Dự án cao tốc Bắc - Nam vốn đầu tư 118 nghìn tỷ: Còn nhiều băn khoăn cần làm rõ
Tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó dự kiến lấy từ ngân sách 55.000 tỷ. Sơ bộ tổng kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 14.155 tỷ đồng; tổng diện tích chiếm dụng khoảng 3.736 ha; tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 8.200 hộ...
- 03-11-2017Đề xuất dự án cao tốc Bắc - Nam 6 tỷ USD: Khởi công năm 2019, hoàn thành sau 3 năm
- 03-11-2017Hút hàng chục nghìn tỷ xây dựng cao tốc Bắc - Nam bằng cách nào?
- 02-11-2017118,7 nghìn tỉ đồng xây cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 sẽ được chi vào đâu?
Cuối buổi sáng ngày 3/11, Chính phủ đã trình lên Quốc hội Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Đồng thời, Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng đã có báo cáo thẩm tra về dự án này.
Theo tờ trình của Chính phủ, đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước và đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tuyến đường bộ cao tốc trên hành lang Bắc - Nam từ Lạng Sơn (cửa khẩu Hữu Nghị) đến thành phố Cà Mau đang được từng bước triển khai đầu tư, đã hoàn thành đưa vào khai thác 223 km, đang thực hiện đầu tư 297 km, đã xác định được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và hoàn thiện thủ tục đầu tư 67 km, còn lại 1.372 km trên đoạn Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, 150 km đoạn Cần Thơ - thành phố Cà Mau và 7 km cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu cần phải đầu tư.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 4 - 6 làn xe, riêng khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn có quy mô 8 làn xe. Chính phủ dự kiến giai đoạn 2017 - 2020 sẽ đầu tư khoảng 654 km, chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án thành phần đầu tư tư theo hình thức BOT.
Nguồn vốn thực hiện dự án là từ nguồn vốn Nhà nước và nguồn vốn do nhà đầu tư huy động. Trong đó vốn từ ngân sách là 55.000 tỷ đồng.
Tổng diện tích chiếm dụng khoảng 3.736 ha. Tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 8.200 hộ, số hộ dự kiến tái định cư khoảng 2.020 hộ. Sơ bộ tổng kinh phí giải phóng mặt bằng gồm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 14.155 tỷ đồng; tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng (xác định theo mặt bằng giá quý 2/2017).
Có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (hợp đồng BOT).
Dự án dự kiến khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành năm 2021.
Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đánh giá là có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước...
Còn nhiều băn khoăn về quy mô, hình thức, phương án đầu tư
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế cho thấy dự án đã đáp ứng các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia. Hồ sơ Dự án cũng đã được chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm danh mục tài liệu theo quy định tại Điều 20 của Luật Đầu tư công về dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Về quy mô đầu tư, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ theo phương án đầu tư giai đoạn phân kỳ có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 17 - 25 m, riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường là 12 m, nhưng yêu cầu phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí an toàn, hiện đại, đồng bộ vào quá trình vận hành và quản lý Dự án, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải trong ít nhất 20 năm tới, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế thì phương án này có tính khả thi hơn.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Dự án cần thực hiện theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 24,75 m và 6 làn xe với bề rộng nền đường là 32,25 m theo mô hình đường cao tốc hoàn chỉnh có làn dừng xe khẩn cấp.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần phải GPMB theo quy mô từ 8 đến 10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai. Một số ý kiến đề nghị cần quan tâm đến việc xây dựng các nút giao, đường gom bảo đảm thông tuyến, an toàn; các công trình phòng hộ và hạng mục an toàn đồng bộ, chất lượng. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ các vấn đề này.
Về phương án đầu tư, Chính phủ phân chia Dự án thành các dự án thành phần, triển khai vận hành độc lập trên cơ sở bảo đảm yêu cầu về tính đồng bộ và khả năng kết nối. Việc thực hiện Dự án có quy mô rất lớn theo một hình thức đầu tư, trong điều kiện vốn đầu tư công còn hạn chế là không khả thi. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần thuyết minh chi tiết hơn về căn cứ phân chia các dự án thành phần, khi có dự án chiều dài 115 km, nhưng có dự án chỉ 15 km hoặc 29 km sẽ khó bảo đảm sự đồng bộ về tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác; mặt khác, các dự án thành phần yêu cầu phải bảo đảm tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật của Dự án, nhất là nguyên tắc xác định giá sử dụng dịch vụ và phương án đặt trạm thu giá sử dụng dịch vụ.
Về hình thức đầu tư, theo Tờ trình của Chính phủ, có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT). Tuy nhiên, Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hình thức đầu tư này còn nhiều hạn chế, bất cập. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT.
Đối với 3 dự án thành phần còn lại, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành áp dụng hình thức hoàn toàn bằng vốn nhà nước sau đó tổ chức thu giá sử dụng dịch vụ đối với các dự án này. Tuy nhiên, để làm rõ hơn lý do không đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với các đoạn này, đề nghị Chính phủ so sánh hai hình thức đầu tư này nếu được áp dụng vào các dự án đó.
Ngoài ra, đối với 2 dự án đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2, đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án kết hợp thu giá sử dụng dịch vụ với các dự án theo hình thức hợp đồng BOT lân cận để tránh việc phát sinh thêm bộ máy quản lý vận hành và bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của Dự án. Riêng đối với dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn theo quy hoạch trùng với đường Hồ Chí Minh và song song với tuyến Quốc lộ 1 hiện đang được thu giá sử dụng dịch vụ theo hình thức hợp đồng BOT, đề nghị cần cân nhắc đưa ra phương án thu giá sử dụng dịch vụ phù hợp để tạo được sự đồng thuận cao.
