Dự án cầu Rạch Miễu 2 thi công chậm, các bên đổ lỗi cho nhau
Sau thời gian tăng tốc, hiện nay, dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 tại địa bàn tỉnh Tiền Giang thi công kiểu dậm chân tại chỗ do gặp một số khó khăn, bất cập nhất là mặt bằng. Nhà đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương đều có những lý lẽ của mình.
- 26-10-2023Từ tháng 12/2023, hàng loạt thay đổi mới về BHYT sẽ có hiệu lực, người dân cần biết
- 26-10-2023Đề nghị 6 dự án giao thông được áp dụng cơ chế đặc thù về mỏ vật liệu
- 26-10-2023Công viên phần mềm gần 1.000 tỷ ở Đà Nẵng xây xong... bỏ đó
Gần đây, các gói thầu xây lắp của dự án cầu Rạch Miễu 2 địa bàn tỉnh Tiền Giang thi công rất chậm, thậm chí tại gói thầu XL-01 địa bàn huyện Châu Thành và thành phố Mỹ Tho phải tạm ngưng thi công do thiếu mặt bằng. Ông Huỳnh Quang Cường, cán bộ của Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1) Chỉ huy trưởng công trình gói XL -01 cho biết, hiện nay trên công trường công nhân rất ít do không có việc làm, nhà thầu đang đợi mặt bằng.
“ Gói XL 01 mặt bằng cũng vậy, lình xình vậy thôi. Nhà thầu lúc nào cũng có mặt ở đây để thi công, Ban điều hành, chỉ huy đều có mặt ở đây. Hiện nay, tiền mà chủ đầu tư chuyển về Kho Bạc tỉnh Tiền Giang để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng tiếp theo chỉ giải ngân theo từng đợt. Hiện nay, tỉnh nói đủ tiền thì giải tỏa 100% thì không đúng vì hiện tại tại xã Phước Thạnh tới thời điểm này còn vướng 19 hộ dân dù tiền có đủ, nhưng giải tỏa có xong đâu”, ông Huỳnh Quang Cường nói.
Tại cồn Thới Sơn, nhiều vị trí thi công của gói thầu XL-03, XL-04 vẫn thi công khá trầm lặng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do phía các ngành chức năng địa phương hạn chế đường vận chuyển bê tông đến vị trí thi công trên công trường; phần điện Trung hạ thế vẫn chưa được giải quyết gây vướng công tác khoan nhồi vị trí mố M39 của cầu chính; một số hộ dân chưa di dời gây ảnh hưởng đến công tác cắm bấc thấm gia tải xử lý nền. Ngoài ra, nguồn vật liệu cát đang khan hiếm...
Ông Nguyễn Cao Cường, Chỉ huy trưởng công trình của gói thầu XL 03 thuộc Công ty xây lắp 368 chia sẻ: “ Khó khăn nhất là phần mặt bằng thi công, vướng nhiều nhất là ở các vị trí đường đầu cầu, phạm vi bên xã Bình Đức vẫn chưa có mặt bằng. Vật liệu cát cung cấp cho phần đầu cầu rất phức tạp, đường ngay cồn Thới Sơn thiếu hơn 10.000 m3 cát. Việc cung cấp bê tông cho khu vực cồn Thới Sơn nhà thầu phải vận chuyển bằng đường sông kết hợp đường bộ, chi phí sẽ tăng”.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT), vấn đề mặt bằng phía tỉnh Tiền Giang vẫn là trở ngại lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án. Đến thời điểm này, phía tỉnh Bến Tre bàn giao được 9.35km mặt bằng đạt 96%; trong khi đó phía Tiền Giang mới bàn giao được 3,95 km mặt bằng chỉ đạt 49%; phạm vi bàn giao mặt bằng không liên tục, xôi đỗ gây khó khăn cho công tác tổ chức thi công. Bộ GTVT đã trực tiếp làm việc với địa phương và có nhiều văn bản đôn đốc, đề nghị hỗ trợ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho dự án. Tuy nhiên, tình hình triển khai công tác GPMB đến nay còn chậm. Do đó, tính chung tiến độ thực hiện của 6 gói thầu xây lắp đến nay mới đạt gần 32%, chậm so với kế hoạch.
Phía Ban quản lý dự án Mỹ Thuận tiếp tục kiến nghị UBND Tỉnh Tiền Giang, UBND Tỉnh Bến Tre xem xét chỉ đạo các cơ quan ban, ngành tiếp tục vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng hoặc cho phép đơn vị thi công được tổ chức thi công tại các phạm vi đất không vướng hạ tầng kiến trúc của người dân và sớm di dời hạ tầng công cộng đặc biệt là đường điện cao thế để đơn vị thi công triển khai thi công được đồng bộ, liên tục; đồng thời sớm cấp phép các mỏ cát để đơn vị thi công có nguồn cát đảm bảo thi công.
Theo Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Tiền Giang, hiện nay có 51% hộ dân trong khu vực giải tỏa của dự án đã nhận tiền bồi thường; còn lại 453 hộ chưa nhận tiền, chiếm gần 49%, với số tiền dự toán là hơn 934 tỷ đồng. Phía Tiền Giang mới có 49,7% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã bàn giao mặt bằng.
Ông Nguyễn Trí Đông, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - MT tỉnh Tiền Giang cho rằng, dự án xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 cần số tiền bổ sung là hơn 866 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Tiền Giang vẫn chưa nhận đủ số tiền này nên chưa thể thực hiện các thủ tục phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án. Tỉnh Tiền Giang khi nào nhận đủ số tiền bổ sung mới tiến hành công tác này và bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.
Thiết nghĩ, giữa nhà đầu tư, đơn vị thi công và các ngành chức năng địa phương nhất là tỉnh Tiền Giang cần có tiếng nói chung, cộng đồng trách nhiệm, khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để dự án cầu Rạch Miễu 2 đạt tiến độ đề ra, sớm hoàn thành để "chia lửa" cho cầu Rạch Miễu hiện hữu đang quá tải.
VOV