Dự án dồn dập kéo về, tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung đón dòng vốn 1.700 tỷ đồng
Tỉnh này được định hướng thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung, với 2 thị xã sẽ lên thành phố.
- 06-02-2024Nhiều dự án giao thông trọng điểm của TP Hồ Chí Minh thi công xuyên Tết
- 06-02-2024Tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước
- 06-02-2024Đấu giá hơn 15 nghìn biển số xe ô tô, với tổng số tiền trên 2 nghìn tỷ đồng
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, riêng tháng 1/2024, tỉnh Bình Định đã thu hút mới 9 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.717,1 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh này đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 117 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 351,2 tỷ đồng.
Cụ thể, 9 dự án được đầu tư tại tỉnh này ở tháng đầu tiên của năm mới, trong đó có 4 dự án nằm trong khu công nghiệp, khu kinh tế; 2 dự án nằm trong cụm công nghiệp và 3 dự án nằm ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Các dự án gồm: Dự án Khu nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị tại khu vực phía Nam và phía Bắc đường Tăng Bạt Hổ, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước; kho chứa vật tư phục vụ sản xuất công nghiệp và chứa gạch, ngói thành phẩm của Công ty TNHH Takao Mart; khu sản xuất, chế biến nông, lâm sản tập trung của Công ty Cổ phần Vinanutrifood Bình Định; dự án Nhà xưởng gia công cấu kiện thép Bình Phú của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Bình Phú; dự án Trang trại chăn nuôi gà trứng - hậu bị của Công ty TNHH Hà My BĐ; nhà máy đan nhựa giả mây của Công ty TNHH Nội ngoại thất miền Trung; nhà máy chế biến gỗ, đan nhựa giả mây của Công ty TNHH SX & TM Nguyễn Đức; dự án Nhà máy sản xuất Phân bón Cà Mau - Cơ sở Bình Định của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau; nhà máy đan nhựa giả mây và gia công cơ khí phục vụ đan nhựa giả mây của Công ty TNHH XNK Bảo Trân.
Bình Định sẽ có 3 thành phố
Theo quy hoạch tỉnh Bình Định, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa.
Tỉnh tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội; phát triển Khu Đô thị Khoa học mang tầm cỡ quốc gia.
Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đến năm 2030, toàn tỉnh Bình Định có 21 đô thị, gồm: 1 đô thị loại I (TP Quy Nhơn); 2 đô thị loại III (TP An Nhơn và TP Hoài Nhơn); 3 đô thị loại IV (thị xã Tây Sơn, thị xã Tuy Phước và thị trấn Cát Tiến); 15 đô thị loại V (thị trấn Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, Bình Dương, Ngô Mây, An Hòa, Mỹ Chánh, Cát Khánh, Canh Vinh, Mỹ Thành, Mỹ An, Cát Hanh, Ân Tường Tây).
Như vậy, Bình Định sẽ có 3 thành phố, là TP Quy Nhơn, TP An Nhơn và TP Hoài Nhơn.
Những năm gần đây, kinh tế của tỉnh phát triển mạnh mẽ, thể hiện vị thế của tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Năm 2023, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) ước tăng 7,61%; vượt kế hoạch HĐND tỉnh giao 0,11%, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước (2,11%).
Tốc độ tăng trưởng GRDP của Bình Định xếp thứ 17/63 địa phương trong cả nước, thứ 6/14 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, thứ 1/5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 78,19 triệu đồng, vượt gần 3 triệu đồng so với kế hoạch.