MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án nghìn tỷ 'đắp chiếu', ai chịu trách nhiệm?

“Nói về những dự án nghìn tỷ thua lỗ, nằm đắp chiếu thì đó là nỗi đau của đất nước, của nhân dân. Điều cử tri và nhân dân quan tâm là, ai đứng ra chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cử tri về những dự án thua lỗ, đắp chiếu, kém hiệu quả như thế này?”, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trò chuyện với PV Tiền Phong về dự án nghìn tỷ đắp chiếu.

Nỗi đau…

Sau 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ lớn đã được báo cáo ra Quốc hội, vừa qua lại có thêm một dự án thứ 13 thua lỗ lớn, dự án muối mỏ kali của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Từng chất vấn các bộ trưởng về những dự án nghìn tỷ đắp chiếu tại diễn đàn Quốc hội, cá nhân ông thấy sao khi lại thêm một dự án thứ 13 chết yểu?

Nói về những dự án nghìn tỷ thua lỗ, nằm “đắp chiếu”, đó là một nỗi đau của đất nước, của nhân dân. Thống kê ban đầu nói đến 6 – 7 dự án thua lỗ lớn. Sau đó đến 8 – 9 dự án, rồi sau đó đến 12 dự án và bây giờ lại lòi thêm một dự án nghìn tỷ thua lỗ nữa.

Trước thực tế trên, người dân và cử tri có đặt ra vấn đề: liệu còn bao nhiêu dự án thua lỗ nữa? 13, 15, 20 dự án thua lỗ đắp chiếu, hay đến con số bao nhiêu nữa thì mới dừng lại?

Với những dự án thua lỗ nghìn tỷ này, dự án nào khắc phục được và dự án nào không khắc phục được? Bên cạnh đó, mức độ thiệt hại từ những dự án này đã tính được đầy đủ chưa, hay còn những thiệt hại khác, những khoản thua lỗ, mất mát khác chưa tính được hết?

Đặc biệt, điều cử tri và nhân dân quan tâm là ai đứng ra chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cử tri về những dự án thua lỗ, đắp chiếu, kém hiệu quả như thế này?

Đó là bốn vấn đề cơ bản mà cử tri và nhân dân đặt ra, rất bức xúc!

Vậy còn quan điểm của ông về những dự án đắp chiếu thua lỗ này?

Cá nhân tôi thì đề nghị Bộ Công Thương phải phối hợp với các bộ, ngành hữu quan khác rà soát lại toàn bộ những dự án có nguy cơ thua lỗ, tiềm ẩn những rủi ro. Để từ đó chúng ta có phương án hữu hiệu, kịp thời khắc phục ngay, không để lây lan như bệnh dịch. Nếu không, cứ thỉnh thoảng lại lòi ra một dự án thua lỗ đắp chiếu như thế thì rất đáng lo ngại.

Bên cạnh đó cũng cần phải đưa ra nhiều phương án, trong đó có cả phương án mang tính xã hội hóa để giải quyết các dự án nghìn tỷ thua lỗ này. Nếu bây giờ cứ để một mình nhà nước, một mình Bộ Công Thương hay một bộ, ngành nào đó giải quyết thôi thì sẽ không hiệu quả. Làm như vậy, thậm chí còn có thể dẫn đến những rủi ro, khuất tất mới trong quá trình xử lý các dự án đắp chiếu này.

Bộ, ngành liên quan đều phải chịu trách nhiệm

Nói về xử lý trách nhiệm, đã có những ý kiến cho rằng, cần phải xem xét cả trách nhiệm hình sự đối với các dự án nghìn tỷ đắp chiếu?

Đúng là vấn đề trách nhiệm hình sự chưa đặt ra, cũng chưa xử lý mà chỉ có nêu vấn đề ra thôi. Việc này tôi cũng đã từng chất vấn trước Quốc hội. Cho nên, tôi đề nghị cần phải có thái độ kiên quyết, rõ ràng trong những vấn đề như thế.

Đương nhiên khi xem xét về hình sự, phải tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm cũng như các hậu quả của mỗi dự án. Không thể nói đơn giản dự án này xử lý hình sự, dự án kia thì kiểm điểm, kỷ luật về mặt Đảng được, thậm chí có vụ việc còn phải xử lý cả hai.

Đối với những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ, dù ở trong nước hay đầu tư ra nước ngoài vẫn có vai trò rất lớn của các bộ ngành, trong đó có Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính?

"Tất cả những cán bộ, cá nhân, cơ quan có liên quan đến các dự án thua lỗ, đắp chiếu, kém hiệu quả, từ cán bộ tham mưu, đến những người ký vào dự án đều phải chịu trách nhiệm, tùy tính chất mức độ khác nhau".

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Đương nhiên tất cả các bộ, ngành khi tham mưu đều phải ký vào đó rồi. Chính vì thế anh đều phải có trách nhiệm chứ không phải chỉ có mỗi Bộ Công Thương. Đây là vấn đề ở tầm Chính phủ chứ không đơn giản của riêng bộ, ngành nào. Do đó, tất cả các cơ quan có liên quan đều phải chịu trách nhiệm.

Tóm lại, tất cả những cán bộ, cá nhân, cơ quan có liên quan đến các dự án thua lỗ, đắp chiếu, kém hiệu quả, từ cán bộ tham mưu, đến những người ký vào dự án đều phải chịu trách nhiệm, tùy tính chất mức độ khác nhau. Theo tôi cũng cần phải có báo cáo về việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan với những phương án thật cụ thể, rõ ràng.

Khi có quá nhiều dự án thua lỗ đắp chiếu như vậy, nhiều ý kiến nhìn nhận, việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty có phần dễ dãi, dẫn tới lãng phí lớn?

Tôi không dám nói là có chuyện dễ dãi hay không. Bản thân chúng ta thì kỳ vọng vào những quy hoạch, tuy nhiên nó lại chưa được khoa học và thiếu thực tế. Có những dự án rất viển vông, dẫn đến chỗ khi đổ vốn vào đó không có hiệu quả, rồi dẫn đến thua lỗ, nằm đắp chiếu.

Đương nhiên như vậy cũng có phần dễ dãi, nhưng không phải hoàn toàn tất cả các dự án đều dễ dãi cả. Song cũng không thể nói tất cả các dự án đầu tư đều được thực hiện trên cơ sở tính toán một cách khoa học, bài bản.

Ngoài 12 dự án vừa được Chính phủ báo cáo ra Quốc hội, theo ông có cần phải rà soát, thống kê xem còn những dự án nào tương tự, tiếp tục báo cáo ra Quốc hội vào kỳ họp tới đây?

Điều này đã được nêu ra rồi, đại biểu Quốc hội cũng đã nói rồi. Ngoài 12 dự án thua lỗ lớn, phải tiếp tục rà soát, có báo cáo Quốc hội. Bộ Công Thương phải rà soát, báo cáo Chính phủ, trên cơ sở đó Chính phủ báo cáo ra Quốc hội, để Quốc hội tiến hành giám sát.

Cảm ơn ông.

Theo Thành Nam (thực hiện)

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên