải tối đa tương đương khoảng 4.200 xe con 5 chỗ mỗi ngày đêm. Do đó, theo dự báo, vào năm 2030, khi lưu lượng giao thông tăng cao gấp đôi, quốc lộ này trở nên quá tải.
Với sự gia tăng trong nhu cầu vận tải hàng hóa bằng các phương tiện có trọng tải lớn từ Tây Nguyên đi các cảng biển của Nam Trung Bộ cũng như nhu cầu kết nối giữa hai trung tâm du lịch quan trọng là Đà Lạt và Nha Trang bằng con đường chất lượng và an toàn, việc xây dựng một tuyến đường bộ cao tốc từ Nha Trang đến Đà Lạt trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Liên Khương sẽ giảm thiểu thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ khoảng 3,5 - 4 giờ xuống còn 1,5 - 2 giờ, tạo động lực lớn để thu hút du khách tham gia các chuyến du lịch kết hợp.
Du khách có thể dễ dàng tiếp cận các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Nha Trang, Cam Ranh, và các địa điểm sinh thái, văn hóa tại Tây Nguyên. Điều này không chỉ gia tăng lượng khách du lịch mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch phát triển.
Con đường cao tốc này sẽ là trục ngang kết nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ và các trục giao thông khác, tăng cường hiệu quả kết nối giữa các trung tâm kinh tế, cảng biển và đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải.
Việc xây dựng và vận hành tuyến cao tốc tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương. Ngoài ra, các ngành liên quan như dịch vụ, du lịch, và thương mại cũng được hưởng lợi, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân.
Đời sống & pháp luật