MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án di dời cả một đất nước đang đứng trước nguy cơ hoàn toàn biến mất

16-11-2022 - 21:38 PM | Sống

Ở đảo quốc Fiji, biến đổi khí hậu đang đẩy những ngôi làng chìm xuống đại dương từng ngày.

Trong 4 năm qua, một lực lượng đặc nhiệm của chính phủ Fiji đã lên một kế hoạch đặc biệt: di cư cả đất nước. Kế hoạch được đưa ra dài tới 130 trang văn bản, xen kẽ với các biểu đồ mạng nhện phức tạp và các mốc thời gian chi tiết. Đây là kế hoạch kỹ lưỡng nhất từng được đưa ra để giải quyết một trong những hậu quả cấp bách nhất của khủng hoảng khí hậu: mực nước tăng cao khiến nhà cửa, cộng động không còn chỗ sinh tồn.

Di chuyển từng căn nhà và sau đó là cả quốc đảo

Đảo quốc Fiji nằm ở nam Thái Bình Dương, cách Australia 1.800 dặm về phía đông có hơn 300 hòn đảo và dân số dưới 1 triệu người. Giống như hầu hết Thái Bình Dương, nó rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động của biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ bề mặt và nhiệt độ đại dương ở các vùng phía tây nam Thái Bình Dương đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ trung bình toàn cầu. Những cơn lốc xoáy nghiêm trọng thường xuyên tàn phá khu vực. Vào năm 2016, Bão Winston tấn công Fiji, làm 44 người thiệt mạng và gây thiệt hại 1,4 tỷ USD, chiếm 1/3 GDP của cả nước. Kể từ đó, Fiji đã phải hứng chịu thêm 6 cơn bão nữa.

Những gì Fiji đang cố gắng làm là chưa từng có. Trong nhiều năm, các chính trị gia và nhà khoa học đã nói về viễn cảnh “di cư khí hậu”. Ở Fiji và phần lớn Thái Bình Dương, cuộc di cư này đã bắt đầu. Ở đây, câu hỏi không còn là liệu các cộng đồng có bị buộc phải di chuyển hay không, mà là làm thế nào để làm điều đó một cách quy củ.

Hiện tại, 42 ngôi làng ở Fijian đã được đánh dấu để di dời trong vòng 5 đến 10 năm tới. 6 ngôi làng đã được di chuyển. Mỗi cơn lốc xoáy hoặc thảm họa mới đều mang theo nguy cơ có thêm nhiều ngôi làng bị thêm vào danh sách.

Dự án di dời cả một đất nước đang đứng trước nguy cơ hoàn toàn biến mất - Ảnh 1.

Di chuyển một ngôi làng trên địa hình đồi núi tươi tốt của Fiji là một nhiệm vụ phức tạp. “Chúng tôi phải liên tục cố gắng giải thích cho người dân. Chuyện này không chỉ là dỡ bỏ 30 hay 40 ngôi nhà trong một ngôi làng và di chuyển chúng lên vùng cao hơn. Tôi ước gì nó chỉ đơn giản như vậy”, Satyendra Prasad, đại sứ của Fiji tại Liên Hợp Quốc nói với The Guardian.

Ông liệt kê ra một danh sách những thứ cần phải di chuyển cùng với nhà cửa: Trường học, trung tâm y tế, đường xá, điện, nước, cơ sở hạ tầng, nhà thờ. “Và sau khi bạn có thể di dời xong những thứ đó, bạn phải di dời nghĩa trang. Di dời người sống đã khó, người chết còn khó gấp bội”, Prasad nhấn mạnh những thách thức là quá nhiều, không chỉ gồm khó khăn tài chính, chính trị, mà thậm chí cả tinh thần.

Cuộc sống mới ở vùng đất mới

Vunidogoloa, một ngôi làng có khoảng 140 người trên Vanua Levu, hòn đảo lớn thứ hai của đất nước nổi tiếng vì một lý do kỳ lạ: Đây là nơi đầu tiên được di dời do biến đổi khí hậu. Nó đã thu hút nhiều du khách trong những năm qua. Sailosi Ramatu, một hướng dẫn viên bản địa thường đưa du khách tham quan các địa điểm của cả ngôi làng mới và cũ đã có những chia sẻ thú vị.

Ramatu (62 tuổi) là trưởng làng vào năm 2014 - thời điểm mọi người phải chuyển đi. Vunidogoloa cách thị trấn chính Labasa của hòn 2 giờ lái xe. Ông đưa du khách tới ngôi làng cũ và chỉ đây là nơi ông được sinh ra, cũng là nơi ông luôn tưởng mình cũng sẽ lìa đời. Bây giờ nó là một thị trấn ma. Khoảng 20 ngôi nhà bỏ hoang vẫn đứng vững, gió rít qua những cánh cửa mở và những ô cửa sổ bị hỏng. Mái nhà bị sập, ván sàn bị mất, cỏ hoang mọc um tùm. Nơi từng là một bãi cỏ tươi tốt, nơi mọi người gặp nhau để ăn uống giờ là một đầm lầy.

