Thông tin mới nhất về mức lương dự kiến sau cải cách tiền lương
Đại diện Bộ Nội vụ đã cung cấp thông tin mới nhất về việc thực hiện cải cách tiền lương từ 1-7
- 05-05-2024Đã khởi công, triển khai thủ tục 9/29 dự án giao thông lớn liên kết vùng Đông Nam Bộ
- 05-05-2024Vì sao cựu Chủ tịch UBND tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam?
- 05-05-2024Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông còn quá thấp
Ngày 4-5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, thông tin về tiến độ thực hiện các công việc liên quan cải cách tiền lương từ 1-7, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số các cơ quan liên quan tập trung xây dựng 5 hệ thống thang bảng lương.
Theo ông Minh, đối với bảng lương chức vụ các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương cho đến cấp xã, phải mất nhiều năm mới có thể ban hành, ra được danh mục các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý và tương đương để bao quát tất cả các cơ quan, lĩnh vực.
Bên cạnh đó là bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức, áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Ngoài ra, ông Minh thông tin về 3 bảng lương trong lực lượng vũ trang, gồm: Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).
Thời gian vừa qua, Bộ Nội vụ đã cùng với các bộ ngành hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về các nội dung cơ bản của các cải cách chính sách tiền lương. Ông Minh cho biết có một số nội dung đang tiếp thu, giải trình để xin ý kiến Thủ tướng để báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
Nêu cụ thể một số vấn đề cần xin ý kiến để hoàn thiện, theo ông Minh đó là việc thống nhất cho 5 thang bảng lương và 9 nhóm phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý và các chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó là việc thực hiện bảo lưu tiền lương cũng như thu nhập đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. "Khi chúng ta thực hiện việc xếp lương, nếu lương mới thấp hơn lương cũ thì cho phép bảo lưu lương theo tinh thần Nghị quyết 27 là lương mới bảo đảm không thấp hơn mức lương cũ"- ông Minh nhấn mạnh.
Tiếp đó là việc thực hiện chế độ trợ cấp đối với các cán bộ, công chức có mức lương cơ bản thấp hơn mức lương thấp nhất của vùng một áp dụng đối với khu vực doanh nghiệp. Để bảo đảm đối tượng cán bộ, công chức này có đời sống đáp ứng được ở một mức tiền lương cố định, hiện Bộ Nội vụ đang xin một mức lương khoảng trên 5 triệu, tức là lương tối thiểu vùng áp dụng với các đối tượng này.
"Khi chúng ta cải cách tiền lương thì đảm bảo những người có thu nhập thấp nhất cũng không thấp hơn 5 triệu. Con số này còn phải xin ý kiến của Bộ Chính trị"- ông Vũ Đăng Minh nêu rõ.
Một vấn đề khác đang xin ý kiến việc thực hiện mức khoán bằng số tiền cụ thể đối với cán bộ công chức, đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã để áp dụng mức khoán đối với cán bộ chuyên trách chính quyền cơ sở.
Theo Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, trên đây là những nội dung lớn sắp tới phải báo cáo Bộ Chính trị, sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ liên quan để xây dựng và trình cấp thẩm quyền 3 nhóm văn bản.
Thứ nhất, trình Ban Bí thư ban hành Quyết định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức khối cơ quan của Đảng, đoàn thể Mặt trận tổ quốc. Thứ hai, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, những người thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Thứ ba, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 24 ngày 12-2-2024 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương mới với công chức, viên chức lực lượng vũ trang để thay thế Nghị định này. Đồng thời, phải ban hành 12 thông tư để hướng dẫn rất cụ thể về các hệ thống thang bảng lương, cách chi trả, cách tính toán tiền lương áp dụng đối với tiền lương mới.
Về đảm bảo nguồn lực cho cải cách tiền lương, ông Minh cho biết cần kiên trì và kiên quyết thực hiện theo phương châm tiếp tục sắp xếp, tổ chức các bộ máy, cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng sắp xếp tinh gọn để tiết kiệm được nguồn chi.
Người lao động