Dự án môi trường 72 triệu USD ở Nha Trang 'vỡ' tiến độ, nguy cơ bị kiện
Dự án trị giá 72 triệu USD ở Nha Trang chậm giải phóng mặt bằng nên Ngân hàng Thế giới (WB) đã đề nghị hủy bỏ một số hạng mục chậm tiến độ trong hợp phần 2 của dự án này. Tuy nhiên, việc loại bỏ các hạng mục này sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, hệ thống giao thông hạ tầng và đền bù thiệt hại hợp đồng cho doanh nghiệp.
- 09-07-2023Sẽ phê duyệt đầu tư 14 dự án giao thông trong quý III
- 09-07-2023Gấp rút thực hiện dự án đường dây 500kV mạch 3, đảm bảo vận hành trong tháng 6/2024
- 09-07-2023Thủ tướng đồng ý vay 2,53 tỷ USD cho 16 dự án ODA vùng ĐBSCL
Chậm trễ giải phóng mặt bằng
Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang (dự án CCSEP Nha Trang) có vốn đầu tư 72 triệu USD do Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, có 60,6 triệu USD vốn vay từ WB và 11,4 triệu USD nguồn vốn đối ứng địa phương. Tuy nhiên, hiện dự án CCSEP Nha Trang đang loay hoay trong việc giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân trong vùng dự án nên chậm tiến độ nghiêm trọng. Bởi thế, WB đã yêu cầu tỉnh Khánh Hòa loại bỏ những hạng mục gây chậm trễ để sớm hoàn thành dự án.
Vào tháng 4 vừa qua WB tại Việt Nam có thư gửi lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Sau khi tái cơ cấu dự án CCSEP Nha Trang (tháng 12/2022), hợp phần 2 của Tiểu dự án Nha Trang bao gồm 2 hạng mục đầu tư thực hiện thông qua 2 hợp đồng xây lắp gồm: Kè bắc sông Cái - đường Chử Đồng Tử (hợp đồng NT-2.1) và kè và đường Nam sông Cái (hợp đồng NT-2.3).
Theo kế hoạch, cả 2 hợp đồng trên dự kiến hoàn thành trong tháng 3 và 4 năm nay. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư triển khai chậm chạp, nên dự án phải tạm dừng vào tháng 7/2022 (hợp đồng NT-2.1) và từ tháng 12/2022 (hợp đồng NT-2.3). Đến tháng 3, dự án mới chỉ hoàn thành 5% khối lượng công việc hợp đồng NT-2.1 và đạt 15% khối lượng công việc hợp đồng NT-2.3.
Vì thế, WB cho biết không thể tài trợ cho các hợp đồng này kể từ ngày 18/5 và việc sử dụng vốn đối ứng để thanh toán cho các hợp đồng gia hạn thêm (nếu tỉnh triển khai) cần phải có sẵn ngay. Nhưng hiện phía WB không có sẵn nguồn vốn để thanh toán cho các hợp đồng này.
“Chúng tôi hiểu rằng việc huỷ các hạng mục này có thể liên quan đến các thủ tục phức tạp và có thể có những hậu quả không mong muốn mà cần được quản lý/xử lý trong khi xem xét các quy định/yêu cầu của Việt Nam và của hợp đồng có liên quan. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, kịp thời thống nhất về việc hủy các hạng mục đầu tư này sẽ cho phép tất cả các bên giảm thiểu đáng kể rủi ro liên quan đến tái định cư hoặc các hạng mục đầu tư chưa hoàn thành khi đóng dự án”, thư của WB nêu rõ.
Nguy cơ đền bù hợp đồng
Trong văn bản phúc đáp 18/5 gửi đến WB, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho rằng: Việc đề xuất hủy bỏ các hạng mục còn lại thuộc hợp phần 2 dự án CCSEP Nha Trang sẽ gây ra một số khó khăn và hệ lụy. Theo đó, nếu cắt giảm hạng mục kè và đường sẽ ảnh hưởng lớn đến chỉ số hiệu quả của dự án như về chỉ số mục tiêu đường kết nối giao thông, kè và chỉ số mục tiêu đối tượng được hưởng lợi từ giảm thiểu rủi ro về ngập lụt, đồng thời kéo theo 3/15 chỉ số không đạt hiệu quả theo mục tiêu ban đầu.
Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa hạng mục kè và đường dọc bờ nam sông Cái (NT- 2.1), địa phương đã đầu tư một số công trình hạng mục từ nguồn vốn ngân sách tỉnh như: Cầu Kim Bồng (131 tỷ đồng), đường vành đai 2 (1.180 tỷ đồng) và đập ngăn mặn qua Sông Cái (760 tỷ đồng).
Các dự án trên kết nối liên hoàn tạo thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông hoàn chỉnh của khu vực, kết nối giữa khu Tây Nam và khu vực phía Bắc Nha Trang. Trong đó, hạng mục kè và đường dọc bờ nam sông Cái là hạng mục giữ vai trò then chốt, là động lực chính để tạo sự liên hoàn về kết nối giao thông.
Nếu bị hủy bỏ các hạng mục còn lại thuộc hợp phần 2 dự án CCSEP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sẽ đối diện với những rủi ro khi dừng hợp đồng và hủy các hạng mục khỏi dự án. Vì các nhà thầu đã huy động nhiều nguồn lực, đặt hàng vật tư để triển khai thi công dự án. Trong điều khoản trong hợp đồng, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng từ bên giao thầu mà không do lỗi nhà thầu có thể dẫn tới việc khiếu kiện, tranh chấp hợp đồng và sẽ phải đền bù một số thiệt hại cho nhà thầu.
Hiện Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận đơn kiến nghị đề nghị bồi thường gần 13 tỷ đồng nếu chấm dứt hợp đồng từ thành viên liên danh của gói thầu NT-2.1. Liên quan đến trách nhiệm quản lý dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc để dự án 72 triệu USD nói trên chậm tiến độ.
Tiền phong