Các cuộc thảo luận về việc di chuyển Vunidogoloa bắt đầu một cách nghiêm túc vào khoảng năm 2004. 2 năm sau, cộng đồng đã thống nhất với chính quyền tỉnh và yêu cầu hỗ trợ di dời. Phải mất hơn một thập kỷ chờ đợi, họ mới có được ngôi làng mới ở cách xa đất liền hơn một dặm và cao hơn rất nhiều.

Dự án di dời cả một đất nước đang đứng trước nguy cơ hoàn toàn biến mất - Ảnh 2.

Ngôi làng Vunidogoloa mới

Vunidogoloa mới bao gồm 30 ngôi nhà màu xanh lá cây nhạt nằm rải rác trên một sườn đồi xanh mướt. Trong ngôi nhà của Sera Naidrua, một người phụ nữ 74 tuổi, những tấm vải đầy màu sắc treo trên tường và làn gió mát thổi qua những ô cửa sổ và cửa ra vào đang mở.

Khi Naidrua rót trà nguội vào những chiếc cốc nhựa sáng màu, bà xúc động kể về ngôi làng cổ. Bà nhớ lại khi còn nhỏ mình đã hái quả dilo mọc dọc bờ biển như thế nào và dùng chúng để chơi bi ra sao. Nhưng cuối cùng, bà nói: "Đó là một quyết định đúng đắn khi chuyển đến đây. Trước đây chúng tôi luôn lo sợ về tính mạng vì lốc xoáy, sóng đánh vào làng. Bây giờ ở đây chúng tôi cảm thấy an toàn hơn".

Trong công cuộc tái định cư, Vunidogoloa đã may mắn. Dân làng không phải thương lượng với một thị tộc lân cận hoặc với chính phủ để có đất chuyển đến. Dù chính phủ Fiji tài trợ một phần lớn cho việc di dời và Tổ chức Lao động Quốc tế cung cấp kinh phí để trả lương cho người lao động xây dựng, tự người dân làng đã đóng góp phần lớn nguồn lực.

Dự án di dời cả một đất nước đang đứng trước nguy cơ hoàn toàn biến mất - Ảnh 3.

Bà Naidrua trong ngôi nhà mới của mình

Những người chẳng có nơi nào để đi

Người dân ở làng Nabavatu thì không may mắn như vậy. Cho đến năm ngoái, không ai ở đây xem xét việc phải di dời. Ngôi làng được xây dựng trên một ngọn đồi trên đảo Vanua Levu nhìn ra dòng sông Dreketi hùng vĩ tưởng chừng như không cần lo lắng gì với vấn đề mực nước biển dâng. Thế nhưng hóa ra vùng đất đang bị nhiễm độc dần dần. Vào tháng 1/2021, nó bị ảnh hưởng bởi Bão Ana.

18 tháng sau cơn bão, ngôi làng vẫn còn là một cảnh hoang tàn. Hội trường làng, nơi được cho là trung tâm sơ tán trong trường hợp xảy ra lốc xoáy đã bị phá hủy. Trần nhà của nó bị thủng, cửa sổ và cửa chớp bị thổi tung. Sau cơn lốc xoáy là mưa xối xả, biến ngọn đồi thành bùn và khiến đất bên dưới những ngôi nhà, đường xá và tòa nhà bị trơn trượt.

Hầu hết các tòa nhà, bao gồm cả nhà thờ trên đỉnh đồi, được sơn bằng phấn màu sáng - vốn tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy đặc trưng của ngôi làng - đã xuất hiện những vết nứt sâu từ nền móng lên đến mái nhà. Khi một đội khảo sát của chính phủ đến, họ nói với dân làng rằng mặt đất quá không ổn định để họ ở lại. Họ phải rời đi, mãi mãi.

Dự án di dời cả một đất nước đang đứng trước nguy cơ hoàn toàn biến mất - Ảnh 4.

Nabavatu không bị nước biển nhấn chìm, nhưng bị nhiễm độc

Vào tháng 7, gần 400 người Nabavatu vẫn sống trong các lều thảm họa hơn một năm. 38 chiếc lều này nằm trong khuôn viên của một nhà thờ. Không có điện ở đây, mọi người chỉ có thể sử dụng pin năng lượng mặt trời nhỏ để có ánh sáng. Để tiếp tục đọc hoặc làm bài tập sau khi màn đêm buông xuống, trẻ em dùng đèn pin trên điện thoại nếu có. Nguồn cung cấp nước bị rò rỉ và không có đủ nhà vệ sinh. Vào ban ngày, những chiếc lều quá nóng để trẻ em có thể ở trong đó một cách an toàn. Còn vào ban đêm, các lều lạnh cóng.

Dự án di dời cả một đất nước đang đứng trước nguy cơ hoàn toàn biến mất - Ảnh 5.

Nhà thờ bỏ hoang ở Nabavatu

Không ai còn tranh cãi chuyện liệu Nabavatu cần di dời hay không nữa. Dù là nơi chôn rau cắt rốn, hàng trăm người dân nơi đây đều khao khát được chuyển đi vì miền đất mẹ của họ đã bị phá hủy. Vấn đề là không có vùng đất nào phù hợp có thể tiếp nhận họ.

Theo Chi Chi

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên