MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án Mỹ Đình Pearl thêm 10 tầng, chuyển đổi thành căn hộ ở có gây áp lực lên hạ tầng?

18-02-2022 - 10:48 AM | Bất động sản

Dự án Mỹ Đình Pearl thêm 10 tầng, chuyển đổi thành căn hộ ở có gây áp lực lên hạ tầng?

Việc điều chỉnh quy hoạch tăng thêm 10 tầng và chuyển đổi từ khu văn phòng thành căn hộ ở có gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, xã hội; phá vỡ quy hoạch trước đây đã phê duyệt?

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 426 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Golden Palace A tỷ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu KS-VP-NO dự án Tổ hợp Mỹ Đình Pearl khu X3, CV4.3 (phần quy hoạch sử dụng đất và tổ chức không gian) tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm.

Diện tích lô đất điều chỉnh quy hoạch là gần 3,8ha, do Tập đoàn SSG Group làm chủ đầu tư. Ô đất có phía Tây Bắc giáp phố Châu Văn Liêm, phía Nam giáp Đại lộ Thăng Long, phía Tây giáp nút giao cầu vượt Phú Đô, phía Đông Bắc giáp đường giao thông.

Theo đó, khối văn phòng (ký hiệu số 2) điều chỉnh giảm diện tích xây dựng được duyệt từ hơn 1.790m2 xuống còn 1.493m2; tăng tầng cao từ 28 tầng lên thành 38 tầng; tăng tổng diện tích sàn từ hơn 40.012m2 lên thành gần 54.000m2, đồng thời điều chỉnh chức năng từ "văn phòng" sang thành "thương mại dịch vụ, văn phòng kết hợp căn hộ".

Mật độ xây dựng toàn dự án sau điều chỉnh là 24,06%; Hệ số sử dụng đất 6,45 lần; dân số dự án đề xuất tăng thêm 848 người (tổng dân số toàn dự án sau điều chỉnh khoảng 3.988 người).

Quyết định của UBND thành phố Hà Nội cũng nêu rõ trách nhiệm, giao các sở, ngành hướng dẫn chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Bất động sản Dầu khí Việt Nam – SSG thực hiện thủ tục về điều chỉnh dự án đầu tư, nghĩa vụ tài chính liên quan đến điều chỉnh quy hoạch theo quy định.

Hiện tượng điều chỉnh từ văn phòng làm việc thành nhà chung cư cao tầng đang gây áp lực không nhỏ đến hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, phá vỡ quy hoạch Thủ đô.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng: "5 năm, chúng ta điều chỉnh quy hoạch phân khu một lần thì về một góc độ nào đó là đúng, nhưng đây là kẽ hở cho những quyết định điều chỉnh sai".

"Đối với việc phát triển các dự án, doanh nghiệp luôn ưu tiên cho khu vực thương mại để tạo ra lợi nhuận. Chúng ta thấy rõ việc chuyển đổi dự án từ khu văn phòng sang căn hộ ở, chủ đầu tư sẽ bán và thu được nhiều lợi nhuận hơn, tuy nhiên điều này sẽ tạo áp lực lên khu vực xung quanh về giao thông, thoát nước, trường học…” - ông Nguyễn Thế Diệp nói.

Việc nâng tầng, thêm căn hộ, gia tăng mật độ dân số tại Mỹ Đình Pearl hiện đang khiến nhiều người phải quan tâm về chất lượng sống tại khu vực này. Tháng 8/2021, tại thời điểm giãn cách xã hội, các hộ cư dân tại Mỹ Đình Pearl đã phải lên tiếng “kêu cứu” vì thiếu nước sinh hoạt nhiều ngày. Mật độ dân cư tăng sẽ tiếp tục áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Đời sống người dân ở khu vực này có được đảm bảo?

Hà Nội đã có những bài học đắt giá về việc điều chỉnh quy hoạch không theo tổng thể trước đó. Ví dụ như ở đường Lê Văn Lương (Hà Nội) hiện nay, nhiều người đã phải "bỏ chạy" khỏi những dự án xung quanh vì tắc đường, thiếu trường học./.

Theo Hoài Lam

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên