Dự án cho vay ngang hàng trên nền tảng blockchain còn chưa triển khai, HVA đã dự tính mức lợi nhuận cao không tưởng
Theo kế hoạch HVA sẽ thu về 1.134 tỷ đồng lợi nhuận sau 6 năm đưa dự án vào triển khai, với biên lợi nhuận trên doanh thu trong năm cuối cùng lên tới 82%. Tuy nhiên, những yếu tố cấu thành nên kế hoạch tham vọng này, thực tế lại không dễ thực hiện.
CTCP Nông nghiệp xanh Hưng Việt - một doanh nghiệp niêm yết trên HNX với mã chứng khoán HVA - vừa hoàn tất đổi tên thành CTCP Đầu tư HVA và thay đổi ngành nghề kinh doanh từ nông nghiệp sang đầu tư và tư vấn tài chính. Bước đi này nhắm tới việc triển khai hoạt động theo mô hình ngân hàng đầu tư, đồng thời HVA cũng công bố thành lập cổng thông tin khởi nghiệp và gọi vốn cộng đồng FundGo.
Bước đi đầu tiên sau khi tham gia vào lĩnh vực tài chính là kế hoạch huy động 1.000 tỷ đồng cho dự án "cho vay ngang hàng trên nền tảng blockchain" (P2P Lending). Con số này gấp 12 tổng tài sản và 83 lần vốn chủ sở hữu của HVA tính tới cuối quý III/2017.
Tuy nhiên, căn cứ để đưa ra kế hoạch huy động vốn tham vọng này không phải từ nội tại của công ty này, mà đến từ kế hoạch tài chính mà dự án P2P Lending mang lại.
Theo đó, sau khi hoàn tất ICO (Initial Coin Offering) vào năm 2019, HVA sẽ triển khai dự án P2P Lending theo 2 hướng và cũng là 2 nguồn lợi nhuận chính. Một mặt công ty sẽ là chủ thể tham gia trên thị trường cho vay với nguồn vốn dự kiến là 200 tỷ đồng (nguồn vốn từ đợt ICO), mặt khác HVA sẽ đóng vai trò trung gian kết nối giữa người cho vay – đi vay và thu phí cho quá trình này.
Dự kiến dự án này sẽ lỗ sau 2 năm đầu tiên, nhưng sẽ đạt mức độ tăng trưởng phi mã trong 4 năm tiếp theo. Tổng 6 năm, dự án P2P Lending theo kế hoạch sẽ đem về cho HVA 1937 tỷ đồng doanh thu và 1.134 tỷ đồng lợi nhuận. Biên lợi nhuận trên doanh thu trung bình trong 6 năm đạt 59%, trong đó riêng năm cuối năm con số này lên tới 82% - tỷ suất sinh lời một con số mà hiếm có dịch vụ tài chính nào đạt được.
Kế hoạch kinh doanh này được xây dựng trên 3 giả định: Quy mô giao dịch tăng 100% mỗi năm trong 6 năm, lãi suất cho nghiệp vụ cho vay đạt 15% trở lên và chi phí chỉ tăng 10% mỗi năm. Tuy nhiên, bản thân những giả định này bộc lộ nhiều điểm không chắc chắn.
Đầu tiên về doanh thu phí giao dịch – một trong 2 nguồn thu chính của dự án. HVA dự kiến thu phí 5% với quy mô giao dịch trên thị trường sơ cấp – nơi kết nối giữa người đi vay và người cho vay, sau đó tiếp tục thu phí 1% trên thị trường thứ cấp – nơi khoản vay được mua bán lại.
Theo kế hoạch đưa ra, công ty dự kiến 50% quy mô thị trường cho vay sơ cấp sẽ được mua bán lại trên sàn thứ cấp, đồng nghĩa với kỳ vọng 50% khoản vay do HVA kết nối sẽ được thu phí 2 lần.
Do đặc điểm của thị trường với nhu cầu lớn từ phía đi vay nhưng người cho vay hạn chế, những đơn vị cho vay ngang hàng hiện chỉ tính phí giao dịch với người đi vay. Tima – đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ cho vay ngang hàng (P2P) đầu tiên tại Việt Nam, hiện không thu phí với người tham gia trên sàn và người cho vay.
Điều này đặt ra một vấn đề là khoản phí đánh 2 lần với 6% giá trị khoản vay, chi phí với người đi vay trong dự án của HVA sẽ đội lên rất nhiều. Công ty đặt giả định quy mô thị trường sẽ tăng 100% mỗi năm trong 6 năm liên tiếp, nhưng 6% chi phí cộng thêm có thể tạo tác động ngược khi thị trường cho vay ngang hàng (P2P) đang ngày càng nhiều đối thủ tham gia. Nếu tính theo mức lãi suất mà HVA kỳ vọng từ nghiệp vụ cho vay là 15%, ít nhất người đi vay cần trả lãi 20 - 21% cho 1 khoản vay nếu tham gia P2P Lending của công ty này.
Trong khi đó, khoản lợi nhuận thứ 2 đến từ việc HVA đóng vai trò là người cho vay cũng bộc lộ những điểm không chắc chắn. Công ty kỳ vọng mức lãi suất sẽ đạt 15% trong năm đầu tiên (2019) và tăng trưởng 5%/năm trong 6 năm vận hành dự án, câu chuyện lãi suất này đang đi ngược lại với xu hướng chung trên thị trường khi lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm mạnh. Bản thân lĩnh vực tài chính tiêu dùng, cho vay tín chấp hiện cũng là thị trường được nhiều nhà băng và định chế tài chính nhắm tới.
Cổ phiếu HVA tăng phi mã trước thông tin về dự án liên quan đến blockchain
Trí Thức Trẻ