MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án cầu hơn 2.000 tỷ, chiều dài 13km, kết nối 2 tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương quyết tâm vượt tiến độ 1 năm

Dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương có chiều dài toàn tuyến khoảng 13,4km, có tổng mức đầu tư là hơn 2.182 tỷ đồng.

Dự án cầu hơn 2.000 tỷ, chiều dài 13km, kết nối 2 tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương quyết tâm vượt tiến độ 1 năm- Ảnh 1.

Phối cảnh cầu Kênh Vàng (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh)

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, mới đây, ông Vương Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng dự án cầu Kênh Vàng (Lương Tài). Cùng đi có ông Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương thuộc địa phận huyện Lương Tài, Gia Bình (Bắc Ninh), Nam Sách (Hải Dương). Dự án có chiều dài tuyến khoảng 13,4km, do Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh, Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Dự án xây dựng gồm cầu Kênh Vàng dài 740m, rộng 23,5m được thiết kế quy mô vĩnh cửu, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực; phần đường dẫn hai đầu cầu có chiều dài 12,6 km, mặt đường rộng 15m. Tổng kinh phí của dự án là hơn 2.182 tỷ đồng.

Công tác xây lắp được chia thành 2 gói thầu: Gói thầu số 14, xây dựng cầu Kênh Vàng và đoạn tuyến từ điểm đầu dự án km0+00 đến km6+625,44; gói thầu số 15, xây dựng đoạn tuyến từ km6+625,44 đến km13+396,23 thuộc địa phận huyện Nam Sách (Hải Dương).

Dự án này được kỳ vọng sẽ kết nối 2 thành phố trực thuộc Trung ương tương lai. Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh, mục tiêu đến năm 2030, Bắc Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết cấu chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội.

Theo Quy hoạch Hệ thống đô thị đến năm 2030, đến năm 2030, Hải Dương dự kiến trở thành đô thị loại I, đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương. Đến năm 2050, địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự án cầu hơn 2.000 tỷ, chiều dài 13km, kết nối 2 tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương quyết tâm vượt tiến độ 1 năm- Ảnh 2.

Nhà thầu đang thi công khoan cọc nhồi phía huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh)

Đến thời điểm hiện tại, các nhà thầu đang tiến hành 6 mũi thi công đối với gói thầu số 14, xử lý đất yếu và đắp nền, đào khuôn, tạo mặt bằng trên toàn bộ chiều dài tuyến; dự kiến thi công xong lớp cấp phối đá dăm loại I trước Tết âm lịch đối với một số đoạn tuyến có mặt bằng.

Về phần cầu, đang triển khai dây chuyền khoan cọc nhồi bên phía cầu dẫn và cầu chính Bắc Ninh. Đối với phần cầu dẫn phía huyện Nam Sách, chủ đầu tư, nhà thầu làm việc với địa phương để sớm bàn giao mặt bằng, dự kiến khởi công ngày 15/1/2025. Giá trị giải ngân toàn dự án đạt 100% vốn phân bổ năm 2024.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay phần mặt bằng phía Bắc Ninh đã thực hiện lập và phê duyệt phương án bồi thường, chi trả kinh phí bồi thường được khoảng 96% diện tích.

Phần mặt bằng phía Hải Dương, đã bàn giao tuyến và mặt bằng cọc GPMB cho UBND huyện Nam Sách để thực hiện GPMB; UBND huyện Nam Sách đang tổ chức lập hồ sơ trích đo và lên phương án thực hiện GPMB trên địa bàn huyện, phấn đấu hoàn trả mặt bằng liền mạch và tổ chức khởi công gói thầu số 15, thuộc địa phận huyện Nam Sách trong quý I/2025.

Dự án cầu hơn 2.000 tỷ, chiều dài 13km, kết nối 2 tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương quyết tâm vượt tiến độ 1 năm- Ảnh 3.

Thi công khoan cọc nhồi phía huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh)

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, dự án cầu Kênh Vàng là công trình giao thông liên kết vùng, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là phải tập trung cao nhất, quyết liệt, đồng bộ nhất, đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật của công trình, quyết tâm hợp long kỹ thuật cầu trong tháng 9/2025 và hoàn thành toàn bộ dự án xong trước ngày 31/12/2026, vượt tiến độ 1 năm so với kế hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi huy động nhân lực, vật lực, máy móc trang thiết bị, bố trí tăng ca, tăng kíp khẩn trương thi công phần đường dẫn và thân cầu.

Tổ chức giao ban, kiểm đếm tiến độ thi công hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng; bố trí thêm 1 mũi thi công cọc thuộc địa phận huyện Nam Sách để đảm bảo tiến độ. Riêng phần đất ở của 14 hộ và 1 ngôi mộ nằm trong dự án chưa giải phóng mặt bằng, Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND huyện Lương Tài và huyện Gia Bình tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ tự giác di chuyển, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu xong trước ngày 22/1/2025.

Đối với những khó khăn, vướng mắc, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở  Giao thông vận tải chủ động phối hợp với với các đơn vị, địa phương liên quan tập trung giải quyết dứt điểm, báo cáo kịp thời UBND tỉnh những nội dung vượt thẩm quyền, tuyệt đối không để yếu tố chủ quan làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Trước mắt, phối hợp với UBND huyện Nam Sách hoàn thành giải phóng mặt bằng phần đường dẫn cầu của tỉnh Hải Dương để khởi công vào ngày 15/1/2025.

Hà Giang

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên