Dự án nghìn tỉ đuổi chim ở sân bay tái xuất lần 2
Sau một thời im ắng do những ý kiến trái chiều của dư luận, Cục Hàng không Việt Nam vừa tái đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt Dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng.
- 04-12-2016Tiếp tục đề xuất dự án đuổi chim trời đảm bảo an toàn bay
- 17-11-2016Cục Hàng không hồi sinh đề xuất “dự án nghìn tỉ đuổi chim”
- 03-08-2016Cục hàng không nói gì về công nghệ đuổi chim giá 1.162 tỉ đồng?
Dự án này có mục tiêu hạn chế và loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất-hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập và dự kiến triển khai tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM và Nội Bài - Hà Nội.
Theo thống kê, từ năm 2014 - 2016, đã có 156 vụ vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, trong đó riêng năm 2016, có tới 20 sự cố xảy ra do chim va và máy bay bị cắt lốp.
Cục Hàng không cho biết, đề xuất đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường cất-hạ cánh tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất không ngoài mục tiêu tự động hóa việc phát hiện vật thể lạ với tọa độ cảnh báo chính xác, không cảnh báo nhầm, không tắc nghẽn, không can nhiễu với các hệ thống kỹ thuật của khu bay và máy bay đồng thời giúp hạn chế, loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất, hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập.
Tổng mức đầu tư cho Dự án được đề xuất là gần 1.000 tỉ đồng, trong đó hệ thống tại Nội Bài là hơn 486 tỉ đồng và Tân Sơn Nhất là gần 510 tỉ đồng. Do vốn ngân sách khó khăn nên Cục đề xuất 2 phương án Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư hoặc xã hội hoá theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong đó kiến nghị ưu tiên phương án giao ACV làm chủ đầu tư dự án. Cục Hàng không cho rằng ACV có thể sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp để triển khai dự án hoặc kêu gọi đầu tư và thu xếp hoàn trả dần cho nhà đầu tư.
Về phương án hoàn vốn, theo Cục Hàng không, người khai thác phải trả tiền cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bằng kinh phí trích từ doanh thu dịch vụ cất, hạ cánh hàng năm để cơ quan này trả cho nhà đầu tư. Mức kinh phí này được xác định dựa trên tổng mức đầu tư ban đầu, lợi nhuận kỳ vọng (dự kiến 11%/năm) và thời gian khai thác hệ thống (tối thiểu 10 năm).
So với hai lần kiến nghị trước đó, tổng mức đầu tư dự án đã giảm nhẹ và thời gian hoàn vốn kéo dài hơn. Trước đó, dự án này vấp phải sự phản đối khi có tổng mức đầu tới 1.162 tỉ đồng và để hoàn vốn cho dự án, ACV đề xuất sẽ thu phí 35 USD đối với các chuyến bay quốc tế và 17 USD đối với các chuyến bay nội địa trên toàn bộ cảng hàng không ACV đang khai thác trong thời gian 6 năm 6 tháng.
Việc thu phí cao trong thời gian ngắn trên tất cả các sân bay trong khi dự án chỉ triển khai ở sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài khiến đề xuất này bị xem lại dù cơ quan chức năng xác định việc xây dựng hệ thống này là cần thiết. Trong quá trình cất-hạ cánh, máy bay phải chuyển động với vận tốc cao, lực ma sát lớn, nếu va vào các vật thể lạ dù rất nhỏ như ốc vít, thanh sắt, mảnh vỡ, chim trời… đều rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn thảm khốc.
Lao động