Cần công khai, minh bạch khi phân bổ nguồn vốn
Nguồn vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng cho Dự án khoảng 40.845 tỷ đồng, trong đó dự kiến bố trí cho các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT khoảng 27.694 tỷ đồng. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên tắc phân bổ vốn đối với các dự án thành phần để bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Về phương án huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cho Dự án, dự kiến khoảng 63.716 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Tờ trình của Chính phủ việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài trong điều kiện hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế cung cấp các bảo lãnh và việc huy động vốn vay vẫn chủ yếu từ các tổ chức tín dụng trong nước, điều này có thể tiềm ẩn rủi ro nên cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ nội dung trên; đồng thời nghiên cứu các giải pháp, cơ chế chia sẻ rủi ro để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhằm giảm áp lực đầu tư công, hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại đầu tư, huy động nguồn lực đột phá để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng cần phải công khai, minh bạch trong việc phân bổ nguồn vốn
Giá bồi thường phải đúng quy định và đáp ứng nguyện vọng của người dân
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đưa ra số liệu sơ bộ về chiếm dụng đất khoảng 3.689 ha, số hộ bị ảnh hưởng khi triển khai công tác GPMB khoảng 7.700 hộ; dự kiến số hộ phải tái định cư khoảng 1.900 hộ; phương án GPMB theo quy mô quy hoạch được phê duyệt các đoạn đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020.
Ủy ban Kinh tế đề nghị trong bước tiếp theo cần rà soát, xác định chi tiết khối lượng GPMB, xây dựng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định của Luật Đất đai, trong đó lưu ý đơn giá bồi thường khu vực giáp ranh giữa các địa phương để bảo đảm phương án tái định cư phù hợp với quy định và nguyện vọng của người dân, tránh lãng phí, khiếu kiện.
Phải đánh giá cụ thể tính khả thi của từng dự án thành phần trước khi phê duyệt
- Về hiệu quả kinh tế - xã hội, theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến sơ bộ hiệu quả của Dự án cho thấy các chỉ tiêu kinh tế của từng dự án thành phần bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh những lợi ích có thể định lượng, Dự án còn mang lại nhiều lợi ích không thể định lượng như giảm thiểu tai nạn giao thông, hạn chế khí thải, tiếng ồn… Tuy nhiên, đây chỉ là dự báo được xác định trên cơ sở các số liệu sơ bộ ở bước nghiên cứu tiền khả thi. Trong thực tế, hiệu quả và lợi ích của Dự án trong quá trình thực hiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tiến độ thi công, tiết giảm các chi phí khai thác, khả năng vận hành; chất lượng các đoạn đường, đặc biệt là khả năng thu hút các nhà đầu tư trong từng thời kỳ...
Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục cập nhật, đánh giá cụ thể tính khả thi của từng dự án thành phần trước khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Hai phương án về giá dịch vụ để lựa chọn
Đối với kiến nghị “chấp thuận khung giá dịch vụ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu”, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng ý với mục đích của kiến nghị và cho rằng đây là cơ sở quan trọng cho việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch cho Dự án.
Tuy nhiên, theo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách giá dịch vụ theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất 3 phương án để giải quyết vấn đề còn bất cập, nhưng việc đánh giá tác động của các phương án chưa đầy đủ, cụ thể là chưa định lượng được tác động của cả 3 phương án và phân tích tác động của từng phương án đối với các đối tượng Nhà nước, doanh nghiệp, người dân nhằm có cơ sở so sánh để lựa chọn phương án (3) là phù hợp. Một số ý kiến khác cho rằng việc xác định ngay mức giá từng thời kỳ trong thời gian 24 năm là quá dài và chưa phù hợp, do đó sẽ hạn chế quyền điều tiết về giá của Nhà nước để bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, đặc biệt là khi có biến động lớn về chỉ số giá.
Có ý kiến đề nghị giá dịch vụ cần được điều chỉnh hàng năm theo chỉ số giá trung bình được nghiên cứu trên cơ sở chỉ số giá đã công bố trong khoảng thời gian đủ dài để bảo đảm mức độ tin cậy. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ các ý kiến nêu trên, đồng thời đề xuất hai phương án xin ý kiến đại biểu Quốc hội:
Phương án 1: Chấp thuận về nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu phù hợp với khả năng chi trả của người dân và khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư (đa phần các thành viên trong Ủy ban kinh tế tán thành phương án này).
Phương án 2: Xác định giá theo thị trường trên cơ sở chỉ số giá xây dựng trong từng thời kỳ.
Nếu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không thành công, cần làm rõ nguyên nhân
Ngoài ra, đối với kiến nghị của Chính phủ rằng, “Trong trường hợp một số đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không thành công, kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng 55.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội để thực hiện giải phóng mặt bằng theo kế hoạch (khoảng 13.606 tỷ đồng/713 km), giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng phần vốn còn lại để tiếp tục đầu tư một số đoạn có nhu cầu cấp bách và điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án (nếu cần thiết)”, có ý kiến đề nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách và bảo đảm tính công khai, minh bạch cho Dự án, trên cơ sở các nguyên tắc và mục tiêu của Dự án đã được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc phân bổ vốn cho Dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do vậy, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và điều chỉnh tiến độ Dự án sau khi có phân tích cụ thể hơn về nguyên nhân, lý do của việc đấu thầu không thành công. Do vậy Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần giải trình làm rõ nội dung trên.
Trí Thức Trẻ
- Infographic: Những quyết định quan trọng nào đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV?
- Trung ương cắt 10.000 tỉ đồng cho các dự án chống ngập TP HCM
- Bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV
- Quốc hội yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại
- Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Bộ Quốc phòng sẽ giữ lại 100% vốn nhà nước tại 17 doanh nghiệp