MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án FDI mới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm

6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký ước đạt trên 13 tỷ USD, có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vốn đăng ký giảm nhẹ nhưng vốn giải ngân lại tăng.

Đặc biệt là có tới 1.293 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng trên 70% so với cùng kỳ. Các chuyên gia nhận định việc tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài có quy mô nhỏ và vừa tiếp tục tin tưởng vào môi trường kinh doanh của Việt Nam nên đã quyết định đầu tư mới.

Một doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư hơn 300 triệu USD vào Việt Nam từ năm 2009, chủ yếu là sản xuất thiết bị cho các nhà máy điện, cảng biển. Tới đây, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi, khởi đầu bằng việc vừa ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với tập đoàn điện gió hàng đầu thế giới.

Ông Park Min Sik - Giám đốc văn phòng Doosan Enerbility cho biết: "Quy hoạch điện VIII vừa mới được công bố. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây là những động lực để chúng tôi tin rằng thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng".

Đã triển khai 2 dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại tỉnh Bắc Giang cách đây vài năm, với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, năm nay Công ty TNHH JA Solar Việt Nam lại tiếp tục mở rộng giai đoạn 3 của dự án.

"Chúng tôi đã hoàn thiện các bước để mở rộng đầu tư với công suất thiết kế gấp hơn 2 lần so với hiện tại, số công nhân tăng lên khoảng 4.000 người. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi về quỹ đất, các thủ tục hành chính để chúng tôi có thể triển khai dự án sớm nhất", ông Fan Jing Chao - Tổng Giám đốc Công ty TNHH JA Solar Việt Nam cho hay.

Dự án FDI mới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Dự án FDI mới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Ảnh minh họa.

Đa số các dự án FDI mới đều tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như cơ sở hạ tầng, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai…

Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: "Để thu hút được đầu tư nước ngoài thì tỉnh Bắc Giang đã tập trung cao cho khâu bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư. Thứ 2 là thành lập Tổ công tác do một đồng chí lãnh đạo tỉnh làm tổ trưởng để giải quyết tất cả vướng mắc khó khăn trong quá trình nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh Bắc Giang từ khâu làm thủ tục, sau đó tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, tạo điều kiện trong tuyển dụng lao động".

Mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực Singapore (SRBF) lần thứ 7 tổ chức tại Hà Nội, đã chứng kiến sự ký kết 12 biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác giữa Singapore và Việt Nam về phát triển bền vững, số hoá, dịch vụ tài chính và phát triển nhân sự. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất năm 2022 tại Việt Nam với số vốn lên tới 6,46 tỷ USD, chiếm trên 23% tổng vốn FDI.

Ông Sam Cheong - Giám đốc Khối Tư vấn Đầu tư nước ngoài và kết nối đối tác, Tập đoàn UOB đánh giá: "Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và là thị trường chiến lược quan trọng của nhiều doanh nghiệp. Chúng tôi là Ngân hàng Singapore đầu tiên thành lập Bộ phận Tư vấn FDI tại Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn FDI vào Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng ra khu vực".

Việt Nam được xếp hạng là một trong ba quốc gia hàng đầu để các công ty Singapore mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong ngắn hạn. Các chuyên gia tin rằng, với việc tăng trưởng của các dự án FDI mới trong 6 tháng đầu năm nay thì Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu của doanh nghiệp FDI, đặc biệt là từ các công ty đa quốc gia.

Theo PV

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên