Dự án om 'đất vàng' vẫn ung dung tồn tại
Nhiều dự án ôm “đất vàng” đã hơn 3 năm, thậm chí cả chục năm chưa triển khai song vẫn chưa bị thu hồi.
- 13-07-2018Hàng loạt sai phạm tại các khu "đất vàng" ở Cần Thơ
- 07-07-2018Hà Nội bán chỉ định "đất vàng" để xây trường cao đẳng gần 900 tỷ đồng
- 01-07-2018Công bố nghị quyết giám sát "đất vàng" đô thị
Ðầu năm 2018, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất, nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật; báo cáo UBND thành phố Hà Nội trước ngày 30/4/2018. Thế nhưng, đến nay có dự án đã hơn 10 năm chưa triển khai vẫn ung dung tồn tại.
Nhan nhản dự án bỏ hoang
Thế nhưng, ghi nhận thực tế của phóng viên, đã 6 tháng trôi qua, công việc này được triển khai rất chậm chạp, trì trệ. Ðáng chú ý, nhiều dự án ôm “đất vàng” đã hơn 3 năm, thậm chí cả chục năm chưa triển khai song vẫn chưa bị thu hồi. Thậm chí nhiều dự án chủ đầu tư không thực hiện mà cho thuê sử dụng đất trái mục đích gây bức xúc cho người dân.
Ðơn cử như dự án Bệnh viện Ða khoa Quang Trung tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai đã chậm gần chục năm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt. Dự án này được thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty CP Bệnh viện Ða khoa Quang Trung ngày 4/10/2007. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra việc chấp hành luật đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (Sở TN&MT), Cty CP Bệnh viện Ða khoa Quang Trung chưa thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư.
Theo Sở TN&MT, việc dự án chậm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư có nguyên nhân chính do Cty CP Bệnh viện Ða khoa Quang Trung không chứng minh được năng lực và không bố trí được nguồn kinh phí để triển khai. Do đó, Sở TN&MT đã có đề xuất thành phố giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư lập hồ sơ thu hồi dự án.
Cũng tại địa bàn quận Hoàng Mai, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt với trên 35 ha có quyết định của UBND thành phố Hà Nội thu hồi đất từ năm 2004 giao cho Tổng Cty Licogi làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, sau 14 năm, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, khiến hàng trăm hộ dân trong diện bị thu hồi đất phải sống trong điều kiện không điện, không nước sạch, không hộ khẩu. Ðiều đáng nói, gần đây một phần diện tích đất đã giải phóng mặt bằng lại được cho thuê làm bãi đỗ xe, nhà xưởng, trạm trộn bê tông để kiếm lời.
Bên cạnh các dự án bỏ hoang, hàng loạt dự án ôm “đất vàng” ở Hà Nội hiện chưa biết đến khi nào hoàn thành như: Dự án tòa nhà đa năng 131 Thái Hà (do Cty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng và Cty Cổ phần Kinh doanh và Xây dựng làm chủ đầu tư), khởi công năm 2008, trên khu đất có diện tích 6.745m2 ngay mặt đường Thái Hà. Thời điểm hoàn thành dự án đã qua rất lâu (2010) nhưng đến nay công trình vẫn đang dang dở.
Dự án 198B Tây Sơn do Cty TNHH Liên doanh Ðầu tư Tài chính Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án BIDV Diamond Phạm Hùng do Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam -BIDV làm chủ đầu tư; Dự án Tòa tháp HaBiCo 288 Phạm Văn Ðồng do Cty CP Hải Bình -HABICO làm chủ đầu tư; Dự án 16 Láng Hạ do Cty TNHH phát triển Phương Ðông làm chủ đầu tư; Dự án 268 Trung Kính xây dựng văn phòng và trung tâm dự dạy nghề; Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) ở ngã tư Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh; Dự án Tháp Thiên Niên Kỷ (quận Hà Ðông) nằm tại trung tâm có diện tích khoảng 6.000m2, được khởi động từ năm 2006, từng dự kiến là công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đến nay vẫn chưa hoàn thành...
Dự án 94 Lò Ðúc cũng là một vị trí đắc địa nhưng vẫn chưa biết đến khi nào mới hoàn thành. Vị trí này theo dự kiến sẽ mọc lên 2 toà cao ốc cao 33 - 35 tầng. Lô đất có được từ sự di dời của 2 nhà máy rượu Hà Nội và dệt kim Ðông Xuân ra khỏi nội thành, có 3 mặt tiền thuộc phố Lò Ðúc, Nguyễn Công Trứ và Ngô Thì Nhậm.
Hiện tại, một phần diện tích đã được dùng để xây dựng 2 trường học cho quận Hai Bà Trưng.
Lãng phí tài sản nhà nước
TS.KTS Ðào Ngọc Nghiêm- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Ðô thị Việt Nam cho biết, qua rà soát Hà Nội có khoảng hơn 8 triệu m2 đất đai sử dụng chưa hợp lý đất. Việc thu hồi đất đai đã được đặt ra rất nhiều lần và trong nhiều năm qua, nhưng thiếu sự quyết liệt trong xử lý thực hiện. “Khó nhất hiện nay là khâu định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng; chưa có sự hài hòa giữa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư. Một số dự án phải điều chỉnh quy hoạch, không giám sát chặt chẽ tiến độ triển khai. Vì vậy, mới tồn tại thực trạng những khu “đất vàng” đã bị bỏ hoang tới cả chục năm, thậm chí bị biến tướng”, TS.KTS Ðào Ngọc Nghiêm cho hay.
Theo ông Nghiêm, thành phố cần giám sát chặt chẽ việc rà soát và có giải pháp xử lý quyết liệt các dự án này, tránh gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
"Một số dự án phải điều chỉnh quy hoạch, không giám sát chặt chẽ tiến độ triển khai. Vì vậy, mới tồn tại thực trạng những khu "đất vàng" bị bỏ hoang tới cả chục năm, thậm chí bị biến tướng".
TS.KTS Ðào Ngọc Nghiêm
Tiền phong